Mỹ mất chỗ đứng ở Nam Thái Bình Dương khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát quần đảo Solomon

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quần đảo Solomon, một quốc gia chiến lược ở Nam Thái Bình Dương, đang dần trượt sâu hơn vào quỹ đạo của Trung Quốc. Động thái mới nhất hôm 29/8 của chính quyền quần đảo này về việc cấm tàu hải quân nước ngoài cập cảng đã kéo theo các lo ngại rằng, quốc đảo Thái Bình Dương đang quay lưng lại với Hoa Kỳ và xích lại gần hơn với ĐCSTQ.

Vào ngày 29/8, chính quyền Quần đảo Solomon đã thông báo cho các quan chức Hoa Kỳ rằng họ đã ngừng các chuyến thăm của các tàu quân sự Hoa Kỳ và các nước khác. Tin tức được đưa ra sau khi cả tàu tuần duyên Mỹ và tàu Hải quân Hoàng gia Anh đều bị từ chối cấp phép cập cảng quần đảo Solomon.

Vào ngày 20/4, chỉ vài ngày trước khi một phái đoàn Mỹ dự kiến ​​đến quần đảo Solomon, Thủ tướng Manasseh Sogavare thông báo rằng nước này đã ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc. Hiệp ước bị lên án bởi lãnh đạo đảng đối lập tại Quốc hội Solomon Matthew Wale, người cáo buộc rằng thỏa thuận này không đặt trên cơ sở lợi ích tốt nhất của đất nước và đe dọa đến sự thống nhất quốc gia.

Ông Kurt Campbell, điều phối viên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Nhà Trắng, cho biết hiệp ước giữa Trung Quốc và Solomon đã giúp Bắc Kinh xâm nhập vào Thái Bình Dương. Hiệp ước cũng trở thành nỗi lo của chính phủ của các quốc đảo Thái Bình Dương khác vì e ngại Quần đảo Solomon sẽ cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ hòn đảo này. Ngoại trưởng New Zealand, Nanaia Mahuta, cho biết hiệp ước này là "không được hoan nghênh và không cần thiết". Chỉ cách đó 1.000 dặm, Phó Thủ tướng Úc Barnaby Joyce cũng lên tiếng phản đối hiệp ước với tuyên bố: “Chúng tôi không muốn Cuba nhỏ bé của chúng tôi ở ngoài khơi bờ biển của mình”.

Bắc Kinh phủ nhận việc muốn có chỗ đứng ở Thái Bình Dương hoặc xây dựng căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon. Tuy nhiên, theo ông Wale, hiệp ước sẽ cho phép Trung Quốc triển khai quân đội tới hòn đảo này để bảo vệ công dân, nhân viên và các dự án đầu tư của Trung Quốc. Ông Wale không nhận thấy hiệp ước này mang lại lợi ích an ninh nào cho đất nước của mình, quốc gia đã có thỏa thuận với Úc và New Zealand.

Vào tháng 11/2021, đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Sogavare, quân đội Úc đã được triển khai tới thủ đô Honiara của quốc gia này để dập tắt các cuộc bạo động nhằm vào chính phủ và các doanh nghiệp Trung Quốc. Phần lớn căng thẳng giữa chính phủ của Thủ tướng Sogavare và người dân nằm ở quyết định của thủ tướng vào năm 2019 về việc hủy bỏ công nhận chính trị đối với Đài Loan để ủng hộ Trung Quốc. Những người biểu tình giận dữ đã thiêu rụi hàng loạt tòa nhà ở Chinatown. Và ông Wale đã đưa ra lời kêu gọi ông Sogavare từ chức.

Thủ tướng Sogavare cho biết hiệp ước an ninh với Trung Quốc là cần thiết để tăng cường khả năng của cảnh sát nước này và nhằm xử lý tốt hơn các cuộc bạo động như vụ bạo loạn xảy ra hồi tháng 11/2021 . Vào tháng 8/2022, ĐCSTQ đã cử các sĩ quan đi huấn luyện cho cảnh sát quần đảo Solomon.

Lực lượng cảnh sát hoàng gia Quần đảo Solomon (RSIPF) công bố ngày 29/3/2022 cho thấy các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc đang đào tạo các sĩ quan RSIPF diễn tập các kỹ năng chiến đấu phi vũ trang, cách sử dụng gậy dài, khiên tròn, dùi cui chiến thuật, còng tay, chiến thuật súng trường cơ bản và kiểm soát đám đông. (Ảnh: Getty Images)

Ông Daniel Suidani, thủ hiến của tỉnh Malaita, hòn đảo đông dân nhất của đất nước, luôn là người phản đối các chính sách thân ĐCSTQ của đất nước. Ông Suidani vẫn duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan trong khi chính thức từ chối bất kỳ khoản đầu tư nào của Trung Quốc vào tỉnh của mình. Trong suốt đại dịch, Malaita đã nhận được viện trợ COVID-19 từ Đài Loan, và lá cờ Đài Loan đã được trưng bày nổi bật tại các sự kiện công cộng trong tỉnh.

Vào tháng 5/2021, ông Suidani đã được chính phủ Đài Loan cho phép điều trị y tế tại Đài Bắc. Ông ở lại Đài Loan trong 5 tháng bất chấp sự phản đối chính thức của đại sứ quán Trung Quốc tại Honiara, nơi đã đưa ra một tuyên bố rằng: “Trung Quốc kiên quyết phản đối mọi cuộc tiếp xúc chính thức dưới bất kỳ hình thức nào giữa Đài Loan và mọi quan chức từ các nước có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc".

Các quốc đảo Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phòng thủ Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, được phối hợp với Úc, New Zealand và các đồng minh khác. Đó là một đòn giáng mạnh vào Hoa Kỳ, Đài Loan và các quốc gia dân chủ khác khi Kiribati và Quần đảo Solomon chuyển hướng công nhận Trung Quốc vào năm 2019.

Các quốc đảo ở Thái Bình Dương như Palau, Quần đảo Marshall, Nauru và Tuvalu nằm trong số 13 quốc gia vẫn công nhận nền độc lập của Đài Loan. ĐCSTQ đang lôi kéo những “người bạn của Đài Loan” còn lại bằng cách cung cấp viện trợ và đào tạo cảnh sát và quân đội cho các quốc gia này.

Vào tháng 5, Trung Quốc đã giới thiệu cho 10 quốc đảo Thái Bình Dương một thỏa thuận kinh tế và an ninh rộng lớn được gọi là Tầm nhìn phát triển chung Trung Quốc-các đảo quốc Thái Bình Dương (China-Pacific Island Countries Common Development Vision). Điều này bao gồm việc tăng cường hợp tác thực thi pháp luật và huấn luyện cảnh sát. Thỏa thuận đã bị từ chối, nhưng ĐCSTQ dường như có ý định giành được nhiều sự ủng hộ hơn trong khu vực và ngăn chặn các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm duy trì ưu thế hải quân.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ mất chỗ đứng ở Nam Thái Bình Dương khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát quần đảo Solomon