Hoa Kỳ ‘quan ngại sâu sắc’ về 12 nhà hoạt động Hong Kong bị giam giữ ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Hoa Kỳ "quan ngại sâu sắc" về 12 nhà hoạt động Hong Kong bị giam giữ ở Trung Quốc trong nhiều tuần, kể từ khi họ bị bắt khi đang trên đường chạy trốn đến Đài Loan, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết trong một tuyên bố vào ngày 11/9.

12 người Hongkong đã bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc bắt giữ khoảng 3 tuần trước tại vùng biển Trung Quốc ngoài khơi tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc. Nhiều nguồn tin cho biết, những người này đã lên một chiếc thuyền để đến Đài Loan xin tị nạn.

Ít nhất một trong những nhà hoạt động Hong Kong này đã bị bắt trước đó vì vi phạm luật an ninh quốc gia mới của thành phố do chính quyền Bắc Kinh áp đặt. Các chính trị gia ủng hộ dân chủ địa phương và người thân của họ đã chỉ trích việc thiếu các biện pháp bảo vệ hợp pháp ở Trung Quốc đại lục, và kêu gọi hỗ trợ cho hoàn cảnh của họ.

Ông Pompeo là quan chức Hoa Kỳ đầu tiên công khai bày tỏ lập trường về vấn đề này. Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết, ông rất lo ngại khi biết tin các nhà hoạt động bị tước quyền tiếp cận luật sư.

Nhắc đến người đứng đầu chính quyền Hong Kong là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hôm 11/9, ông Pompeo cho biết: “Chúng tôi đặt câu hỏi về cam kết đã nêu của Trưởng đặc khu Lâm trong việc bảo vệ quyền của người dân Hong Kong, và kêu gọi các cơ quan chức năng đảm bảo duy trì đúng thủ tục”. Ông nói thêm rằng, có rất ít thông tin về trường hợp các nhà hoạt động này, cũng như các cáo buộc chính thức chống lại họ.

Một phát ngôn viên tại văn phòng Hong Kong của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dù không nêu tên ông Pompeo, nhưng đã đáp trả bằng “sự phản đối mạnh mẽ” trong một tuyên bố hôm thứ Bảy (12/9) và yêu cầu các chính trị gia Hoa Kỳ “ngay lập tức ngừng can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong và các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.

Tại Hong Kong, gia đình của các nhà hoạt động bị giam giữ đã xuất hiện trong một cuộc họp báo hôm 12/9 trong lần kháng cáo công khai đầu tiên. Họ xuất hiện với mũ trùm đầu và đeo khẩu trang để bảo vệ danh tính của mình, một số người rơi lệ và nức nở. Họ cầu xin để những người thân bị giam giữ của họ được phép tham khảo ý kiến ​​luật sư mà họ lựa chọn và có cơ hội nói chuyện với họ.

Người bị bắt giữ trẻ nhất mới chỉ 16 tuổi. Một số người bị bắt cũng cần thuốc, trong đó có một người bị hen suyễn và dị ứng da, những người thân cho biết.

Mẹ của Li Tsz-Yin (29 tuổi), một trong những người bị bắt nói: “20 ngày này rất khó khăn đối với chúng tôi. Tôi không biết liệu thằng bé còn sống hay có được an toàn hay không”. Bà cho biết thêm rằng, bà hy vọng chính quyền có thể sớm cung cấp thêm thông tin về những gì đang xảy ra và cho phép các nhà hoạt động quay trở lại Hong Kong.

Dự luật Dẫn độ năm 2019 và Luật an ninh quốc gia Hong Kong năm 2020 đã gây ra các cuộc biểu tình liên tiếp suốt 2 năm qua tại Hong Kong bất chấp sự đàn áp tàn bạo của hắc cảnh.
Dự luật Dẫn độ năm 2019 và Luật an ninh quốc gia Hong Kong năm 2020 đã gây ra các cuộc biểu tình liên tiếp suốt 2 năm qua tại Hong Kong bất chấp sự đàn áp tàn bạo của hắc cảnh. (Getty)

Đầu tuần này, khi các phóng viên đặt câu hỏi về việc liệu chính quyền Hong Kong có tìm cách đưa những người bị giam giữ ở đại lục trở lại hay không, bà Lâm nói rằng, nếu họ “bị bắt vì vi phạm các tội ở đại lục, thì họ phải bị xử lý theo luật của đại lục”.

Đe dọa luật sư

Một số luật sư Trung Quốc đại lục do gia đình các nhà hoạt động lựa chọn nói rằng, các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cảnh báo họ nên tránh xa vụ kiện này.

