Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm TikTok

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 1/3 đã thông qua dự luật trao cho Tổng thống Joe Biden quyền cấm ứng dụng chia sẻ video TikTok thuộc sở hữu của Trung Quốc. Đây được cho là hạn chế sâu rộng nhất của Mỹ đối với một ứng dụng truyền thông xã hội.

Với 24 phiếu thuận và 16 phiếu chống, bản dự thảo Đạo luật Ngăn chặn các đối thủ công nghệ của Mỹ (DATA) đã được các nhà lập pháp Mỹ thông qua dưới sự bảo trợ của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện - Nghị sĩ đảng Cộng hòa Michael McCaul, theo hãng tin Reuters.

Dự luật trao cho chính quyền Mỹ quyền hạn mới để cấm TikTok - ứng dụng thuộc sở hữu của công ty ByteDance Ltd. (Trung Quốc), vốn được hơn 100 triệu người Mỹ sử dụng.

"TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia... Đã đến lúc hành động", Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul, cho biết.

"Bất cứ ai tải ứng dụng TikTok về thiết bị đều đồng nghĩa với việc đã mở một 'cửa hậu' cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) truy cập vào thông tin cá nhân của họ. Đó chính là khí cầu do thám trên điện thoại".

Phản ứng đối với dự luật này, phe Dân chủ trong Ủy ban đã bày tỏ sự phản đối vì họ cho rằng động thái này là quá "gấp rút" và cần có sự tranh luận, thẩm định và tham vấn kỹ càng với các chuyên gia.

Dự luật không chỉ định chính xác cách thức hoạt động của lệnh cấm, nhưng sẽ trao cho ông Biden quyền cấm mọi giao dịch với TikTok, từ đó có thể ngăn mọi người dân Mỹ truy cập hoặc tải xuống ứng dụng trên điện thoại của họ.

Dự luật cũng yêu cầu ông Biden áp đặt lệnh cấm đối với bất kỳ thực thể nào "có thể" chuyển dữ liệu cá nhân nhạy cảm cho một thực thể chịu tác động của Trung Quốc.

Tuy nhiên, dự luật này cần phải được thông qua tại Hạ viện và Thượng viện trước khi trình lên Tổng thống Biden ký ban hành.

Trong những tuần gần đây TikTok đã vấp phải không ít chỉ trích vì lo ngại làm rò rỉ dữ liệu người dùng cũng như làm suy yếu các lợi ích an ninh của phương Tây.

Sau động thái trên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, một phát ngôn viên của Tik Tok cho biết: "Lệnh cấm của Mỹ đối với TikTok cũng chính là lệnh cấm xuất khẩu văn hóa và các giá trị của Mỹ tới hàng tỷ người đang sử dụng dịch vụ của chúng tôi trên toàn thế giới".

Chính quyền ông Biden không cho biết liệu họ có ủng hộ việc xúc tiến dự luật hay không.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói chuyện với các phóng viên ở Washington hôm 06/9/2022. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP/Getty Images)

Nhà Trắng: Tổng thống Biden có ‘mối quan ngại’ về TikTok

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm 1/3 cho biết Tổng thống Joe Biden có “mối quan ngại” về TikTok.

Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, khi được hỏi liệu Nhà Trắng có coi ứng dụng này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia hay không, bà Jean-Pierre đã xác nhận là có. TikTok đã vấp phải chỉ trích của cả lưỡng đảng Mỹ vì lo ngại về an ninh quốc gia khi công ty mẹ của ứng dụng này, ByteDance, có liên hệ với ĐCSTQ.

“Chà, chúng tôi đã nói rằng chúng tôi lo ngại về ứng dụng này. Và đó là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi Quốc hội hành động trước việc Trung Quốc đang cố gắng thu thập thông tin cá nhân của người Mỹ theo cách có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia”, bà nói.

