WHO: thêm bằng chứng cho thấy Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn các biến thể trước đó

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có thêm bằng chứng về việc Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn và không có khả năng gây viêm phổi nặng so với các biến chủng trước đó.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến chủng Omicron chỉ ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể trước đó, gây ra "sự tách biệt" ở một số nơi giữa số các ca bệnh tăng cao và tