Hàn Quốc phóng thành công tên lửa 'cây nhà lá vườn' mang tên Nuri

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau 30 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, Hàn Quốc đã chính thức gia nhập nhóm bảy cường quốc không gian hàng đầu thế giới, với việc phóng thành công tên lửa Nuri đặt các vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo Trái đất hôm 22/6. Sự kiện này đánh dấu khả năng khám phá không gian một cách độc lập và tự chủ của nước này.

Ngày 21/06/2022, Hàn Quốc đã phóng thành công tên lửa Nuri (phương tiện phóng vệ tinh II) được sản xuất nội địa, nặng 200 tấn và mang theo vệ tinh nặng hơn 1 tấn lên quỹ đạo Trái đất. Lần đầu tiên một tên lửa được sản xuất, thử nghiệm, phóng và vận hành theo công nghệ của Hàn Quốc.

Bước tiến lớn trong lĩnh vực khám phá không gian của Hàn Quốc

Phương tiện phóng vệ tinh II của Hàn Quốc, một tên lửa nhiên liệu lỏng nặng 200 tấn, rời bãi phóng ở Goheung lúc 16h giờ địa phương (tức 12h theo giờ Việt Nam) hôm 22/6.

Rạng sáng ngày 22/06, trạm vệ tinh Daejeon thông báo vệ tinh đã hoạt động, và việc kết nối hai chiều giữa vệ tinh và Trái đất đã được xác lập thành công. Lực lượng không quân Hàn Quốc đã ra lệnh cho vệ tinh đồng bộ hóa thời gian và kích hoạt bộ thu GPS gắn trên vệ tinh. Trong tương lai, Hàn Quốc sẽ chủ động tải xuống được các dữ liệu cơ bản và dữ liệu GPS ở chế độ truyền tốc độ cao (1 Mb/giây).

Với hơn 300 công ty nội địa tham gia vào việc sản xuất tới gần 300 nghìn bộ phận của tên lửa Nuri với tổng giá trị khoảng 2 nghìn tỷ won (1,5 tỷ USD), Hàn Quốc kỳ vọng sẽ thúc đẩy và hỗ trợ các công ty vũ trụ trong nước trở thành những “Space X” trong tương lai.

Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới phóng vệ tinh vào không gian một cách độc lập, thúc đẩy tham vọng hàng không vũ trụ ngày càng tăng và thể hiện khả năng phóng vệ tinh do thám. Sáu quốc gia còn lại là: Nga, Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Korea Aerospace Industries (KAI), công ty hàng không vũ trụ quốc gia, đã dẫn đầu các công ty trong việc phát triển tên lửa Nuri và sản xuất thùng nhiên liệu giai đoạn một và thùng chất oxy hóa.

Một quan chức KAI cho biết công ty đặt mục tiêu “dẫn đầu một dự án không gian khác sẽ bắt đầu trong năm nay để tăng cường các phương tiện phóng vào không gian của Hàn Quốc", tờ The Korea Times đưa tin.

Người dân Hàn Quốc theo dõi chương trình phóng tên lửa Nuri trên TV tại Ga Tàu Seoul, Hàn Quốc hôm 21/6/2022. (Ảnh: Simon Shin/SOPA Images/LightRocket/Getty Images)

Hanwha Aerospace, công ty sản xuất tất cả sáu động cơ cho tên lửa Nuri, đã hoàn thành việc phát triển các động cơ cần thiết cho lần phóng thứ ba của phương tiện vũ trụ.

Công ty cũng đã lên kế hoạch đầu tư 2,6 nghìn tỷ won (2 tỷ USD) vào lĩnh vực hàng không và quốc phòng của Hàn Quốc trong 5 năm tới, theo các báo cáo địa phương.

Đầu tháng này, Bộ Khoa học Hàn Quốc đã trao cho Korean Air Lines dự án trị giá 20 tỷ won (15 triệu USD) để phát triển động cơ 3 tấn cho giai đoạn hai của dự án phương tiện phóng cỡ nhỏ, dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2027.

“Korean Air sẽ giám sát quá trình thiết kế hệ thống động cơ, lắp ráp và quản lý hệ thống cũng như quá trình chứng nhận. Để thực hiện thành công dự án, hãng hàng không đã thành lập một liên minh với các công ty hàng không vũ trụ hàng đầu trong nước và các viện hàn lâm", công ty cho biết trong một tuyên bố.

Nuri của Hàn Quốc có gì?

Nuri trong tiếng Hàn có nghĩa là 'Thế giới' và còn được gọi Korea Space Launch Vehicle-II (KSLV-II). Nó là một tên lửa 3 tầng được phát triển để đưa một vệ tinh nặng 1,5 tấn vào quỹ đạo thấp cách Trái đất 600-800 km.

