Nga tiến hành 'cuộc tập trận chiến thuật chung' với đồng minh chủ chốt Belarus

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo tuyên bố chính thức của cả hai nước, các đồng minh chiến lược Nga và Belarus đã bắt đầu tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung trên diện rộng vào ngày 16/1.

Các cuộc tập trận, dự kiến ​​sẽ tiếp tục cho đến ngày 1/2, có thể sẽ làm dấy lên lo ngại về khả năng Nga chuẩn bị tiến quân vào Kyiv, nơi chỉ cách biên giới Belarus 140 km về phía nam.

Theo Bộ Quốc phòng Belarus, “các cuộc tập trận chiến thuật chung” nhằm cải thiện “khả năng tương thích tác chiến trong việc đạt được các mục tiêu huấn luyện chiến đấu tập thể”.

Cụ thể, các cuộc tập trận nhằm diễn tập năng lực trinh sát trên không, tuần tra chung trên không, viện trợ trên không cho các hoạt động trên bộ, đổ bộ tấn công chiến thuật và vận chuyển hàng hóa, Bộ Quốc phòng Belarus cho biết trong một tuyên bố.

Tuần trước, các quan chức quân đội Belarus cho hay, “bộ phận hàng không” của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga đã đến nước này để tham gia cuộc tập trận theo lịch trình.

Vào ngày 11/1, Moscow đã tái tổ chức cơ cấu chỉ huy của “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà nước này đang tiến hành ở Ukraine. Tính đến nay, cuộc chiến sắp bước sang tháng thứ 12.

Tướng Valery Gerasimov được bổ nhiệm làm chỉ huy tối cao của chiến dịch quân sự đặc biệt, để thay thế tướng Sergey Surovikin - người đã trở lại vai trò trước đây là chỉ huy Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.

Một ngày sau cuộc cải tổ, Tướng Oleg Salyukov, Tổng Tư lệnh mới được bổ nhiệm của Lực lượng Lục quân Nga, đã đến thăm Belarus để giám sát quân đội và thiết bị của Nga được triển khai tại nước này.

Lo ngại về cuộc tấn công xuyên biên giới của Nga, ông Pavel Muraveiko, một quan chức quốc phòng cấp cao của Belarus, cho biết, loạt cuộc tập trận kéo dài hai tuần có bản chất đơn thuần là để “ phòng thủ”.

“Đó là một loạt các biện pháp nhằm chuẩn bị cho hàng không Belarus và Nga thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu có liên quan”, ông Muraveyko cho biết trong một tuyên bố ngày 15/1 trên tài khoản Telegram của Bộ Quốc phòng Belarus.

Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Moscow và Minsk đã làm dấy lên mối lo ngại ở Kyiv rằng, Belarus có thể được sử dụng làm bàn đạp cho một cuộc tấn công xuyên biên giới của Nga, như những diễn biến đã thấy trong những tuần đầu tiên của cuộc xung đột.

Theo các chuyên gia quân sự, một cuộc tấn công về phía nam của Nga từ lãnh thổ Belarus có thể đe dọa nguồn cung vũ khí đến Ukraine từ nước láng giềng Ba Lan.

Động thái này cũng sẽ buộc Kyiv phải chuyển các nguồn lực thiết yếu ra khỏi mặt trận phía nam và phía đông, nơi vẫn đang diễn ra giao tranh ác liệt.

Các lực lượng Nga gần đây đã chiếm thị trấn Soledar ở vùng Donetsk và hiện được cho là đang tiến vào Bakhmut gần đó. Đây là một trung tâm vận chuyển trọng yếu cho quân đội và thiết bị của Ukraine.

Tuần trước, sau chuyến thăm khu vực Lviv phía tây Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cảnh báo rằng, Kyiv "phải sẵn sàng" để chống lại một cuộc xâm lược tiềm tàng của Nga từ lãnh thổ Belarus.

Vào ngày 11/1, quân đội Ukraine đã tổ chức các cuộc tập trận riêng gần biên giới với Belarus. Tại đây, quân đội Ukraine được cho là đã thực hành các kỹ thuật phục kích và tác chiến đô thị (urban-warfare).

Ông Muraveyko cũng mô tả tình hình dọc theo đường biên giới dài trên 1.000 km là “không mấy yên bình”, đồng thời cáo buộc lực lượng Ukraine đã dàn dựng “các hành động khiêu khích” gần lãnh thổ Belarus.

The Epoch Times không thể xác minh các khẳng định này.

Minsk cảnh báo về 'phản ứng tập thể'

Từ năm 1999, Nga và Belarus đã bị ràng buộc bởi hiệp ước “Nhà nước Liên minh” nhằm củng cố quan hệ kinh tế và quân sự giữa hai nước.

Tuy nhiên, bất chấp quan hệ đối tác chiến lược lâu dài, Belarus vẫn chưa đóng vai trò tích cực trong cuộc giao tranh đang diễn ra giữa các lực lượng Nga và Ukraine.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã nhiều lần nói rằng, ông không có ý định gửi quân đội Belarus tới Ukraine để chiến đấu bên cạnh những người đồng cấp Nga.

Tuy nhiên, một quan chức ngoại giao cấp cao của Nga mới đây cho rằng, việc Kyiv "sử dụng vũ lực" chống lại Nga hoặc Belarus sẽ dẫn đến "phản ứng tập thể" từ cả hai nước.

Theo các điều khoản của hiệp ước Nhà nước Liên minh, "bất kỳ việc sử dụng vũ lực nào của chính quyền Kyiv, hay một cuộc xâm lược quân sự của Ukraine vào Belarus hoặc Nga, cũng đủ để gây ra phản ứng tập thể", quan chức Bộ Ngoại giao Nga Alexey Polishchuk nói với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS vào ngày 13/1.

Ông nói: “Nhưng [điều đó còn] phụ thuộc vào sự lãnh đạo chính trị và quân sự của hai nước, để từ đó [Nga] có thể đưa ra quyết định về việc có đáp trả hay không và [đáp trả] bằng cách nào”.

Vào tháng 10/2022, Moscow đã phái hàng nghìn binh sĩ và một lượng đáng kể khí tài quân sự đến lãnh thổ Belarus.

Ngay sau đó, lực lượng không quân Nga bắt đầu tổ chức các chuyến bay tuần tra thường xuyên qua biên giới Belarus - Ukraine.

Cuối tháng trước, các quan chức Belarus xác nhận rằng các hệ thống tên lửa Iskander và hệ thống phòng không S-400 do Nga triển khai đã hoạt động trên lãnh thổ Belarus.

Vào ngày 19/12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm hiếm hoi tới Minsk, nơi ông đã tổ chức các cuộc thảo luận kín với người đồng cấp Lukashenko.

Tháp tùng ông Putin trong chuyến thăm kéo dài một ngày có Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nga tiến hành 'cuộc tập trận chiến thuật chung' với đồng minh chủ chốt Belarus