Cần tiếp tục phơi bày Tuyên truyền về nhân quyền của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp tục tuyên truyền khoe khoang về 'mối quan tâm đối với vấn đề nhân quyền' của chính quyền Bắc Kinh. Điều này khiến giới quan sát không khỏi 'khó chịu', bởi vì chỉ có người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các nhóm thiểu số bị bức hại khác mới có thể khẳng định những trải nghiệm chân thực nhất về điều này.

Sự lố bịch trong những khẳng định rõ ràng là sai sự thật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khiến người ta tự hỏi rằng, liệu các biên tập viên của tờ China Daily có còn chút thể diện khi đăng những bài viết nhảm nhí kiểu như thế này hay không: “Các ý tưởng, biện pháp và thực tiễn của Trung Quốc trong việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền sẽ truyền cảm hứng cho phần còn lại của thế giới".

Ở đây phải chăng ngụ ý là, các nhóm thiểu số tôn giáo và dân tộc thiểu số ở Trung Quốc đã chịu đựng thống khổ trong thời gian dài là vì “được truyền cảm hứng” bởi hàng chục năm bức hại không ngừng của ĐCSTQ?

Vài lời nhắc nhở là cần thiết, vì việc phơi bày sự thật để chống lại những tuyên truyền của ĐCSTQ là một yếu tố then chốt trong cuộc chiến tranh tâm lý (psychological warfare) không ngừng nghỉ của ĐCSTQ đối với phần còn lại của thế giới.

Hồ sơ nhân quyền 'đen tối' của Trung Quốc

Quyền cơ bản của con người là gì? Dưới đây là một tóm tắt của trang Human Rights World (Thế giới Nhân quyền) về khái niệm này, nó đặc biệt phù hợp với Trung Quốc và nhất quán với Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế mà Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã soạn thảo năm 1948:

  • Quyền sống và quyền tự do.
  • Tự do khỏi chế độ nô lệ, tra tấn và đối xử vô nhân đạo.
  • Tự do bày tỏ quan điểm và biểu đạt.
  • Quyền riêng tư (bảo vệ khỏi sự giám sát quá mức).
  • Quyền tự do tư tưởng, tôn giáo, tự do bày tỏ quan điểm và biểu đạt.

Hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc không có gì ngoài hai chữ "tội ác". Không có từ nào khác để lột tả hết được điều này. Và hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc đã vô cùng đen tối ngay từ khi ĐCSTQ bắt đầu kiểm soát Trung Quốc vào năm 1949.

Khi Trung Quốc chuyển sang nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vào đầu những năm 1950, ĐCSTQ đã tước đoạt tài sản của hàng chục triệu người một cách thô bạo.

Mao Trạch Đông, nhà lãnh đạo của ĐCSTQ, đã phát động Chiến dịch Chống Cánh Hữu vào giữa những năm 1950, dẫn đến việc thanh trừng và cưỡng bức cải tạo khoảng 550.000 quan chức cấp cơ sở, trí thức, học giả và những người khác.

Mao tiếp tục khởi xướng kế hoạch Đại nhảy vọt (1958-1961) vào cuối những năm 1950, với mục tiêu "công nghiệp hóa và tập thể hóa nhanh chóng" nền kinh tế Trung Quốc. Kết cục là dẫn đến Nạn đói lớn ở Trung Quốc với số người chết ước tính từ 18 triệu đến 55 triệu người.

Năm 1966, Mao Trạch Đông khởi xướng cuộc cách mạng nhằm thanh trừng các thành phần phá hoại và phản động, được gọi là Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản (hay còn được biết đến với cái tên Cách mạng Văn hóa). Đây là sáng kiến tội ác cuối cùng của Mao đối với người dân Trung Quốc.

Một Mao "hoang tưởng" đã khởi xướng cuộc cách mạng nhằm thanh trừng các thành phần mà ông ta cho là phá hoại và phản động, bao gồm: Tôn giáo, Địa chủ, Tư sản và Truyền thống. Dưới học thuyết của Mao, đây là nhóm người xấu xa ghê tởm.

Theo đó, những đối tượng bị nhắm đến bao gồm những kẻ thù nội bộ, các nhà tư bản, những người theo chủ nghĩa truyền thống (tín đồ tôn giáo, Phật tử, Khổng giáo, v.v.), và những người được coi là kẻ thù của nhà nước. Các hành vi đàn áp bao gồm sỉ nhục công khai, bỏ tù tùy tiện, tra tấn, sách nhiễu kéo dài, tịch thu tài sản và lưu đày 17 triệu thanh niên Trung Quốc từ thành thị về nông thôn [để cải tạo] thông qua Phong trào được biết đến với khẩu hiệu:"Cùng trèo lên núi, cùng xuống nông thôn".