Luật sư nhân quyền Ren Quanniu ở tỉnh Hà Nam thuộc miền Trung Trung Quốc nói rằng, Văn phòng Tư pháp huyện Zhongyuan ở Trịnh Châu (thủ phủ của tỉnh) đã gọi cho ông 2 lần vào ngày 9/9 để yêu cầu ông rút khỏi vụ án, thậm chí tới mức còn buộc tội ông là "không yêu nước".

Theo tin tức từ Hong Kong, ông Ren nhận xét: “Cứ như thể mạng sống của chúng tôi đang bị đe dọa vậy. Họ khiến [lời đe dọa] nghe thực sự đáng sợ”. Tuy nhiên, vị luật sư này không hề thoái lui trước áp lực của giới chức ĐCSTQ.

Luật sư Ren nói rằng, những nhà hoạt động Hongkong có khả năng phải đối mặt với cáo buộc vượt biên trái phép, nhưng cũng bổ sung rằng các cáo buộc có thể thay đổi.

Một luật sư khác được gia đình thuê là ông Lu Siwei từ tỉnh Tứ Xuyên cho biết, ông đã bị từ chối gặp thân chủ vì giới chức đã chọn 2 luật sư bào chữa khác cho các nhà hoạt động bị giam giữ.

Một quan chức từ văn phòng tư pháp của Tứ Xuyên nói với luật sư Lu rằng, đây là một trường hợp quan trọng để "duy trì sự ổn định xã hội" và được giám sát bởi chính quyền trung ương, theo những gì ông Lu nói với truyền thông Hong Kong.

Trung tâm Giam giữ Diêm Điền (Yantian) ở thành phố Thâm Quyến thuộc miền nam Trung Quốc là nơi giam giữ các nhà hoạt động. Trung tâm này cũng từ chối luật sư Ji Zhongjiu từ tỉnh Chiết Giang đến thăm nhà hoạt động Li. Một sĩ quan tại trung tâm khẳng định qua điện thoại rằng nhà hoạt động Li đã tự chỉ định 2 luật sư, sau đó nhanh chóng dập máy khi luật sư Ji cố gắng tìm kiếm thêm thông tin.

Truyền thông Hong Kong đưa tin, ít nhất 3 luật sư tại Thâm Quyến mà gia đình các nhà hoạt động thuê đã bị nhà chức trách ép buộc rút khỏi vụ án.

Luật sư Hong Kong và là nhà lập pháp Đảng Dân chủ địa phương James To nói rằng, quyền đại diện hợp pháp của các nhà hoạt động bị giam giữ này đã bị hủy hoại.

“Rất bất thường khi các luật sư đại lục vốn được chỉ định bởi người thân của họ, thành viên gia đình của họ, lại bị thuyết phục rút khỏi những vụ việc này”, ông nói tại cuộc họp báo nơi những người thân xuất hiện.

Trước đó, vào ngày 23/8, giới chức ĐCSTQ đã bắt giữ 12 người Hong Kong khi họ đang chạy trốn đến Đài Loan trên một chiếc thuyền, theo tin từ các truyền thông địa phương.

Trong một bài đăng ngày 26/8 trên mạng xã hội Trung Quốc cho biết, lực lượng bảo vệ bờ biển của ĐCSTQ xác nhận rằng lực lượng Quảng Đông của họ đã chặn một chiếc thuyền, bắt giữ một nhóm "bị tình nghi vượt biên trái phép" vào khoảng 9 giờ tối ngày 23/8 và đã mở một cuộc điều tra. Hai trong số những người bị bắt giữ có tên là Tang và Li.

Nhóm này bao gồm 12 thanh niên Hong Kong đang trên đường đến Đài Loan bằng đường biển qua Biển Đông, để xin tị nạn chính trị tại quốc đảo dân chủ này.

Một trong những người trên tàu được xác định trong các bản tin của truyền thông Hong Kong là nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Andy Li. Giới truyền thông cho biết, nhà hoạt động Li đã giúp soạn thảo một báo cáo được công bố trong tháng Tám, trong đó nêu chi tiết sự lạm dụng quyền lực của cảnh sát Hong Kong.

Theo luật hình sự Trung Quốc, hành vi “vượt biên trái phép” có thể bị phạt tù tới một năm tù giam và một khoản tiền phạt.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ ‘quan ngại sâu sắc’ về 12 nhà hoạt động Hong Kong bị giam giữ ở Trung Quốc