Nhật Bản lặng lẽ từ chối Thế vận hội Bắc Kinh, nhưng tránh nói là tẩy chay

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã đi qua ranh giới mong manh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc với kế hoạch không tham dự Thế vận hội Bắc Kinh, nhưng tránh né từ "tẩy chay" để cân bằng quan hệ với phương Tây và Trung Quốc.

Theo Nikkei Asia, Thủ tướng Fumio Kishida và tất cả các Bộ trưởng trong nội các Nhật Bản có kế hoạch bỏ qua Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Tuy nhiên, Tokyo đang tìm cách tránh tuyên bố tẩy chay ngoại giao rõ ràng để cố gắng cân bằng một cách phù hợp giữa đồng minh duy nhất và đối tác thương mại quan trọng.

"Tại thời điểm này, bản thân tôi không có ý định tham dự", Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết tại cuộc họp về ngân sách của thượng viện hôm thứ Năm tuần trước.

Ông Kishida dự kiến ​​sẽ công bố lập trường chính thức của Nhật Bản về Thế vận hội trong tháng này, có thể là sau khi phiên họp quốc hội hiện tại kết thúc vào thứ Ba ngày 21/12. Đề xuất hiện tại là tránh sử dụng hoàn toàn thuật ngữ "tẩy chay ngoại giao" và quy sự vắng mặt của Kishida và các thành viên nội các Nhật Bản khác là do các yếu tố bao gồm, nhưng không giới hạn, các hành vi vi phạm nhân quyền bị cáo buộc của Trung Quốc ở Tân Cương.

Chính phủ cũng sẽ cân nhắc việc cử Ủy viên Cơ quan Thể thao Nhật Bản Koji Murofushi tham dự Thế vận hội, một quyết định có thể được đẩy sang năm sau. Các quan chức Olympic, chẳng hạn như Chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản Yasuhiro Yamashita, sẽ đến Bắc Kinh tách biệt với bất kỳ phái đoàn chính phủ nào.

Cách tiếp cận này có lẽ nhẹ nhàng hơn rõ rệt so với các quốc gia như Mỹ và có thể khiến các đối tác phương Tây của Nhật Bản phản đối.

Ngày 6/12, chính quyền Biden thông báo sẽ không cử quan chức chính phủ nào tham dự Thế vận hội Bắc Kinh. Vương quốc Anh, Úc và Canada kể từ đó đã gia nhập Hoa Kỳ.

"Sẽ có một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh", Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết vào tuần trước.

Chính phủ Nhật Bản có vẻ đứng về phía Hoa Kỳ, đồng minh chính thức duy nhất của họ, mà không quá chống đối Trung Quốc. "Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định của riêng mình dựa trên việc xem xét toàn diện các lợi ích quốc gia của chúng tôi", ông Kishida đã nhiều lần nói về vấn đề này.

Ông Kishida nói hôm thứ Năm tuần trước: "Có những quốc gia chính thức sử dụng thuật ngữ 'tẩy chay ngoại giao', và có những quốc gia không sử dụng thuật ngữ này. Ngay cả Hoa Kỳ cũng không gọi đó là 'tẩy chay ngoại giao' trong tuyên bố chính thức của mình".

Tuy nhiên, Mỹ, Anh, Úc và Canada đều tuyên bố rõ ràng rằng họ phản đối việc chính phủ Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Ngược lại, Nhật Bản coi nhân quyền chỉ là một trong một số yếu tố góp phần.

Cánh bảo thủ của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản đang thúc đẩy ông Kishida áp dụng một lập trường cứng rắn hơn. Các nhà lập pháp từ LDP và các đảng khác đã gặp thủ tướng hôm thứ Ba để kêu gọi tẩy chay ngoại giao.

"Chính phủ Trung Quốc cần phải xoa dịu những lo ngại về vi phạm nhân quyền", họ nói trong một tuyên bố với ông Kishida ngày hôm đó.

"Chúng ta nên tuyên bố tẩy chay ngoại giao", các thành viên LDP bảo thủ nói với Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi.

Nhưng Nhật Bản không đơn độc trước sự do dự của mình. Đức cho đến nay vẫn chưa có quan điểm dứt khoát về Thế vận hội. Tokyo tin rằng họ sẽ rõ ràng về cách tiếp cận của mình vào cuối năm nay.

Trong khi đó, New Zealand cho biết họ sẽ không cử quan chức tới Bắc Kinh, không phải vì nhân quyền mà vì COVID-19.

Các quốc gia khác dường như đứng về phía Trung Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết ông không nghĩ đến một cuộc tẩy chay ngoại giao. Ấn Độ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Thế vận hội Bắc Kinh.

BBC đưa tin, Pháp cũng đứng về phí Bắc Kinh. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói "Tôi nghĩ chúng ta không nên sử dụng Thế vận hội làm vũ khí chính trị, đặc biệt nếu làm như vậy phải thực hiện các bước không đáng kể và mang tính biểu tượng".

Chính quyền Bắc Kinh bị cáo buộc có hành vi tàn bạo đối với cộng đồng các học viên Pháp Luân Công và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc.

Các nhóm nhân quyền tin rằng, các học viên Pháp Luân Công đã và đang bị bức hại hơn 20 năm qua với hàng chục nghìn người bị đánh đập, giam cầm và tra tấn đến chết. Ngoài ra, nhiều học viên Pháp Luân Công bị mổ sống để thu hoạch nội tạng cung cấp cho thị trường cấy ghép trị giá hàng tỷ USD được nhà nước Trung Quốc bảo trợ.

Một trại "cải tạo" ở vùng Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc Ảnh: Getty Images

Hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong vài năm qua trong một mạng lưới rộng lớn mà nhà nước gọi là "trại cải tạo", và hàng trăm nghìn người bị kết án tù.

Cũng có bằng chứng cho thấy người Duy Ngô Nhĩ đang bị cưỡng bức lao động khổ sai và phụ nữ bị cưỡng bức triệt sản. Một số cựu tù nhân cũng đã cáo buộc họ bị tra tấn và lạm dụng tình dục, BBC cho hay.

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Nhật Bản lặng lẽ từ chối Thế vận hội Bắc Kinh, nhưng tránh nói là tẩy chay