Úc, Maldives bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng họ đã tham dự Diễn đàn Ấn Độ Dương do Trung Quốc dẫn đầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cả Úc và Maldives đều khẳng định rằng, không có quan chức chính phủ nào của hai nước đã tham dự Diễn đàn Trung Quốc - Ấn Độ Dương được tổ chức vào ngày 21/11 tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trước đó, chính quyền Trung Quốc tuyên bố đã quy tụ đại diện từ 19 quốc gia, ngoại trừ Ấn Độ.

Tuyên bố của hai nước được đưa ra để phản ứng lại một tuyên bố chung do Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc (CIDCA) đưa ra vào ngày 22/11, trong đó xác định Maldives và Úc là các quốc gia sẽ tham dự sự kiện.

Bộ Ngoại giao Maldives cho biết, “không có đại diện chính thức nào của chính phủ Maldives” tại diễn đàn và họ đã thông báo cho Đại sứ quán Trung Quốc về quyết định không tham dự sự kiện này.

"Hơn nữa, sự tham gia của các cá nhân hoặc nhóm quan chức từ Maldives không cấu thành đại diện chính thức của chính phủ Maldives", Bộ này cho biết trong một tuyên bố vào ngày 27/11.

Cựu Tổng thống Maldives Mohammed Waheed Hassan và cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd được cho là đã tham gia diễn đàn trực tuyến này, nhưng với tư cách cá nhân.

Cao ủy Úc tại Ấn Độ Barry O'Farrell, nói rằng ông Tim Watts, Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Úc, đã tham dự hội đồng bộ trưởng Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương ở Dhaka, đây là “diễn đàn cấp bộ trưởng duy nhất cho Ấn Độ Dương”.

“Trái ngược với báo cáo của giới truyền thông, không có quan chức Chính phủ Úc nào tham dự Diễn đàn Hợp tác Phát triển Trung Quốc - Ấn Độ Dương ở Côn Minh”, ông Farrell tuyên bố trên Twitter vào ngày 27/11.

Diễn đàn Trung Quốc - Ấn Độ Dương được tổ chức tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, do CIDCA và Chính phủ Nhân dân tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đồng tổ chức. Ấn Độ không được mời tham dự diễn đàn, mặc dù là một quốc gia quan trọng ở Ấn Độ Dương.

Phản ứng của Trung Quốc

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã từ chối bình luận về những tuyên bố của Australia và Maldives.

“Các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc cũng đã đưa ra thông báo chi tiết và tổ chức một cuộc họp báo về sự kiện này. Nếu muốn biết thêm chi tiết, tôi sẽ giới thiệu quý vị với họ", ông nói trong một cuộc họp báo.

Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố rằng việc Maldives từ chối tham gia diễn đàn quả là "đáng tiếc", vì điều đó sẽ giúp nước này "giải quyết những lo ngại về biến đổi khí hậu và sự phát triển của nền kinh tế xanh", theo hãng tin ANI News.

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tìm cách mở rộng sức ảnh hưởng ở khu vực Maldives và tại các quốc gia Ấn Độ Dương khác. Trung Quốc đầu tư vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở Maldives dưới chính quyền cựu Tổng thống Abdullah Yameen Abdul Gayoom.

Quan hệ giữa Ấn Độ và Maldives được cải thiện sau khi Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih nhậm chức vào năm 2018. Ông Solih nhấn mạnh về “chiến lược Ấn Độ trên hết” và cam kết rằng, mối bang giao với Ấn Độ vẫn là “ưu tiên hàng đầu” của chính phủ của ông.

Lợi ích chiến lược của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương

Ông Sameer Lalwani, một thành viên cao cấp về chiến lược châu Á tại Trung tâm Stimson, đã viết trên tờ Politico vào tháng 8 rằng, tham vọng của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương trước đây không thu hút được nhiều sự chú ý, nhưng chính quyền Trung Quốc đã chế tạo hàng chục tàu chiến tiên tiến, dường như được dành cho khu vực này. Ông nhấn mạnh, 80% thương mại hàng hải toàn cầu đi qua khu vực này.

Theo nghiên cứu năm 2021 của chính phủ Hoa Kỳ (pdf), Trung Quốc có thể phát triển tới 67 tàu chiến mặt nước chủ lực mới và 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới vào năm 2030.

Điều này gây lo ngại cho Hoa Kỳ và các đồng minh của họ. Một báo cáo của Lầu Năm Góc (pdf) lập luận rằng, nếu Trung Quốc thiết lập ưu thế quân sự ở Ấn Độ Dương, thì nó có thể cho phép Bắc Kinh đe dọa các tuyến thương mại hàng hải và thậm chí ngăn chặn quân đội Hoa Kỳ di chuyển qua khu vực Ấn Độ Dương nếu nổ ra một cuộc xung đột ở châu Á.

“Với một hạm đội không bị kiểm soát có khả năng thực thi quyền kiểm soát ở Ấn Độ Dương - ngay cả khi vì những lý do chính đáng như bảo vệ thương mại và đầu tư - Trung Quốc có thể đe dọa các quốc gia về quân sự và kinh tế, như họ đã từng làm trong nhiều năm ở Biển Đông, và gần đây hơn là với Bangladesh, Maldives và Indonesia", ông Lalwani viết.

"Nó có thể thực hiện các hành vi nguy hiểm gần tàu và máy bay, quấy rối các tàu thương mại hoặc tàu hải quân, xâm nhập vào các đại dương và không phận của các quốc gia láng giềng", ông kết luận.

Thanh Hải

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Úc, Maldives bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng họ đã tham dự Diễn đàn Ấn Độ Dương do Trung Quốc dẫn đầu