Vị thế trung lập độc nhất của Thổ Nhĩ Kỳ giữa NATO và Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh phái đoàn Nga và Ukraina đến Istanbul hôm 29/03/2022 để đàm phán hòa bình, vị thế chính trị độc nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đang được chú ý. Tại sao lại là Thổ Nhĩ Kỳ?

Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng tỏ sự thành thạo trong việc duy trì thái độ trung lập trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Mặc dù Ankara đã lên án “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga, nhưng họ cũng từ chối tuân theo sự chỉ đạo của các đồng minh NATO trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đối với Moscow. Theo các chuyên gia trong nước, lý do của việc này cả về phương diện kinh tế và chính trị, đồng thời phản ánh cách tiếp cận đa dạng của Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ với Nga.

Ông Halil Akinci, người từng là đại sứ của Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga từ năm 2008 đến năm 2010, nói với tờ The Epoch Times: “Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia láng giềng của cả hai nước vốn có quan hệ kinh tế căng thẳng với nhau. Vì vậy, lợi ích của Ankara là duy trì tốt mối quan hệ tốt với cả hai".

Ông nói thêm, tính trung lập cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ có vị thế hoàn hảo để làm trung gian hòa giải — do đó nâng tầm quốc tế — “vì chúng tôi là những người duy nhất được cả hai bên chấp nhận”.

Lên án mà không cần chế tài

Trong những ngày đầu tiên của "chiến dịch quân sự đặc biệt" được Nga tiến hành từ 24/2, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án rằng đây là sự việc “không thể chấp nhận được” và “vi phạm luật pháp quốc tế”. Tuy nhiên, họ cũng nhanh chóng nhấn mạnh rằng Ankara - không giống như các đồng minh NATO - không có ý định thực thi các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đối với Nga.

Theo Tiến sĩ Mehmet Seyfettin Erol, một nhà phân tích chính trị và là người đứng đầu Trung tâm Khủng hoảng và Chính sách Ankara, một tổ chức tư vấn độc lập, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có “cơ sở hợp lý” để từ chối ủng hộ các lệnh trừng phạt.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự lễ khai trương Dự án đường ống dẫn khí đốt dòng Turkstream vào ngày 08/01/2020 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Burak Kara / Getty Images)

“Thổ Nhĩ Kỳ đang tự định vị mình như một nhà hòa giải bằng cách duy trì các kênh liên lạc mở với Nga", ông Erol nói với The Epoch Times. Ông tiếp tục khẳng định rằng Ankara và Moscow đã tham gia chặt chẽ vào một loạt các vấn đề dựa trên các nguyên tắc “hợp tác và cạnh tranh”.

Trước câu hỏi, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có chịu áp lực của NATO trong việc áp đặt các đường lối cứng rắn hơn chống lại Nga hay không, ông Akinci đã phản hồi rằng, không ai mong muốn Ankara thực thi các biện pháp trừng phạt - đặc biệt là với nền kinh tế hiện tại.

Ông nói: “Do phụ thuộc vào lĩnh vực thương mại lớn với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không có đủ khả năng để làm điều này [tức là thực thi các lệnh trừng phạt]. “Giống như phần còn lại của thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ đơn giản là không thể bỏ qua nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn của Nga”.

Thật vậy, ước tính khoảng 45% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là nhập khẩu từ Nga, cùng với hơn 75% lượng lúa mì nhập khẩu của nước này. Điều này cho thấy một viễn cảnh tồi tệ đối với một quốc gia đã từng chứng kiến ​​đồng tiền của mình rớt giá tới hơn 80% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, khiến giá của nhiều mặt hàng thiết yếu — bao gồm cả bánh mì — tăng vọt.

Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ thương mại quan trọng với Ukraine, quốc gia cung cấp cho họ từ 10% đến 15% tổng lượng lúa mì nhập khẩu. Ankara và Kyiv cũng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, bao gồm cả việc sản xuất chung máy bay không người lái.

Nỗ lực hoà giải mang tính chất xây dựng

Sự trung lập của Thổ Nhĩ Kỳ có thể hiệu quả về mặt kinh tế, nhưng nó cũng đã góp phần nâng cao vị thế của đất nước này bằng cách coi nước này là trung gian hòa giải lý tưởng - một vai trò mà nước này đảm nhận một cách hào hứng.

Ngày 10/3, Ngoại trưởng Nga và Ukraine đã gặp nhau tại thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ; và ngày 29/3, phái đoàn hai nước đã hội đàm tại Istanbul. Mặc dù được tất cả các bên ca ngợi là “mang tính xây dựng”, các cuộc đàm phán không tạo ra được bất kỳ đột phá rõ ràng nào.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (T) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tổ chức một cuộc họp báo chung sau cuộc gặp vào ngày 03/02/2022 tại Kyiv, Ukraine. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình hiện tại xung quanh cuộc xâm lược quân sự của Nga vào Ukraine khi quân đội Nga đổ bộ dọc biên giới Nga-Ukraine. (Ảnh Getty Images)

Về phần mình, Nga, vốn dường như có ưu thế về mặt quân sự, yêu cầu đảm bảo rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Đồng thời cũng yêu cầu Kyiv công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea (được Nga sáp nhập vào năm 2014) và công nhận hai vùng lãnh thổ nói tiếng Nga ở vùng Donbas phía đông Ukraine (Donetsk và Luhasnk) là các nước cộng hòa độc lập.