Văn hóa Từ bỏ: Hình ảnh được định dạng lại của một áp phích Trung Quốc vào cuối năm 1966 cho thấy cách đối phó với cái gọi là "kẻ thù của nhân dân" trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản. (Ảnh: Jean Vincent/AFP/Getty Images)

Song song với các hành vi vi phạm nhân quyền kể trên, ĐCSTQ đã thực hiện một chiến lược nhằm cải tạo tất cả các nhóm dân tộc thiểu số ở Trung Quốc thành người Hán theo khuôn mẫu, bằng cách dùng vũ lực để đàn áp ngôn ngữ và phong tục của họ.

Người Tây Tạng nằm trong số những nhóm thiểu số đầu tiên phải gánh chịu hậu quả từ chiến dịch đó. Những thống khổ của họ được tờ The Tibet Post tóm tắt như sau: “Theo Chính quyền Trung ương Tây Tạng, 'người Tây Tạng không chỉ bị bắn mà còn bị tra tấn đến chết, bị đóng đinh, bị thiêu sống, bị dìm chết, bị tùng xẻo, bị bỏ đói, bị bóp cổ, bị treo cổ, bị luộc sống, bị chôn sống, bị phanh thây và bị chặt đầu'”.

Kể từ năm 1950, ĐCSTQ đã sát hại khoảng 1,2 triệu người Tây Tạng, cướp phá và phá hủy 6.000 tu viện, đền thờ và di tích lịch sử ở Tây Tạng, đồng thời đô hộ Tây Tạng bằng cách đưa hơn 8 triệu người Trung Quốc đến đây sinh sống, qua đó đảm bảo sự thống trị của người Hán đối với văn hóa Tây Tạng.

Cuộc diệt chủng văn hóa ở Tây Tạng đã lan sang các nhóm thiểu số khác ở Trung Quốc, bao gồm cả Phật tử Mông Cổ, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công. Trong số 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, có 1 triệu người đã bị giam giữ trong cái gọi là trại cải tạo dưới chính quyền của ông Tập Cận Bình. Vào tháng 1/2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ định cuộc đàn áp và ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ là hành vi diệt chủng.

Các vi phạm nhân quyền đang diễn ra kể trên - cũng như nhiều cuộc đàn áp, giam giữ sai trái và tra tấn khác - đã bị chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế giám sát các vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới chỉ trích gay gắt. Dưới đây là một số dẫn chứng:

  • Tổ chức Nhân quyền (Human Rights Foundation) đã xuất bản một báo cáo năm 2021 có tiêu đề "100 Years of Suppression" (tạm dịch: 100 năm đàn áp), trong đó đánh giá các chiến thuật đàn áp của ĐCSTQ ở khu vực Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong.
  • Năm 2008, Ủy Ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ (U.S. Commission on International Religious Freedom - USCIRF) đã chỉ trích cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với các nhà sư Phật giáo Tây Tạng.
  • Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (World Organisation Against Torture) đã lên án việc Trung Quốc “không ký các giao thức tùy chọn của Công ước Chống Tra tấn của Liên Hợp Quốc (Convention Against Torture) và ngăn chặn việc bỏ tù, tra tấn cũng như hành quyết những người bị giam giữ một cách tùy tiện".
  • Năm 2020, 39 quốc gia trên thế giới đã tố cáo hành vi tàn bạo của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ. Đến năm 2022, con số này đã tăng lên 50 nước.
  • Vào tháng 7/2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thêm 14 công ty Trung Quốc vào Danh sách Thực thể (Entity List) vì đồng lõa với "chiến dịch đàn áp, giam giữ hàng loạt và giám sát bằng công nghệ cao của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ, người dân tộc Kazakh và các thành viên khác của các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương", theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Theo đó, những cá nhân và thực thể bị liệt vào danh sách Entity List được cho đã tham gia hoặc có khả năng cao tham gia vào các hoạt động gây đe dọa cho an ninh quốc gia hay các lợi ích về chính sách ngoại giao của Mỹ.

Phản ứng của Trung Quốc

Chính quyền Trung Quốc vô cùng nhạy cảm với những cáo buộc vi phạm nhân quyền kể trên, vì các báo cáo quốc tế đã đánh trúng vào tim đen của ĐCSTQ, chế độ này đã bỏ ra hàng thập kỷ nỗ lực nhằm thiết lập tính hợp pháp của mình. Xét cho cùng, những vi phạm nhân quyền trắng trợn như vậy không phải là hành vi của các chính phủ hợp pháp.

