Phần Lan bắt đầu xây dựng hàng rào biên giới với Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tờ Reuters đưa tin, hôm thứ Sáu (14/4), Phần Lan đang xây dựng đoạn hàng rào đầu tiên ở biên giới với Nga, chưa đầy hai tuần sau khi nước này gia nhập liên minh quân sự NATO. Động thái này của Phần Lan được cho là nhằm ứng phó với những quan ngại về vấn đề nhập cư và an ninh.

Phần Lan lo sợ bị trả đũa

Lo sợ bị trả đũa từ phía đông sau khi gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chính phủ Phần Lan đã quyết định xây dựng hàng rào vào năm ngoái, với mục đích chính là ngăn dòng người di cư từ Nga sang.

Giới quan sát cho rằng Phần Lan đang đề phòng sự tái diễn của các sự kiện ở biên giới phía đông của Liên minh châu Âu (EU) tại Ba Lan vào mùa đông năm 2021.

Vào thời điểm đó, EU cáo buộc nước láng giềng Belarus - một đồng minh trung thành của Nga - đã dàn dựng một cuộc khủng hoảng bằng cách đưa những người di cư từ Trung Đông đến, đồng thời cấp cho họ thị thực và đẩy họ qua biên giới.

Đến cuối năm 2026, hàng rào bằng lưới thép của Phần Lan dự kiến sẽ trải dài khoảng 200 km quan trọng nhất ở biên giới với Nga.

Ngày 14/4, quản lý dự án Ismo Kurki cho biết hàng rào sẽ có thiết bị giám sát.

Trong khi đó, cho đến nay vẫn có rất ít hoạt động của con người dọc theo đường biên giới kéo dài tổng cộng 1.300 km giữa Nga và Phần Lan.

Tình hình biên giới Phần Lan - Nga vẫn ổn định

Theo Lực lượng Biên phòng Phần Lan, năm 2022, Phần Lan chỉ phát hiện 30 vụ vượt biên trái phép ở đó, trong khi lực lượng biên phòng Nga ngăn chặn khoảng 800 nỗ lực vượt biên sang Phần Lan.

Chuẩn tướng Lực lượng Biên phòng Phần Lan Jari Tolppanen hôm 14/4 cho biết: "Tình hình ở biên giới Phần Lan - Nga đã và đang ổn định vào lúc này. Nhưng với tình hình (an ninh) đã thay đổi hoàn toàn, Phần Lan phải thực hiện nỗ lực kiểm soát biên giới đáng tin cậy và độc lập hơn. Và Phần Lan cần ít phụ thuộc hơn vào hoạt động kiểm soát biên giới từ phía Nga".

Ông đưa ra phát biểu trên trong khi cấp dưới của ông dựng 3 km đầu tiên của hàng rào tại Imatra, cách Helsinki khoảng 250 km về phía đông bắc.

Sau khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, Phần Lan đã thay đổi chính sách trung lập nhiều năm qua và trở thành thành viên của NATO.

Cho đến nay, biên giới Phần Lan - Nga chỉ được đánh dấu bằng một hàng rào dây thép thấp nhằm ngăn chặn gia súc và các động vật nuôi di chuyển qua lại, nhưng không ngăn được con người.

Hàng rào mới sẽ cao 3 mét, trên cùng là dây thép gai và chi phí ước tính là 380 triệu euro (417 triệu USD).

Ông Tolppanen cho hay: "Hầu hết (khu vực biên giới) giữa hai nước đều nằm ở những vùng rất xa xôi và khó tiếp cận. Vì vậy, Phần Lan xây rào ở các khu vực mục tiêu mà phương tiện cơ giới dễ tiếp cận và những nơi có nguy cơ xảy ra hoạt động nhập cư bất hợp pháp quy mô lớn”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (phải) và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tại thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 17/3/2023. (Ảnh: Adem Altan/AFP/Getty Images)

Con đường gia nhập NATO đầy chông gai

Trong bối cảnh Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022, Phần Lan và Thụy Điển đã từ bỏ lập trường trung lập kéo dài nhiều thập kỷ và nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022.

Phần Lan chính thức gia nhập liên minh NATO vào ngày 4/4/2023. Để chính thức trở thành thành viên NATO, các nghị định thư kết nạp Helsinki cần phải được quốc hội của toàn bộ 30 quốc gia thành viên liên minh phê chuẩn.

Hôm 3/4, phát biểu trước báo giới tại Brussels (Bỉ), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Ngày mai (4/4), chúng ta sẽ chào đón Phần Lan với tư cách là thành viên thứ 31 của NATO. Chúng ta sẽ lần đầu tiên giương cao lá cờ Phần Lan tại trụ sở NATO. Đây sẽ là một tín hiệu tốt cho an ninh Phần Lan, cho an ninh của khu vực Bắc Âu và cho toàn NATO”.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia cuối cùng trong số 30 thành viên của liên minh NATO phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan sau khi cơ quan lập pháp của Hungary thông qua một dự luật tương tự vào đầu tuần này.

Hai nước láng giềng Bắc Âu là các đồng minh truyền thống về văn hóa, kinh tế và chính trị vì Thụy Điển không xảy ra xung đột quân sự trong 200 năm qua và Phần Lan vẫn duy trì chính sách trung lập kể từ Thế chiến II.

Hồi tháng 6/2022, Thụy Điển và Phần Lan ký thỏa thuận 3 bên với Thổ Nhĩ Kỳ với mục tiêu thuyết phục Ankara đồng ý để 2 nước này gia nhập NATO. Stockholm và Helsinki cho biết họ đáp ứng một số yêu cầu của Ankara, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng như vậy là chưa đủ.

Hôm 1/3, Quốc hội Phần Lan đã phê chuẩn nước này gia nhập NATO. Phần Lan có đường biên giới dài khoảng 1.340 km với Nga.

Hôm 17/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Quốc hội nước này sẽ xúc tiến việc phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan, mở đường cho nước này gia nhập liên minh trước Thụy Điển.

Nếu được kết nạp vào liên minh NATO, Thụy Điển sẽ chấm dứt hai thế kỷ duy trì chính sách trung lập. Tuy nhiên, có vẻ như con đường gia nhập NATO của Thụy Điển vẫn còn rất nhiều chông gai đang chờ phía trước.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Phần Lan bắt đầu xây dựng hàng rào biên giới với Nga