Nga tuyên bố rút khỏi Đảo rắn vì 'thiện chí' - Lầu Năm Góc không tin

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảo Rắn, hòn đảo nhỏ xíu nằm trên Biển Đen của Ukraine, đã trở thành tâm điểm cuộc chiến Ukraine - Nga ngay từ những ngày khói lửa đầu tiên. Sự kiểm soát của Nga ở hòn đảo nhỏ xíu 17 ha ngay từ đầu cuộc chiến đã mang lại lợi thế lớn cho Nga trong việc kiểm soát Điển Đen, lương thực xuất khẩu, vị trí chiến lược tấn công Ukraine. Cuộc chiến giành giật đảo Rắn trở thành các bản tin đáng quan tâm nhất. Việc Nga từ bỏ Đảo Rắn vì 'thiện chí' ít người tin

Lực lượng Nga đã sử dụng Đảo Rắn để kiểm soát vùng biển phía tây bắc Biển Đen và áp đặt phong tỏa đối với Ukraine, một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Ukraine tố cáo Nga không cho nước này xuất khẩu ngũ cốc thông qua kiểm soát được Đảo Rắn, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Cáo buộc Nga dùng Đảo Rắn để chặn xuất khẩu và ăn cắp ngũ cốc của Ukraine

Moscow phủ nhận cáo buộc từ phía Kyiv và khẳng định rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hàng hoá đến EU.

Trong khi không thể xuất sang EU vài lệnh trừng phạt, Reuters đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp tổng thống Indonesia vào thứ Năm và nói chuyện qua điện thoại vào thứ Sáu với Thủ tướng Ấn Độ, hứa với cả hai nhà nhập khẩu lương thực lớn rằng Nga sẽ vẫn là nhà cung cấp ngũ cốc lớn.

Ukraine đã cáo buộc Nga ăn cắp ngũ cốc từ các vùng lãnh thổ mà lực lượng Nga đã chiếm giữ kể từ khi xâm lược.

Ukraine cho biết một tàu chở hàng mang cờ Nga, Zhibek Zholy, đã rời cảng Berdyansk do Nga chiếm đóng cùng với hàng ngũ cốc của Ukraine. Kyiv đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ con tàu, theo một quan chức Ukraine và tài liệu mà Reuters nhìn thấy.

Nga tuyên bố rút lui khỏi Đảo Rắn vì thiện chí

Mỏm đá nhỏ bé nằm ở tây bắc Biển Đen bị Nga chiếm giữ từ ngày đầu tiên của cuộc chiến và trở thành lợi thế của Nga kể từ đó. Ukraine sau đó đã không ngừng bắn phá, chặn đường tiếp tế cho hòn đảo này. Trước việc Ukraine cáo buộc Nga dùng Đảo Rắn để chặn đường xuất khẩu ngũ cốc của Kyiv, hai hôm trước, Nga đột ngột tuyên bố rút lui khỏi Đảo Rắn vì thiện chí.

Theo phân tích của BBC, thực tế trong 4 tháng qua, hòn đảo mà Nga chiếm đã bị tấn công từ tứ phía, từ biển, từ trên không,... Giới quân sự cho rằng vị thế của Nga với hòn đảo đó như 'vịt ngồi'; một cách mô tả "cá nằm trên thớt", theo cách nói của người Việt Nam.

Ukraine đã đưa các vũ khí hạng nặng nhất tới khu vực này để lấy lại Đảo Rắn, không ngừng công phá. Trong khi đó, theo BBC, khả năng phòng thủ của Nga ở Đảo Rắn bị suy yếu khi soái hạm của Hạm đội biển đen bị chìm vào tháng 4/2022.

Bộ quốc phòng Mỹ không tin vào 'thiện chí' mà Nga tuyên bố

Trong một bản tin đăng trên trang của Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) ngày 2/7, một ngày sau tuyên bố của Nga từ bỏ Đảo Rắn, DoD cho biết không có bất kỳ sự tin cậy nào đối vối việc Nga rút lui khỏi Đảo Rắn là một cử chỉ thiện chí, theo một quan chức cấp cao, người đã trả lời các câu hỏi từ báo chí dành cho Lầu Năm Góc, cho biết.

"Chúng tôi coi diễn biến này là người Ukraine đã rất thành công trong việc gây áp lực đáng kể lên người Nga, bao gồm cả việc sử dụng tên lửa Harpoon mà họ mới mua được để tấn công một con tàu tiếp tế. Khi bạn nhận ra rằng Đảo Rắn cằn cỗi và hoang vắng như thế nào, bạn sẽ hiểu tầm quan trọng của đường tiếp tế. Vì vậy, người Ukraine đã gây khó khăn cho người Nga trong việc duy trì các hoạt động của họ ở đó [và] khiến họ rất dễ bị Ukraine tấn công. Vì vậy, đó tất nhiên là lý do tại sao Nga rời hòn đảo này", quan chức này nói.

Kết quả của chiến thắng này là Ukraine dễ dàng hơn rất nhiều trong việc bảo vệ Odesa và trong tương lai có thể mở các tuyến đường biển nằm ngoài tầm kiểm soát của Nga khi Nga không còn hiện diện ở Đảo Rắn, quan chức này nói thêm.

Các quan chức cho biết giao tranh vẫn tiếp tục ở Donbas, với thương vong cao cho cả hai bên và hiện chưa có thay đổi đáng kể trên chiến trường.

Quan chức này cho biết liên quan đến việc các Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao được giao gần đây tới Ukraine từ Hoa Kỳ, Ukraine đã thành công tốt đẹp trong việc sử dụng các hệ thống pháo tầm xa này, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu vào các sở chỉ huy của Nga, quan chức của DoD cho hay.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Nga tuyên bố rút khỏi Đảo rắn vì 'thiện chí' - Lầu Năm Góc không tin