Các học viên Pháp Luân Công tại Santa Monica, California, Mỹ tái hiện việc thu hoạch nội tạng để nâng cao nhận thức về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. (Ảnh: Xu Touhui/The Epoch Times)

Theo phản xạ, các nhà ngoại giao và truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cố gắng phủ nhận, làm chệch hướng, đổ lỗi và thậm chí xác định lại các quyền cơ bản của con người “mang đặc điểm Trung Quốc”.

Quý vị có thể tham khảo các bài viết nói về nhân quyền dưới đây của truyền thông nhà nước Trung Quốc:

Bài viết cuối có tiêu đề "China ensures protection of human rights" (tạm dịch: Trung Quốc đảm bảo bảo vệ nhân quyền). Thật là sự dối trá trơ trẽn khi đối mặt với các báo cáo vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc kể trên, chưa kể đến những hành động tàn bạo được ghi chép trong lịch sử dưới thời Mao Trạch Đông!

Bài báo của tờ China Daily được đề cập ở đầu bài tiểu luận này chỉ là nỗ lực gần đây nhất của chế độ Bắc Kinh nhằm ngụ ý rằng, ĐCSTQ là một "ngọn hải đăng" về việc phát triển nhân quyền. Hai trong số các luận điểm được đưa ra trong bài báo này là phi lý.

Thứ nhất, bài báo trích dẫn một báo cáo chung từ Tổ chức Phát triển Nhân quyền Trung Quốc (China Foundation for Human Rights Development) và Nghiên cứu Trung Quốc Mới của Tân Hoa Xã (cơ quan ngôn luận thuộc Quốc vụ viện ĐCSTQ), tuyên bố: "Góc nhìn của Trung Quốc về vấn đề nhân quyền không ngừng được làm phong phú và cải thiện trong điều kiện thực tế, với quan điểm và ý thức hệ riêng, căn cứ vào điều kiện thực tế của đất nước”.

Đây là những lời lẽ đao to búa lớn điển hình của ĐCSTQ, nghe có vẻ quan trọng, cao siêu nhưng thật ra rất khó hiểu. Chúng không hề đề cập đến các quyền con người cốt lõi được nêu ở trên. Các lập luận vòng vo từ một cơ quan ngôn luận do ĐCSTQ kiểm soát ngụ ý rằng, tình hình nhân quyền đang được cải thiện ở Trung Quốc; trong khi đó người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các nhóm thiểu số bị bức hại khác lại có trải nghiệm hoàn toàn trái ngược.

Thứ hai, bài báo trích dẫn Chỉ số Phát triển Con người (Human Development Index - HDI) của Liên Hợp Quốc, “cho thấy Trung Quốc đã tăng từ 0,499 điểm vào năm 1990 lên 0,761 điểm vào năm 2019, đưa quốc gia này vào nhóm các quốc gia có chỉ số phát triển con người cao".

Đó là một thủ đoạn xảo quyệt điển hình của ĐCSTQ, bởi vì HDI không liên quan gì đến nhân quyền. Liên Hợp Quốc định nghĩa HDI là thước đo của ba yếu tố: “cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh; có kiến thức; có chất lượng sống tốt. ... Nó không phản ánh về sự bất bình đẳng, nghèo đói, an toàn của con người, trao quyền, v.v". Nó cũng không phản ánh bất cứ thước đo nào định lượng và đánh giá các quyền cơ bản của con người trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc.

Kết luận

Mặc dù giới quan sát nhận thức rõ về các mánh khóe, thủ đoạn dối trá và những tuyên truyền của ĐCSTQ về các vấn đề, bao gồm các quyền cơ bản của con người và nạn diệt chủng văn hóa do ĐCSTQ xúi giục, nhưng điều quan trọng là thế giới cần chung tay lại để đáp trả mọi tuyên truyền sai lệch từ các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc.

ĐCSTQ đang tiến hành chiến tranh tâm lý công khai chống lại thế giới. Do đó, thế giới cần phải "phản công" bằng mọi giá để khích lệ nhóm thiểu số bị bức hại và phơi bày sự thật về những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Tác giả Stu Cvrk là một Thuyền trưởng/Đại úy về hưu sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Ông đã giữ nhiều chức vụ thường trực và dự bị khác nhau, với kinh nghiệm hoạt động dày dặn ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Nhờ những kiến thức và kinh nghiệm mà ông tích lũy được khi làm nhà phân tích hệ thống kiêm nhà hải dương học, cùng việc ông tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ - nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục truyền thống và tự do, các bài bình luận chính trị của ông đều có một nền tảng vững chắc.



BÀI CHỌN LỌC

Cần tiếp tục phơi bày Tuyên truyền về nhân quyền của Trung Quốc