Tài liệu nội bộ: Đài truyền hình ĐCSTQ yêu cầu nhân viên Mỹ phải duy trì ‘sự trong sạch về chính trị’, không tập Pháp Luân Công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chi nhánh quốc tế của đài truyền hình nhà nước của chế độ ĐCSTQ đã ra lệnh cho một số nhân viên Mỹ theo hợp đồng của họ tránh xa nhóm tín ngưỡng bị bức hại Pháp Luân Công, một tài liệu nội bộ được cung cấp cho The Epoch Times cho thấy.

Hồi đầu năm nay, văn phòng của CGTN tại Washington - một mạng lưới truyền hình tiếng Anh do nhà nước Trung Quốc điều hành - đã yêu cầu một số nhân viên hợp đồng cam kết duy trì “sự trong sạch chính trị” của họ, theo một thỏa thuận ứng xử của nhân viên. Điều đó có nghĩa là, họ “không được tham gia vào các tổ chức bất hợp pháp và phản động, cũng như tôn giáo dị giáo như ‘Pháp Luân Công’”, tài liệu này viết.

Pháp môn tu luyện thân và tâm Pháp Luân Công có 3 nguyên lý cốt lõi là Chân - Thiện - Nhẫn, cùng với một loạt các bài tập thiền định. Pháp môn này đã bị coi là mục tiêu của một chiến dịch đàn áp tàn bạo do chính quyền Trung Quốc dẫn đầu trong hơn hai thập kỷ. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng triệu học viên của pháp môn đã bị giam giữ hoặc bị cưỡng bức lao động, và hàng trăm nghìn người đã bị tra tấn.

Xem thêm: Vì sao ĐCSTQ muốn che giấu cuộc đàn áp Pháp Luân Công (P1): Pháp Luân Công là gì?

CTGN là cơ quan đại diện nước ngoài đã đăng ký theo luật pháp Hoa Kỳ, và là một trong 15 cơ quan của Trung Quốc được Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ định là cơ quan phái bộ nước ngoài vào năm ngoái, để xác nhận vai trò của họ như là vũ khí tuyên truyền ở nước ngoài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

'Một giao kèo'

Tài liệu nội bộ được cung cấp có tiêu đề “tuyên bố hứa hẹn” và được viết bằng tiếng Trung Quốc. Tài liệu này được cung cấp bởi các cựu cộng tác viên người Mỹ đã rời CGTN vào cuối tháng Mười, khi họ nhận thấy mức độ áp lực và kiểm soát tại công ty là không thể chịu đựng được.

Một cựu nhân viên cho biết, tài liệu này có vẻ là một bản sao bản quy tắc thỏa thuận từ trụ sở chính của CCTV ở Bắc Kinh - công ty mẹ của CGTN.

Quan điểm tập trung của Bắc Kinh khá rõ ràng trong một số phần của tài liệu: Một yêu cầu kiểm soát đại dịch yêu cầu người lao động phải tuân thủ các quy tắc COVID-19 từ chính quyền thành phố Bắc Kinh và các quận địa phương.Các điều khoản khác trong thỏa thuận bao gồm các hạn chế về cờ bạc, sử dụng mạng xã hội, hối lộ, “tạo ra ‘tin đồn’”, lái xe khi say rượu, vượt đèn đỏ và tiết lộ bí mật kinh doanh của công ty.

James (bí danh) - một kỹ thuật viên IT đã ký vào tài liệu này - nói với The Epoch Times: “Có cảm giác như chúng tôi đã ký một thỏa thuận giao kèo”. Giống như các nhân viên hợp đồng CGTN hiện tại và trước đây được đề cập trong phần này, anh James đã nói chuyện với The Epoch Times với điều kiện ẩn danh vì sợ bị công ty trả thù.

Các kỹ thuật viên IT này đã ký hợp đồng làm việc tại CGTN thông qua Sobey Digital Technology Co., Ltd. - một nhà cung cấp giải pháp IT cho ngành truyền thông có trụ sở tại thành phố Thành Đô thuộc tây nam của Trung Quốc. Phía công ty Sobey từ chối bình luận và CGTN đã không trả lời các yêu cầu bình luận qua email và gọi điện từ The Epoch Times.

Trụ sở của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, CCTV, tại Bắc Kinh vào ngày 26/2/2011. (STR / AFP / Getty Images)
Trụ sở của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, CCTV, tại Bắc Kinh vào ngày 26/2/2011. (STR / AFP / Getty Images)

Văn kiện cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tư tưởng của ĐCSTQ, yêu cầu người lao động “thống nhất tư duy” và “các nhà quản lý các cấp” phải “chăm chỉ đảm bảo việc giáo dục tư tưởng cho nhân viên dưới sự giám sát của họ”.

