Quan chức quốc phòng Mỹ: Trung Quốc cắt đứt liên lạc với Mỹ, dốc sức phá hoại trật tự thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quan chức quốc phòng hàng đầu của Hoa Kỳ nói rằng việc Trung Quốc tiếp tục từ chối liên lạc với Hoa Kỳ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đưa ra bình luận sau khi nghe tin đồng nhiệm Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) đã từ chối gặp ông trong Đối thoại An ninh Shangri-La sắp diễn ra tại Singapore trong tuần này, mặc dù cả hai sẽ tham dự.

Ông Austin cho biết, bất kể quyết định ra sao, Hoa Kỳ vẫn sẵn sàng liên lạc với Trung Quốc.

Trong buổi họp báo ngày 1/6 ở Tokyo, ông Austin nói: “Thật là đáng tiếc. Tôi vẫn hoan nghênh mọi cơ hội để kết nối với ông Lý”.

Ông Austin nói rằng ông Lý từ chối kết nối là có liên quan đến những cuộc chạm trán nguy hiểm giữa các máy bay của quân đội họ trong những tháng gần đây.

Theo Lầu Năm Góc, hồi đầu tuần này, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã thực hiện một thao tác “gây hấn không cần thiết” gần một máy bay Mỹ trên Biển Đông.

Austin bày tỏ lo ngại rằng, nếu không có các kênh liên lạc cởi mở giữa hai nước, thì một vụ va chạm tương tự “sẽ có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Ông cũng nhấn mạnh một lần nữa rằng Hoa Kỳ cam kết sẽ luôn giữ cho các đường dây liên lạc mở bất kể sự im lặng của Trung Quốc.

“Việc đánh chặn khiêu khích máy bay của Hoa Kỳ và của các đồng minh là rất đáng lo ngại, và chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ thay đổi hành động này”, ông Austin nói. “Tôi nghĩ các bộ quốc phòng nên trao đổi với nhau theo thói quen hoặc nên có các kênh liên lạc mở”.

Trung Quốc từ chối cuộc điện đàm từ Hoa Kỳ

Chế độ Bắc Kinh đã cắt đứt liên lạc một cách có hệ thống với các quan chức các cấp của chính quyền Tổng thống Biden trong suốt năm 2022.

Lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc cắt đứt liên lạc quân sự trong khu vực với Hoa Kỳ là vào năm ngoái, sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã từ chối nhiều yêu cầu gặp mặt từ phía ông Austin. Theo Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là ông Ely Ratner, Bắc Kinh cũng tỏ ý không muốn kết nối với các chỉ huy quân sự khu vực, và thậm chí cả nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Trong buổi tọa đàm ngày 25/5 với nhóm chuyên gia cố vấn của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ, ông Ratner cho biết: “Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, các yêu cầu kết nối của chúng tôi liên tục bị từ chối hoặc không nhận được hồi đáp".

Chính quyền ông Biden hiện đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc trở lại bàn đàm phán vì lo ngại rằng việc thiếu thông tin liên lạc có thể dẫn đến sự sai lệch thông tin vô cùng nghiêm trọng, chẳng hạn như trường hợp mà Austin đã ám chỉ.

Chính quyền Hoa Kỳ sẽ kiên trì nỗ lực để kết nối với Bắc Kinh, dù là bằng cách “quyến rũ, dụ dỗ hay ép buộc". Đây là một phần của tham vọng tái tạo lại tiến trình đàm phán mà Tổng thống Joe Biden đã đạt được sau cuộc gặp trực tiếp với nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình ở Bali vào tháng 11/2022.

Trong một cuộc họp báo vào tháng trước, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết đây là nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ nhằm tái tạo “tinh thần Bali”. Theo Nhà Trắng, thành tựu đàm phán mà Hoa Kỳ đạt được ở Bali đã “phá vỡ lớp băng” trong quan hệ Mỹ - Trung. Tuy nhiên sau đó, đã xảy ra sự kiện khinh khí cầu do thám Trung Quốc đi ngang qua lục địa Hoa Kỳ.

Kể từ đó, chính quyền Hoa Kỳ đã phải vật lộn để tái tạo “khoảnh khắc Bali”. Giới chức Hoa Kỳ thường xuyên nhắc đến nó trong các nỗ lực ngoại giao của họ nhưng dường như hành động này không hề đạt được hiệu quả mong muốn.

Hoa Kỳ vô cùng ‘quan ngại’

Bất chấp việc chính quyền Mỹ “lý tưởng hoá” thành tựu ở Bali, trong bối cảnh ĐCSTQ tiếp tục từ chối kết nối, dường như những lần đàm phán và trao đổi trước đó giữa Mỹ và Trung Quốc không mang lại hiệu quả rõ ràng.

Ví dụ, khi ông Austin gặp người tiền nhiệm của ông Lý là ông Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) tại hội nghị thượng đỉnh Shangri-La năm ngoái, ông Ngụy đã đe dọa Hoa Kỳ, và thề sẽ “bắt đầu một cuộc tấn công" vào Đài Loan.

Nếu Hoa Kỳ gặp gỡ ông Lý Thượng Phúc lúc này, hành động này sẽ làm giảm uy tín của Hoa Kỳ ở châu Âu, vì ông Lý đã bị trừng phạt kể từ năm 2018 do dính líu tới các thương vụ mua bán thiết bị quân sự của Nga cho Trung Quốc.

Một vài cuộc họp cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ cũng không mang lại kết quả gì, điển hình như cuộc gặp gần đây của Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo với đồng nhiệm Trung Quốc của bà ở Washington, D.C.

Theo ông Austin, chế độ vẫn cam kết phá hoại Hoa Kỳ và trật tự quốc tế mà Hoa Kỳ đang duy trì, bất chấp tình trạng truyền thông quốc tế hiện tại.

“Chúng tôi lo ngại sâu sắc về bản chất hung hăng Trung Quốc và những nỗ lực phá hoại trật tự thế giới của họ”, ông Austin nói.

Theo The Epoch Times

Ngọc Hạ biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Quan chức quốc phòng Mỹ: Trung Quốc cắt đứt liên lạc với Mỹ, dốc sức phá hoại trật tự thế giới