Úc gỡ bỏ camera do Trung Quốc sản xuất tại trụ sở Bộ Quốc phòng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Úc đã ra lệnh tháo gỡ tất cả các camera giám sát do Trung Quốc sản xuất khỏi các tòa nhà chính quyền trên cả nước “càng sớm càng tốt”, đánh dấu động thái mới nhất của phương Tây nhằm kiểm soát các sản phẩm công nghệ ở nước ngoài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles đã công bố lệnh này vào ngày 9/2, sau một cuộc kiểm toán cho thấy gần 1.000 camera giám sát do Trung Quốc sản xuất đã được lắp đặt ở hơn 250 địa điểm của các bộ và cơ quan thuộc Khối thịnh vượng chung, bao gồm cả các cơ quan đối ngoại và quốc phòng.

“Chúng tôi đang đánh giá tất cả các công nghệ giám sát trong Bộ Quốc phòng và và bất kỳ nơi nào phát hiện ra camera đặc thù [do Trung Quốc sản xuất], chúng sẽ bị gỡ bỏ", ông Marles nói với đài ABC.

“Từ lâu chúng tôi đã chú ý đến vấn đề quan trọng này và chúng tôi đang tìm hướng xử lý. Rõ ràng là những chiếc camera giám sát đã được lắp ở đó một thời gian trước nhiệm kỳ của chúng tôi”, ông nói.

Hai công ty Trung Quốc cung cấp các camera giám sát này là Hangzhou Hikvision (Công ty Công nghệ kỹ thuật số Hàng Châu Hikvision) và Zhejiang Dahua (Công ty Công nghệ Đại Hoa Chiết Giang).

Vào tháng 11/2022, cả hai công ty này đều bị chính phủ Anh và Mỹ "cấm vận" với các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Hai công ty này được cho là có liên quan đến các hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương, phía Tây Bắc Trung Quốc.

Một camera của Hikvision tại một trung tâm mua sắm điện tử ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 24/5/2019. (Ảnh: Fred Dufour/AFP/Getty Images)

Hikvision được cho là có quan hệ mật thiết với ĐCSTQ và quân đội Trung Quốc. Công ty này thuộc sở hữu một phần của nhà nước Trung Quốc và là nhà sản xuất công nghệ giám sát video (video surveillance) lớn nhất thế giới.

Khối thịnh vượng chung 'tràn ngập phần mềm gián điệp của ĐCSTQ’

Động thái này được đưa ra sau khi Bộ trưởng An ninh mạng Úc James Paterson công bố kết quả cuộc kiểm toán kéo dài sáu tháng đối với tất cả các cơ quan của Khối thịnh vượng chung. Ông đã bắt đầu cuộc kiểm toán sau khi Bộ Nội vụ không thông báo cho ông về số lượng thiết bị có xuất xứ từ Trung Quốc được lắp đặt trong các tòa nhà chính phủ.

Theo đó, camera giám sát và thiết bị an ninh có nguồn gốc từ Trung Quốc hiện diện ở gần như tất cả các cơ quan ngoại trừ Văn phòng Thủ tướng, Văn phòng Nội các và Bộ Nông nghiệp.

Bộ Tư pháp lắp 195 thiết bị giám sát Trung Quốc và trải khắp 29 địa điểm, trong khi Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu gắn 154 chiếc, Kho bạc có 115 chiếc, Bộ Tài chính lắp 122 chiếc và Cơ quan Dịch vụ xã hội có 134 chiếc.

Mặc dù số lượng thiết bị giám sát được lắp trong Bộ Ngoại giao chưa được tiết lộ, nhưng có ít nhất 28 địa điểm có khả năng đã gắn các thiết bị này.

Bộ Quốc phòng Úc không khẳng định về tổng số camera giám sát Trung Quốc nhưng nói rằng có ít nhất một chiếc.

Số lượng thiết bị do Trung Quốc sản xuất trong các cơ quan liên bang Úc. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Úc cung cấp)

Ông Paterson cho biết các tòa nhà chính phủ liên bang đã “tràn ngập phần mềm gián điệp của ĐCSTQ".

"Sự việc này đã gây ra một rủi ro an ninh quốc gia đặc biệt / cá biệt / hiếm có đối với Úc. Với việc các thiết bị giám sát Hikvision và Dahua được lắp đặt trên khắp cơ quan chính phủ Úc, bao gồm cả trung tâm của cộng đồng tình báo quốc gia, các công ty và nhân viên của họ có thể buộc phải cung cấp cho chính phủ Trung Quốc quyền truy cập 24 giờ vào các dữ liệu giám sát có giá trị", ông nói trong một tuyên bố ngày 9/2.