Theo nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc là bà Sarah Cook, kiểu tư tưởng này thật sự khiến người ta phải nghi ngại. Bà Cook hiện đang làm việc tại tổ chức phi lợi nhuận Freedom House có trụ sở tại Washington.

Đề cập đến ĐCSTQ trong khi trao đổi với The Epoch Times, bà cho biết: “Đối với tôi, có vẻ như trong đây [có mang] động lực mà chúng ta thường thấy trong hệ thống ĐCSTQ, hoặc việc thực thi tư tưởng 'thuê ngoài' để các công dân bình thường phải báo cáo lẫn nhau và giám sát lẫn nhau. Người quản lý không chỉ chịu trách nhiệm kiểm soát suy nghĩ của chính họ mà còn của cấp dưới”.

Cựu nhân viên James và các đồng nghiệp trong nhóm IT của anh ấy đã ký thỏa thuận tại văn phòng CGTN ở Washington vào tháng Tám — hơn một năm sau khi anh James bắt đầu làm việc ở đó và khoảng 7 tháng đối với đồng đội của anh ấy là Alvin. Không rõ liệu tài liệu tương tự có được áp dụng cho các nhân viên được biên chế hoặc các bộ phận khác bên ngoài tổ IT hay không. Cũng không có bất kỳ lời giải thích nào từ công ty về lý do tại sao các nhân viên thời vụ được yêu cầu ký vào văn bản vào thời điểm cụ thể đó.

Không ai trong số những người mà The Epoch Times phỏng vấn tập Pháp Luân Công. Tuy nhiên, những người này cho biết, ý tưởng rằng công ty được quyền quyết định những gì nhân viên nên và không nên làm trong tư cách cá nhân của họ, khiến họ thấy ghê tởm. Anh Alvin cho biết: “Không ai muốn” ký nó. Nhưng dù sao họ cũng làm như vậy để có thể giữ được công việc của mình.

Cựu nhân viên Alvin nêu rõ: “Trưởng nhóm mang nó đến để chúng tôi ký và nói với chúng tôi rằng đài yêu cầu điều đó. Chúng tôi đã ký sau khi xem xét nhanh chóng”.

Trong một chuyến đi đến Seoul hơn một thập kỷ trước, một cựu nhân viên CGTN khác là anh Michael đã đi ngang qua một cuộc triển lãm ảnh về việc nhà nước Bắc Kinh chỉ đạo giết các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù để lấy nội tạng của họ. Anh ấy đã chết lặng trước sự kinh hoàng tuyệt đối của hành động này, anh ấy nói.

Anh Michael nói với The Epoch Times rằng: “Việc họ đang bị bức hại là một sự thật không thể phủ nhận. Trong một đất nước có tự do ngôn luận và tự do tôn giáo, mọi người nên được tự do về đức tin”.

'Phân biệt đối xử rõ ràng'

Đối với một số người theo dõi Trung Quốc, những yêu cầu như vậy do cơ quan truyền thông nhà nước áp đặt không gây ngạc nhiên.

Các tài liệu nội bộ bị rò rỉ mà The Epoch Times thu được trước đây cho thấy, một số chính quyền địa phương sẽ đào tạo cho nhân viên của họ về Pháp Luân Công trước khi họ ra nước ngoài để đảm bảo những nhân viên này tránh xa các sự kiện liên quan đến Pháp Luân Công. Trước chuyến công tác 5 ngày tới Singapore vào năm 2017, một cơ quan chính quyền thành phố ở Hải Khẩu, miền nam Trung Quốc, đã gửi xác nhận cho văn phòng đối ngoại của thành phố xác nhận rằng, một nhân viên trong chuyến thăm không phải là học viên Pháp Luân Công.

Các Viện Khổng Tử đã khuấy động làn sóng phản đối hơn một thập kỷ trước về các phương thức tuyển dụng và việc làm tương tự nhắm vào Pháp Luân Công. Viện này là một chương trình ngôn ngữ gây tranh cãi do Bắc Kinh tài trợ được cài cắm trong các trường đại học trên toàn thế giới.

