Mỹ ngừng nhận lô máy bay chiến đấu F-35 vì phát hiện động cơ có hợp kim từ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lầu Năm Góc cho biết họ tạm thời ngừng nhận lô máy bay chiến đấu F-35 của hãng Lockheed Martin sau khi biết được từ nhà sản xuất rằng một bộ phận của máy bay này được sản xuất tại Trung Quốc.

Lầu Năm Góc thông báo tạm ngừng nhận lô máy bay chiến đấu tàng hình đa năng F-35 do tập đoàn công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin sản xuất sau khi phát hiện một hợp kim nam châm dùng trong động cơ máy bay được sản xuất tại Trung Quốc, tờ Defense News đưa tin hôm 08/9.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Russell Goemaere cho biết kết quả điều tra chỉ ra rằng 1 hợp kim trong nam châm được sử dụng trong bộ phận bơm dầu nhờn của động cơ máy bay không tuân thủ Quy định Thu mua lại của Liên bang Mỹ (DFARS). Quy định này cấm dùng các bộ phận có xuất xứ từ Trung Quốc mà chưa được chính quyền Mỹ cấp phép.

“Bộ phận nam châm này không gây hại hay làm ảnh hưởng đến hiệu suất, chất lượng và độ an toàn của tiêm kích tàng hình F-35”, ông Goemaere nói thêm.

Trong một tuyên bố hôm thứ Tư (07/9), Lockheed Martin Corp cho hay “vấn đề có liên quan đến một nam châm thuộc tổ hợp máy tuabin do công ty Honeywell cung cấp, có chứa hợp kim cobalt và samarium".

"Chúng tôi đang làm việc với các đối tác và để đảm bảo việc tuân thủ hợp đồng trong chuỗi cung ứng", Lockheed Martin cho biết trong một tuyên bố. Hiện tại nhà sản xuất đã tìm được nguồn hợp kim thay thế để có thể giao hàng F-35 trong tương lai.

Người phát ngôn của công ty Laura Siebert cho biết, nam châm trên những chiếc F-35 đã được chuyển giao sẽ không được thay thế bằng nam châm làm từ vật liệu không phải của Trung Quốc vì Lầu Năm Góc đã xác định rằng nam châm này an toàn khi bay.

Nhưng Văn phòng Chương trình Liên hợp F-35 đã ra lệnh cho Cơ quan Quản lý Hợp đồng Quốc phòng tạm thời ngừng nhận F-35 do lo ngại về việc tuân thủ Điều khoản bổ sung Quy định Thu mua lại của Liên bang (DFARS).

Lockheed Martin cho biết, trong tương lai, việc sản xuất tuabin sẽ sử dụng nam châm làm từ một hợp kim khác và sử dụng nguyên liệu từ Hoa Kỳ.

Nhà cung cấp tuabin Honeywell cho biết trong một tuyên bố với Defense News rằng họ "vẫn cam kết cung cấp các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng hoặc vượt quá tất cả các yêu cầu hợp đồng của khách hàng".

"Chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và Lockheed Martin để đảm bảo rằng chúng tôi tiếp tục thực hiện đúng cam kết của mình đối với các sản phẩm của Honeywell dành cho F-35", công ty cho biết thêm.

Tuy không tiết lộ có bao nhiêu chiếc tiêm kích đã bị hoãn giao do gặp vấn đề nói trên nhưng theo thông tin từ Lầu Năm Góc, hiện đã có 88 chiếc F-35 đã được giao và dự kiến sẽ giao tổng cộng 153 chiếc vào năm 2022.

F-35 là một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới. Loại tiêm kích này của Mỹ có 3 phiên bản là F-35A được sử dụng cho lực lượng không quân; F-35B cho lực lượng thuỷ quân lục chiến và F-35C dành riêng cho các hoạt động trên tàu sân bay.

Lockheed cho biết F-35 được chế tạo từ 300.000 bộ phận từ hơn 1.700 nhà cung cấp. Công ty cũng cho biết tất cả các thành phần của nhà cung cấp đều được kiểm tra ở mọi quy trình sản xuất máy bay chiến đấu.

Tờ Politico đưa tin Lầu Năm Góc đã ngừng việc giao máy bay F-35 với các hợp kim của Trung Quốc cho quân đội Mỹ (Không quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến) và các khách hàng quốc tế khác nhau ở 10 quốc gia.

Báo cáo cho biết các nhà thầu quốc phòng như Honeywell và Lockheed Martin phải tuân thủ các quy định của Buy American.

Quy định được áp dụng từ những năm 1930 "yêu cầu chính phủ liên bang mua thép và hàng hóa do Mỹ sản xuất ở bất cứ đâu có thể".

Theo Quy định Thu mua của Liên bang Mỹ, một sản phẩm có ít nhất 50% các thành phần và/hoặc nguyên liệu có nguồn gốc từ Hoa Kỳ có thể được xác định là sản xuất tại Hoa Kỳ.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ ngừng nhận lô máy bay chiến đấu F-35 vì phát hiện động cơ có hợp kim từ Trung Quốc