Trung Quốc mua nhà máy bán dẫn của Đức sau lệnh cấm chip mới của Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo tờ Handelsblatt, chính phủ Đức dự định cho phép một công ty có trụ sở tại Trung Quốc mua lại nhà máy sản xuất chip thuộc công ty bán dẫn Elmos có trụ sở tại Dortmund (Đức) bất chấp cảnh báo từ cơ quan tình báo Đức.

Công ty Thụy Điển Silex Microsystems AB - công ty con của Tập đoàn Sai Microelectronics của Trung Quốc - đang có kế hoạch mua lại Elmos. Việc mua lại hiện được Bộ Kinh tế Đức xem xét và dự kiến ​​sẽ có quyết định cuối cùng trong vài tuần tới, tờ Handelsblatt đưa tin vào ngày 27/10 trích dẫn các nguồn liên bang.

Tháng 12 năm ngoái, Sai Microelectronics thông báo rằng Silex có kế hoạch mua lại dây chuyền sản xuất chip ô tô của Elmos Semiconductor SE với giá 84,5 triệu EUR.

Theo Handelsblatt, Văn phòng Liên bang về Bảo vệ Hiến pháp của Đức đã cảnh báo chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng họ không nên chấp thuận thương vụ này, đồng thời lưu ý rằng việc tăng cường phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất chip là rất nguy hiểm.

Một loạt quyết định gần đây của ông Scholz đều có lợi cho Bắc Kinh, bao gồm một chuyến đi dự kiến của ông ​​tới Trung Quốc và việc chấp thuận cho Tập đoàn COSCO thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc mua lại gần 25% cổ phần của Cảng Hamburg. Những quyết định này thu hút sự chỉ trích trong liên minh chính phủ và gây ra cuộc tranh luận công khai về các vấn đề nguyên tắc trong việc đối phó với một chế độ độc tài.

Kể từ sau đại dịch, việc sản xuất và giao các sản phẩm chip trên toàn cầu đã nhiều lần gặp khó khăn. Với căng thẳng địa chính trị gia tăng do Nga và Trung Quốc ngày càng trở nên thù địch, hoạt động mua lại các nhà máy sản xuất chip đã tiến vào một giai đoạn nhạy cảm và nguy hiểm hơn, làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận sôi nổi hơn.

Elmos là công ty chip nhỏ hơn đáng kể so với Infineon - nhà sản xuất chip ô tô lớn nhất thế giới có trụ sở tại Munich (Đức). 90% chip của Elmos được sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô. Công ty muốn từ bỏ năng lực sản xuất chip của mình để chuyển sang mua chip từ các nhà sản xuất theo hợp đồng, sau đó nâng cấp chúng.

Theo chính phủ Đức, công nghệ chip của Elmos đã lỗi thời đến mức việc mua lại của Trung Quốc sẽ không thể cho phép Bắc Kinh tiếp cận các công nghệ mới có thể thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc, cũng như không thể đưa Đức vào thế bất lợi.

Nhưng nhiều thành viên chính phủ bày tỏ với Handelsblatt rằng họ không ngờ rằng chính phủ vẫn đang xem xét phê duyệt thương vụ mua lại, vì động thái này vẫn sẽ giúp Trung Quốc tăng năng lực sản xuất chip.

Năng lực sản xuất cũng quan trọng

Các cơ quan tình báo Đức đã nói rằng mối quan tâm đối với ngành công nghiệp chip không chỉ liên quan đến dòng chảy công nghệ mà còn liên quan đến việc tăng năng lực sản xuất. Gần đây, Cục Tình báo Liên bang (BND) và Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp của Đức cũng đã vạch trần ý đồ tham lam của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Họ nói rằng Trung Quốc đang tìm cách mua lại các nhà máy trong lĩnh vực chip để lấp đầy khoảng trống sau khi các công ty phương Tây rời khỏi Trung Quốc do lệnh cấm chip mới của Hoa Kỳ. Họ cảnh báo rằng ĐCSTQ muốn thực hiện một cách chiến lược hoạt động mua lại trong ngành công nghiệp chip để có thể gây áp lực lên các nước khác trong tương lai.

Silex hiện đang sản xuất chip của riêng họ và hy vọng sẽ mở rộng sản xuất theo mô hình kinh doanh của họ. Các sản phẩm của Silex được sử dụng trong cảm biến và thiết bị truyền động cho các thiết bị công nghệ y tế, điện tử tiêu dùng, viễn thông, công nghiệp và ô tô.

Việc mua lại dây chuyền sản xuất của Elmos sẽ cung cấp thêm cho Silex năng lực sản xuất để xử lý các đơn đặt hàng từ nhiều khách hàng. Giám đốc điều hành Silex, Edvard Kälvesten, cho biết trong một thông báo rằng việc mua lại sẽ là “cột mốc quan trọng trong chiến lược tăng trưởng hướng đến thành công của chúng tôi”.

Về sự cạnh tranh trong lĩnh vực chip giữa ĐCSTQ và phương Tây, ông Tạ Điền (Frank Xie) - Giáo sư kinh doanh tại Đại học Nam Carolina (Mỹ) - cho biết vào đầu tháng này rằng sau khi Hoa Kỳ cấm xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc và cấm cả các chuyên gia Mỹ được tiếp tục làm việc trong ngành này tại Trung Quốc, ĐCSTQ không có cơ hội thành công trong lĩnh vực này, ngay cả với các khoản đầu tư lớn. Nguyên nhân là các con chip liên quan đến các ngành công nghiệp tiên tiến quy mô lớn, vốn là một liên minh đa ngành đa quốc gia của các nước phương Tây.

“Nhà sản xuất chip quang khắc hàng đầu, công ty ASML của Hà Lan, hoàn toàn không xuất khẩu máy khắc chip cao cấp của họ sang Trung Quốc, và có thể cắt hoàn toàn hoạt động xuất khẩu trong bước tiếp theo”, ông Tạ cho biết. “ĐCSTQ không thể bắt kịp với hơn một chục quốc gia công nghiệp phát triển tiên tiến nhất trong hàng chục lĩnh vực tiên tiến, từ laser optics, dụng cụ chính xác, sản xuất chính xác, máy công cụ kỹ thuật số cho đến vật liệu tiên tiến”.

Minh Đăng

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc mua nhà máy bán dẫn của Đức sau lệnh cấm chip mới của Mỹ