Dựa trên các tín hiệu gần đây từ cả hai phía, ông Erol tin rằng có khả năng Ukraine sẽ “từ bỏ tư cách thành viên NATO trước tiên, đổi lại Moscow sẽ chấp nhận tư cách thành viên Liên minh châu Âu của Ukraine”. Ông tin rằng, điểm chung giữa hai quốc gia này chính là vùng Donbas.

Ông nói: “Nga yêu cầu công nhận cái gọi là các nước cộng hòa, nhưng chính quyền Kyiv và cộng đồng quốc tế dường như không chấp nhận điều này".

Bởi vì nó liên quan đến các đối thủ quyền lực lớn như Nga và NATO, cuộc xung đột có thể trở thành một "cuộc chiến âm ỉ kéo dài vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm", ông Erol cảnh báo, trích dẫn những vướng mắc của Nga trong quá khứ ở Afghanistan và Chechnya.

Lực lượng an ninh Afghanistan đã phong tỏa hiện trường sau vụ đánh bom nhà Bộ trưởng Quốc phòng Afganistan vào đêm thứ Ba 3/8/2021. (Ảnh Getty Images)

Ông Akinci cũng đồng tình rằng, để đạt được một thỏa thuận thương lượng "có thể mất nhiều thời gian." Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, nếu phương trình quân sự thay đổi đáng kể trên thực tế, thì “các vị thế [ngoại giao] cũng có thể thay đổi theo đó".

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã mở rộng lời mời cho cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskyy gặp nhau tại Istanbul để có các cuộc đàm phán sâu hơn, ông phát biểu vào ngày 18/4. Ba ngày sau, các lực lượng Nga đã chiếm được thành phố Mariupol của Ukraine.

Mối quan hệ với Nga: 'Không phải trắng hay đen'

Từng là các đối thủ trong lịch sử, đế quốc Ottoman (tức Thổ Nhĩ Kỳ) và Nga đã giao chiến ít nhất 10 cuộc xung đột lớn trong bốn thế kỷ, kết thúc bằng Chiến tranh thế giới thứ I. Nhưng ngày nay, Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù đã có 70 năm 'kinh nghiệm' là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vẫn muốn tiếp tục duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga, quốc gia có chung đường biên giới hàng hải quan trọng ở Biển Đen.

Có thể nói, cả hai có những khác biệt về chính sách đối ngoại không thể thay đổi, đặc biệt là ở Trung Đông thời kỳ hậu Mùa xuân Ả Rập. Ví dụ ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các nhóm vũ trang chống Assad, trong khi Nga ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Hai nước cũng ủng hộ các lực lượng đối lập hoàn toàn ở Libya bị chiến tranh tàn phá.

Mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga chạm đáy vào cuối năm 2015, khi một chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga gần biên giới căng thẳng của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria. Nhưng mối quan hệ nhanh chóng được phục hồi vào năm sau, đặc biệt là sau một cuộc đảo chính thất bại nhằm vào chính phủ của ông Erdogan, mà Ankara đã đổ lỗi cho ông Fetullah Gulen, một nhà thuyết giáo người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Mỹ.

Việc Washington từ chối dẫn độ ông Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã dẫn đến sự rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ và đồng thời cải thiện mối quan hệ của Ankara với Moscow.

Tiến sĩ Ilhan Uzgel, một nhà phân tích chính trị nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ, nói với The Epoch Times: “Bởi vì ông Gulen sống ở Mỹ, nên Thổ Nhĩ Kỳ đã ngầm cáo buộc Washington ủng hộ âm mưu đảo chính”.

“Chính điều này đã khiến Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền của ông [Erdogan] liên minh với các thành phần theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa Eurasianist, những người ủng hộ quan hệ chặt chẽ hơn với Nga, Trung Quốc và Iran”, ông Uzgel, cựu giáo sư về quan hệ quốc tế, nói thêm. “Sự kết hợp giữa các yếu tố bên ngoài và trong nước đã thúc đẩy Ankara 'nghiêng về phía Moscow".

Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tiên tiến từ Nga. Động thái này đã khiến các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ tức giận và cuối cùng dẫn đến việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt hạn chế lên chính Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu trước hai phái đoàn Nga và Ukraine trước đàm phán tại Istanbul hôm 29/3. Ảnh: Getty Images.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu trước hai phái đoàn Nga và Ukraine trước đàm phán tại Istanbul hôm 29/3. (Ảnh: Getty Images)

Khi giải thích cách tiếp cận chiết trung của Ankara đối với Moscow, ông Akinci nhấn mạnh rằng, ít nhất là đối với Trung Đông, những điểm khác biệt giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ “thực sự sâu sắc hơn” so với Nga.

Ông nói: “Ví dụ, các đồng minh Mỹ của chúng tôi đã nuôi dưỡng và tiếp tục ủng hộ một tổ chức chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ".

Ở đây, ông đề cập đến Đảng Công nhân Kurdistan (PKK), chi nhánh của Syria mà Mỹ đã hậu thuẫn trong cuộc chiến chống lại Assad, nhưng bị Ankara coi là một nhóm khủng bố. “Trong trường hợp này, chính sách của Mỹ thực sự gây nguy hiểm cho Thổ Nhĩ Kỳ hơn bất cứ điều gì mà người Nga đang làm”, ông Akinci khẳng định.

Ông nói thêm: “Mọi bang đều có những điểm khác biệt với Nga và mọi bang đều có những lợi ích chung với Nga. Trong một số lĩnh vực, Mỹ và Nga khá hòa thuận với nhau; còn những người khác thì không. Địa chính trị không bao giờ có màu đen và trắng".

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Vị thế trung lập độc nhất của Thổ Nhĩ Kỳ giữa NATO và Nga