Hàn Quốc đã đầu tư tổng cộng 1,96 nghìn tỷ won (37,9 nghìn tỷ VNĐ) kể từ năm 2010 cho dự án phát triển Nuri. Hơn 300 công ty trong nước đã tham gia, trong đó có Hanwha Aerospace Co., đơn vị chịu trách nhiệm lắp ráp động cơ tên lửa đẩy chất lỏng nặng 75 tấn, được mệnh danh là "trái tim" của tên lửa.

Nuri được phát triển độc lập với các công nghệ tên lửa bản địa của Hàn Quốc, từ thiết kế và sản xuất đến thử nghiệm và phóng, bước tiến đáng kể đối với một quốc gia cho đến nay vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn lực nước ngoài để phát triển phương tiện phóng vũ trụ.

Tên lửa Nuri dài 47,2 mét, nặng 200 tấn có đường kính tối đa 3,5 mét và sử dụng 4 động cơ đẩy chất lỏng nặng 75 tấn trong giai đoạn đầu, 1 động cơ chất lỏng nặng 75 tấn trong giai đoạn hai và 1 động chất lỏng nặng 7 tấn trong giai đoạn thứ ba.

Sứ mệnh của Nuri chính là mang một vệ tinh giả nặng 1,5 tấn vào không gian. Địa điểm phóng Nuri là Trung tâm Vũ trụ Naro ở Goheung, tỉnh Nam Jeolla, cách Seoul 473 km về phía nam.

Khi phóng, theo kế hoạch tên lửa sẽ bay về phía nam Bán đảo Triều Tiên, giai đoạn đầu tiên dự kiến sẽ rơi cách bãi phóng khoảng 413 km và tách đôi khoảng 1,514 km trước khi giai đoạn thứ hai rơi ở vùng biển cách bãi phóng khoảng 2,800 km.

Trình tự chuyến bay dự kiến của nó cho thấy sự phân tách giai đoạn đầu tiên sẽ diễn ra trong 127 giây sau khi phóng ở độ cao 59 km, với sự phân tách ghép nối diễn ra vào giây 233 ở độ cao 191 km. Sau đó, sự phân tách giai đoạn thứ hai sẽ xảy ra ở giây 274 ở độ cao 258 km, và vệ tinh giả sẽ bị tách ra ở giây 967, tức khoảng 16 phút sau khi phóng ở độ cao 700 km so với Trái đất.

Vụ phóng gần đây là lần thứ hai Hàn Quốc phóng tên lửa Nuri. Trong lần thử đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái, trọng tải của tên lửa đã đạt đến độ cao mong muốn nhưng không đi vào quỹ đạo, vì động cơ của giai đoạn thứ ba của Nuri đánh lửa sớm hơn so với dự kiến.

Hàn Quốc và tham vọng trong lĩnh vực không gian vũ trụ

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã gửi lời chúc đến nhóm các nhà khoa học và các thành viên tham gia vào dự án, đồng thời ông cho biết thêm sẽ thành lập một cơ quan hàng không vũ trụ của nhà nước, theo văn phòng Tổng thống.

Kể từ đầu những năm 1990, Hàn Quốc đã gửi một loạt vệ tinh vào không gian, nhưng tất cả đều sử dụng công nghệ tên lửa hoặc bãi phóng của nước ngoài.

Năm 2013, Hàn Quốc lần đầu tiên phóng thành công một vệ tinh từ lãnh thổ của mình, nhưng giai đoạn đầu của tên lửa là do Nga sản xuất.

Hàn Quốc cũng hy vọng sẽ gửi một tàu thăm dò lên mặt trăng, chế tạo các phương tiện phóng không gian thế hệ tiếp theo và đưa các vệ tinh quy mô lớn vào quỹ đạo.

Về phía Bắc Triều Tiên, ngày 24/6, ông Kim Jong Un cũng đã triệu tập một cuộc họp với Quân ủy Trung ương để quyết định các chính sách lớn liên quan đến quốc phòng. Hiện tại chưa có thông báo nào liên quan đến hoạt động quân sự của Bắc Triều Tiên, tuy nhiên rất có thể kế hoạch cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7 cũng được thảo luận tại buổi họp này. Triều Tiên cũng đã nỗ lực phóng vệ tinh từ cuối năm 1998. Mặc dù vệ tinh của Triều Tiên đã đi vào quỹ đạo thành công, nhưng lại không hoạt động bình thường và trọng lượng của vệ tinh cũng nhỏ hơn nhiều so với Hàn Quốc.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hàn Quốc phóng thành công tên lửa 'cây nhà lá vườn' mang tên Nuri