Ông Paterson, một thành viên của Ủy ban Hỗn hợp Quốc hội Úc về Tình báo và An ninh, đã cảnh báo về rủi ro an ninh quốc gia. Ông trích dẫn Luật Tình báo Quốc gia Trung Quốc, và chỉ ra rằng luật đó yêu cầu các công ty Trung Quốc phải cung cấp dữ liệu cho các cơ quan tình báo của ĐCSTQ.

Ông nói với đài Sky News: “Trước đây, các thiết bị này từng được xác định là có vài lỗ hổng về bảo mật. Theo đó, người dùng từ xa có thể chiếm toàn quyền kiểm soát thiết bị, chẳng hạn như bật camera hoặc mở âm thanh”.

"Quan trọng nhất là các công ty này phải chịu ơn ĐCSTQ, cũng như Huawei - công ty từng bị Úc cấm cung cấp thiết bị 5G cho mạng không dây ... Mọi công dân và công ty Trung Quốc phải hợp tác với các cơ quan tình báo của ĐCSTQ, đồng thời phải giữ bí mật về sự hợp tác này để chính phủ Trung Quốc có thể gây áp lực lên họ".

Bộ trưởng An ninh mạng Úc đã kêu gọi chính phủ ông Albanese cần có hành động nhanh chóng về vấn đề này.

“Cho đến nay, chính phủ Úc vẫn chưa có thông báo gì về việc này, mặc dù một số cơ quan và ban ngành của chính phủ, chẳng hạn như Cơ quan Bảo hiểm Người khuyết tật Toàn quốc và Đài tưởng niệm Chiến tranh Úc, đã cam kết sẽ gỡ bỏ các thiết bị này khỏi các văn phòng của họ”, ông Paterson tuyên bố.

"Chúng tôi rất cần một kế hoạch từ chính phủ của Thủ tướng Albanese để gỡ bỏ mọi thiết bị này khỏi các cơ quan và ban ngành của chính phủ Úc".

Vào tháng 12/2022, Cơ quan Bảo hiểm Người khuyết tật Toàn quốc đã quyết định gỡ bỏ thiết bị giám sát do Trung Quốc sản xuất khỏi văn phòng của họ ở Geelong, tiểu bang Victoria. Đến tháng 3, một hệ thống camera giám sát của Hikvision với 132 camera và 4 đầu ghi sẽ ngừng hoạt động và được thay thế bằng một hệ thống đã được thử nghiệm.

Hơn nữa, ông Kim Beazley, tân chủ tịch của Đài tưởng niệm Chiến tranh Úc, cũng là cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Lãnh đạo Công Đảng Úc, đã xác nhận vào ngày 8/2 rằng, bảo tàng nước này cũng đang gỡ bỏ các thiết bị giám sát có xuất xứ từ Trung Quốc để phòng ngừa rủi ro an ninh.

Theo tờ Canberra Times, chính phủ Úc sẽ gỡ 5 camera giám sát của Hikvision trong tháng này và 6 camera còn lại sẽ được thay thế vào giữa năm 2023.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc cảnh báo phản ứng thái quá

Ông Marles nhấn mạnh rằng vấn đề này rất quan trọng, đồng thời nói thêm rằng, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục tìm kiếm các thiết bị khác và nếu phát hiện ra sẽ gỡ bỏ ngay lập tức.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo trước những phản ứng thái quá.

“Tôi không cho chúng ta nên phóng đại [mức độ nghiêm trọng của sự việc], nhưng đó là một vấn đề quan trọng đã được chúng tôi chú ý [từ lâu] và chúng tôi sẽ khắc phục vấn đề này”, ông nói.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles phát biểu tại cuộc họp báo trong khuôn khổ Hội nghị cấp Bộ trưởng Úc - Mỹ thường niên lần thứ 32 ở Washington, D.C., hôm 6/12/2022. (Ảnh: Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Thủ tướng Anthony Albanese cho biết ông không lo ngại về việc đóng băng ngoại giao với Bắc Kinh về vấn đề này, giống như những gì đã xảy ra sau khi Úc cấm Huawei và ZTE cung cấp mạng 5G cho quốc gia này vào năm 2018.

“Chúng tôi hành động phù hợp với lợi ích quốc gia của Úc”, ông Albanese nói trong cuộc họp báo vào ngày 9/2.

“Chúng tôi thực hiện điều này một cách minh bạch. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Úc gỡ bỏ camera do Trung Quốc sản xuất tại trụ sở Bộ Quốc phòng