Nga cáo buộc 3 chuyên gia tên lửa siêu vượt âm phạm tội 'phản quốc'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Tư (17/5), Điện Kremlin cho biết 3 học giả người Nga nghiên cứu về công nghệ tên lửa siêu vượt âm đang phải đối mặt với những cáo buộc về tội danh phản quốc ‘rất nghiêm trọng’ trong một vụ án gây chấn động cộng đồng khoa học Nga.

Ba nhà khoa học đến từ Viện Cơ học Lý thuyết và Ứng dụng Khristianovich ở Novosibirsk (ITAM) của Nga thuộc Chi nhánh Siberia của Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS). Trong năm qua, ít nhất 3 nhà khoa học Nga chuyên nghiên cứu về công nghệ tên lửa siêu vượt âm đã bị bắt vì nghi ngờ “phản quốc”, các đồng nghiệp của họ cho biết trong một bức thư ngỏ được công bố hôm thứ Hai (15/5).

Họ cảnh báo rằng các vụ án hình sự có nguy cơ làm đảo ngược tiến bộ của Nga trong tiến trình phát triển công nghệ siêu vượt âm, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng "chúng tôi không hiểu làm thế nào để tiếp tục công việc của mình".

"Trong trường hợp này, chúng tôi không chỉ lo sợ cho số phận của các đồng nghiệp. Chúng tôi chỉ không hiểu làm thế nào để tiếp tục làm công việc của mình", bức thư viết.

Trong một tuyên bố, Điện Kremlin cho biết, 3 nhà khoa học người Nga gồm Anatoly Maslov, Alexander Shiplyuk và Valery Zvegintsev từng nghiên cứu về công nghệ tên lửa siêu vượt âm.

Họ bị điều tra về tội phản quốc với "những cáo buộc rất nghiêm trọng", một vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khắp cộng đồng khoa học Nga.

Hôm 17/5, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, ông có biết về một bức thư ngỏ từ các nhà khoa học Siberia lên tiếng bảo vệ 3 nhà khoa học này, nhưng vụ việc này thuộc thẩm quyền của các cơ quan an ninh.

"Chúng tôi có biết về lời kêu gọi này, nhưng các cơ quan đặc biệt của Nga đang xử lý vụ việc. Họ đang thực hiện nhiệm vụ của mình. Đây là những cáo buộc rất nghiêm trọng", ông Peskov tuyên bố.

Trong bức thư được công bố hôm 15/5, các cộng sự của các nhà khoa học này đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc, đồng thời nhấn mạnh rằng cả 3 nhà khoa học đều vô tội và nói rằng các vụ truy tố có nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền khoa học Nga.

Họ nói: “Chúng tôi biết rằng mỗi người trong số họ đều là những người yêu nước chính trực, những người này không có khả năng làm ra những điều khiến cơ quan điều tra nghi ngờ”.

Tờ Moscow Times đưa tin rằng ông Maslov và ông Shiplyuk đã bị bắt vào mùa hè năm 2022. Ông Zvegintsev được ghi nhận là người sáng lập Phòng thí nghiệm xử lý công nghệ siêu vượt âm. Truyền thông Siberia đưa tin tòa án ở Novosibirsk ở Nga hôm 7/4 đã ra quyết định tạm giữ nhà khoa học trước khi đem ra xét xử. Tuy nhiên, vụ bắt giữ ông Zvegintsev không được đưa tin trước đó.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bấy lâu nay vẫn tự hào rằng Nga là quốc gia dẫn đầu thế giới về tên lửa siêu vượt âm. Loại vũ khí này có khả năng di chuyển với tốc độ lên tới Mach 10 (khoảng 12.250 km/h) để né các hệ thống phòng không của đối phương. Tuy nhiên, hôm thứ Ba (16/5), Ukraine cho biết họ đã phá hủy 6 vũ khí siêu vượt âm như vậy chỉ trong một đêm, mặc dù Nga đã bác bỏ điều này.

Hệ thống phòng không Patriot do Hoa Kỳ cung cấp gần đây đã đến Ukraine. Sáng sớm ngày 16/5, những tiếng nổ lớn lần lượt vang lên trên bầu trời thủ đô Kyiv khi Nga phóng đồng loạt tên lửa từ đất liền, trên biển và trên không trong một trận không kích ác liệt. Ukraine cho biết họ đã bắn hạ tất cả 18 tên lửa do quân đội Nga phóng, trong đó có 6 tên lửa siêu vượt âm.

‘Hiệu ứng ớn lạnh’

Trong khi đó, các bản thông báo về các hội nghị học thuật trong nhiều năm qua cho thấy 3 nhà khoa học bị bắt từng thường xuyên tham gia các hội nghị liên quan đến tên lửa siêu vượt âm.

Năm 2012, hai nhà khoa học Maslov và Shiplyuk đã trình bày kết quả thử nghiệm thiết kế tên lửa siêu vượt âm tại một hội thảo ở Tours, Pháp. Vào năm 2016, cả 3 là đồng tác giả của một chương sách có tựa đề "Các cơ sở siêu vượt âm trong thời gian ngắn để nghiên cứu khí động học tại Viện Cơ học Lý thuyết và Ứng dụng Khristianovich ở Novosibirsk của Nga".

Bức thư ngỏ từ các nhà khoa học ở ITAM khẳng định rằng những tài liệu mà các nhà khoa học trình bày tại diễn đàn quốc tế đã được kiểm tra nhiều lần để bảo đảm không nêu thông tin bị hạn chế. Tuy nhiên, các đồng nghiệp của họ vẫn phải đối mặt với cáo buộc “phản quốc”.

Họ nói: "Chúng tôi thấy rằng bất kỳ bài báo hoặc báo cáo nào cũng có thể là cơ sở để buộc tội phản quốc. Những gì chúng tôi được khen thưởng và nêu gương hôm nay có thể là cơ sở để truy tố hình sự ngày mai”.

Các vụ án phản quốc được xét xử kín ở Nga vì chúng liên quan đến thông tin mà chính quyền coi là “tin mật”. Những người bị kết tội phải đối mặt với án tù lên tới 20 năm.

Bức thư ngỏ cũng đề cập đến trường hợp của ông Dmitry Kolker, một nhà khoa học Siberia bị bắt hồi năm ngoái với nghi ngờ phản quốc và bị đưa đến Moscow. Chuyên gia về laser này qua đời hai ngày sau đó vì ung thư tuyến tuỵ giai đoạn cuối.

Bức thư cho biết những trường hợp như vậy đang có tác động “ớn lạnh” đối với các nhà khoa học trẻ của Nga.

"Ngay cả bây giờ, những sinh viên giỏi nhất của chúng tôi đang từ chối đến làm việc với chúng tôi. Đồng thời những người trẻ và giỏi giang nhất của chúng tôi cũng đang rời bỏ cộng đồng khoa học. Họ đang trở nên khép kín vì lo sợ về việc thực hiện loại nghiên cứu này”.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nga cáo buộc 3 chuyên gia tên lửa siêu vượt âm phạm tội 'phản quốc'