Cô Sonia Zhao từng dạy tiếng Trung tại Viện Khổng Tử thuộc Đại học McMaster của Canada. Trước khi đến Canada vào năm 2010, cô Zhao đã phải ký một hợp đồng do Hán Ban cấp - cơ quan nhà nước giám sát các Viện Khổng Tử. Trong đó, cô phải cam kết rằng bản thân sẽ không tu luyện Pháp Luân Công.

Cô Zhao là một học viên Pháp Luân Công và mẹ cô đã bị bỏ tù ở Trung Quốc hơn một lần vì đức tin của mình. Trong một năm làm việc tại viện, cô Zhao đã che giấu đức tin của mình, vì sợ rằng “nếu họ phát hiện ra điều đó, điều gì đó sẽ xảy ra với tôi”, cô nói với The Epoch Times vào thời điểm đó.

Năm 2012, cô Zhao đã đệ đơn khiếu nại nhân quyền chống lại trường đại học với cáo buộc phân biệt đối xử về hành vi tuyển dụng. Trường đại học Canada đã đóng cửa Viện Khổng Tử của mình một năm sau đó, nói rằng họ đưa ra quyết định vì “các quyết định tuyển dụng ở Trung Quốc không được thực hiện theo cách mà chúng tôi muốn”.

Cựu giáo viên của Viện Khổng Tử là cô Sonia Zhao biểu tình chống lại các Viện Khổng Tử bên ngoài Hội đồng Trường học Quận Toronto. (Mark Media)
Cựu giáo viên của Viện Khổng Tử là cô Sonia Zhao biểu tình chống lại các Viện Khổng Tử bên ngoài Hội đồng Trường học Quận Toronto. (Mark Media)

Nhắc lại sự cố Viện Khổng Tử ở Canada, nhà phân tích về Trung Quốc là bà Cook cho biết, bà “không ngạc nhiên khi có một điều khoản dọc theo những dòng này”.

Nhà phân tích Cook nói: “Nhưng nó vẫn còn gây ấn tượng về mức độ phân biệt đối xử rõ ràng” mà thỏa thuận CGTN - ”không chỉ liên quan đến việc tập luyện Pháp Luân Công của một người nào đó mà còn liên quan đến niềm tin và hoạt động tôn giáo và chính trị của họ rộng rãi hơn”.

“Nó cho thấy hệ thống ĐCSTQ đã ăn sâu như thế nào… những loại hạn chế và vi phạm tự do tôn giáo và chính trị này, và nó không dừng lại ở biên giới Trung Quốc như thế nào,” cô nói.

Khác biệt trong đãi ngộ

Ít nhất 8 nhân viên hợp đồng IT đã từ chức tại văn phòng CGTN ở Washington trong những tháng gần đây. Họ nói đã chịu đựng đủ những thứ mà họ gọi là môi trường làm việc ngược đãi và bóc lột. Anh James cho biết, công ty có những đãi ngộ khác biệt với những người nói tiếng Trung Quốc. Khi những người được “gọi là cấp trên” xuất hiện, họ cần phải đứng dậy khỏi ghế để thể hiện sự tôn trọng, ngay cả khi những nhân viên nói các ngôn ngữ khác vốn được miễn quy định này, anh nói.

Đối với người lớn lên ở Malaysia như anh James, tiếng Quan Thoại không phải là tiếng mẹ đẻ của anh ấy. Người quản lý của anh từ Trung Quốc đại lục đã từng chế giễu khả năng sử dụng tiếng phổ thông của anh ấy, anh James nói.

Trao đổi với The Epoch Times, anh James thuật lại: “Anh ấy nói rằng tiếng Trung của tôi không tốt, rằng tôi quá ngu ngốc và không biết như vậy và như vậy. Anh ấy đã soi mói vào công việc của chúng tôi và đe dọa sẽ giữ lại tiền lương của chúng tôi”.

Tình trạng căng thẳng tinh thần quá lớn, đến mức anh Michael và một số đồng nghiệp đã tính đến việc tìm kiếm biện pháp trị liệu tâm lý.

Một cựu nhân viên IT khác của CGTN là anh Evan tin rằng, đối với công ty, mọi thứ đều xoay quanh quyền kiểm soát. Trả lời The Epoch Times, anh nói: “Bởi vì chúng tôi có thể nói tiếng Trung… họ liên tục nhắc nhở chúng tôi rằng họ là ông chủ và là người có tiếng nói nhất. Họ có thể ra lệnh cho mọi hành động của chúng tôi”.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Tài liệu nội bộ: Đài truyền hình ĐCSTQ yêu cầu nhân viên Mỹ phải duy trì ‘sự trong sạch về chính trị’, không tập Pháp Luân Công