“Chúng tôi lo ngại về điều đó. Và một lần nữa, chúng tôi kêu gọi Quốc hội Mỹ nêu ra chương trình nghị sự của Tổng thống và những hành động mà Tổng thống muốn thực thi từ Cơ quan hành pháp và cơ quan có thẩm quyền của ông”.

Văn phòng Quản lý và Ngân sách (Office of Management and Budget - OMB) hôm thứ Hai (27/2) thông báo rằng tất cả các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ có 30 ngày để xóa TikTok khỏi thiết bị của họ.

Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua “Đạo luật không TikTok trên các thiết bị của chính phủ” vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, luật pháp vẫn cho phép sử dụng TikTok trong một số trường hợp nhất định, bao gồm phục vụ mục đích nghiên cứu, an ninh quốc gia và thực thi pháp luật.

Bà Jean-Pierre từ chối cho biết liệu ông Biden có cấm sử dụng TikTok trên tất cả các thiết bị ở Hoa Kỳ hay không.

Người dùng TikTok đang cung cấp dữ liệu cho cơ quan tình báo của ĐCSTQ, chuyên gia mạng cảnh báo Tiktok thu thập dữ liệu người dùng và gửi về Trung Quốc, quy định của Mỹ đối với các công ty như Tiktok, những lo ngại về TikTok ngày càng gia tăng, ĐCSTQ khao khát kiểm soát dữ liệu người dùng
Người dân đi ngang qua trụ sở của ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video TikTok, ở Bắc Kinh vào ngày 16/09/2020. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

TikTok phản pháo: Lệnh cấm chẳng khác nào ‘sân khấu chính trị’

Trong một tuyên bố mà The Epoch Times có được, một phát ngôn viên của TikTok đã gọi các lệnh cấm gần đây do các chính phủ trên thế giới ban hành là “sân khấu chính trị” và kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua một thỏa thuận được đề xuất của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS).

“Lệnh cấm TikTok trên các thiết bị liên bang được thông qua vào tháng 12/2022 mà không có bất kỳ sự cân nhắc nào và thật không may, cách tiếp cận đó đã trở thành kế hoạch mẫu chi tiết cho một số chính phủ khác trên thế giới. Những lệnh cấm này chẳng khác nào sân khấu chính trị”, phát ngôn viên của TikTok, ông Brooke Oberwetter, cho biết.

Vị phát ngôn viên của TikTok bày tỏ lo ngại về khả năng ứng dụng video phổ biến này bị cấm trên các thiết bị cá nhân của những công dân Mỹ bên ngoài phạm vi chính phủ.

“Chúng tôi hy vọng rằng khi giải quyết các mối lo ngại về an ninh quốc gia của TikTok ngoài các thiết bị của chính phủ, Quốc hội Hoa Kỳ sẽ xem xét các giải pháp không có tác dụng kiểm duyệt tiếng nói của hàng triệu người Mỹ”, vị phát ngôn viên của TikTok cho biết.

“Cách nhanh nhất và triệt để nhất để giải quyết mọi lo ngại về an ninh quốc gia về TikTok là thông qua một thỏa thuận được đề xuất mà TikTok đã làm việc với CFIUS trong gần hai năm. Những kế hoạch này đã được phát triển dưới sự giám sát của các cơ quan an ninh quốc gia hàng đầu của Hoa Kỳ và chúng tôi đang tiến hành việc thực hiện kế hoạch này để đảm bảo an toàn hơn nữa cho nền tảng của chúng tôi tại Hoa Kỳ".

Vào năm 2020, CFIUS đã nhất trí khuyến nghị ByteDance thoái vốn TikTok vì lo ngại dữ liệu người dùng có thể bị thu thập trái phép để chuyển cho chính phủ Trung Quốc.

TikTok và CFIUS đã đàm phán trong gần hai năm về các yêu cầu bảo mật dữ liệu. TikTok cho biết họ đã chi hơn 1,5 tỷ USD cho các nỗ lực đảm bảo an ninh dữ liệu và bác bỏ cáo buộc do thám.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm TikTok