Tập Cận Bình: Trung Quốc không có ý định gây 'chiến tranh Lạnh hay chiến tranh Nóng' với bất kỳ quốc gia nào

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 22/9, tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định rằng, Bắc Kinh “không có ý định gây chiến tranh Lạnh hay nóng với bất kỳ quốc gia nào” khi căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, theo Reuters.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thu hẹp sự khác biệt và giải quyết tranh chấp với những quốc gia khác thông qua đối thoại và thương lượng. Chúng tôi sẽ không tìm cách chỉ phát triển bản thân mình hoặc thực hiện các hoạt động không mang lại kết quả gì”, ông Tập nói trong một tuyên bố được ghi âm trước cho cuộc họp của Đại hội đồng LHQ.

Đại hội đồng LHQ tổ chức cuộc họp hàng năm với sự tham gia của các nhà lãnh đạo thế giới. Cuộc họp năm nay được tiến hành trực tuyến vì quan ngại đại dịch virus Corona Vũ Hán.

Căng thẳng âm ỷ kéo dài giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm kể từ đại dịch COVID-19 do virus Corona Vũ hán gây ra cũng như việc phát hiện ra nỗ lực chưa từng thấy của Bắc Kinh trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng ra thế giới nhằm thay thế vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington.

Virus Corona Vũ Hán xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm 2019. Washington cáo buộc Bắc Kinh thiếu minh bạch về đợt bùng phát và khiến đợt bùng phát trở nên tồi tệ hơn. Trung Quốc phủ nhận cáo buộc của Hoa Kỳ.

Cả hai bài phát biểu của Tổng thống Trump và người đứng đầu Trung Quốc ông Tập đều được ghi âm trước khi phiên họp diễn ra. Tuy nhiên, người ta cho rằng, bài phát biểu của ông Tập dường như thể hiện phản ứng lại những tuyên bố của ông Trump.

Tổng thống Donald Trump nói rằng, thế giới “phải quy trách nhiệm cho Trung Quốc về những hành động của họ” đã dẫn đến đại dịch COVID-19 toàn cầu.

Ông Trump nhấn mạnh rằng, trong giai đoạn đầu, khi virus Corona Vũ Hán lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã chọn đóng cửa các thành phố ở Trung Quốc nhưng lại “cho phép các chuyến bay rời khỏi Trung Quốc và làm lây nhiễm [virus] ra toàn thế giới".

Trong khi đó, ông Tập đã kêu gọi sự hợp tác toàn cầu và giao cho Tổ chức Y tế Thế giới vai trò dẫn dắt.

Tổng thống Trump cũng chỉ trích cơ quan LHQ này đã đồng lõa trong việc che đậy sự bùng phát của virus Corona Vũ Hán.

“Chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hầu như do Trung Quốc kiểm soát, đã tuyên bố sai sự thật rằng, không có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người. Sau đó, họ lại tiếp tục nói sai rằng, những người không có triệu chứng sẽ không lây bệnh”.

Vào ngày 14/1, WHO, dẫn lời các nhà chức trách Trung Quốc, cho biết “không có bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền từ người sang người”, nhưng “khả năng lây truyền từ người sang người hạn chế” là có thể xảy ra, “có khả năng xảy ra giữa các gia đình”.

“LHQ phải quy trách nhiệm cho Trung Quốc về các hành động của họ”, ông Trump nói.

Chính quyền Trung Quốc đã không cảnh báo công khai về nguy cơ lây truyền bệnh giữa người sang người cho đến ngày 20/1.

Chính quyền Hoa Kỳ đã chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về sự thiếu minh bạch trong đại dịch và các hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền này, chẳng hạn như ở khu vực Tân Cương và Hong Kong, cũng như cuộc đàn áp đã kéo dài hơn 2 thập kỷ và vẫn đang tiếp diễn đối với các học viên của pháp môn tu luyện Pháp Luân Công.

Tuyên bố của ông Tập mâu thuẫn với các tuyên truyền của Bắc Kinh gần đây

Chính quyền Bắc Kinh gần đây đã thúc đẩy ý tưởng chiến tranh với Mỹ, tăng cường tuyên truyền chống Mỹ.

Giới chức ở Bắc Kinh gần đây đã đăng các áp phích “không kích” trên đường phố, trong khi một kênh truyền thông nhà nước hiếu chiến kêu gọi chính quyền Trung Quốc phát triển thêm tên lửa hạt nhân để nhắm vào Hoa Kỳ, theo The Epoch Times.

Lần cuối cùng áp phích không kích xuất hiện ở Trung Quốc là gần nửa thế kỷ trước, vào cuối những năm 1960, khi tinh thần chống Mỹ dâng cao trong bối cảnh tuyên truyền chính trị của cuộc Cách mạng Văn hóa.

Ngày 19/9, Binh chủng Không quân Trung Quốc công bố một đoạn video mô phỏng máy bay ném bom H-6 mang hạt nhân thực hiện một cuộc tấn công vào một căn cứ giống hệt Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam ở Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, theo Reuters.

Vào ngày 25/7, một video đã quay được cảnh các công nhân đặt các áp phích mới ở quận Hải Điến, Bắc Kinh. Thủ đô Bắc Kinh có khoảng 21,54 triệu cư dân. Các áp phích chứa thông tin về cách tự bảo vệ mình trong các cuộc không kích, bao gồm cả cách tìm và vào nơi trú ẩn, theo The Epoch Times.

“Chính phủ đã đưa những thông tin này và chúng tôi rất lo lắng”, ông Wu, cư dân Bắc Kinh, nói với Đài Châu Á Tự do vào ngày 27/7.

Sau quyết định của Hoa Kỳ và Trung Quốc về việc đóng cửa lãnh sự quán của hai nước, ông Hu Xijin, Tổng biên tập Thời báo toàn cầu, đã đăng trên Weibo rằng ông ủng hộ cuộc chiến giữa hai nước.

Ông Hu tuyên bố rằng do mối quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi, vậy nên chính quyền Bắc Kinh cần nhanh chóng sản xuất tên lửa hạt nhân, đủ để đe dọa Hoa Kỳ. “Chúng ta nên làm việc cả ngày lẫn đêm”, ông này đã viết trong một bài đăng ngày 26/7.

Vào ngày 17/7, chính quyền Trung ương Trung Quốc đã lệnh cho các Đài truyền hình của họ phát lại cuộc chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai cùng với các chương trình phim và chương trình truyền hình có chủ đề chiến tranh khác để khơi dậy tinh thần chống Mỹ của người dân Trung Quốc.

Để đạt được hiệu quả tốt hơn, chính quyền yêu cầu mỗi kênh truyền hình phát các chương trình ngắn, không liên quan đến chiến tranh khác, để thu hút người xem.

Nguyễn Minh



BÀI CHỌN LỌC

Tập Cận Bình: Trung Quốc không có ý định gây 'chiến tranh Lạnh hay chiến tranh Nóng' với bất kỳ quốc gia nào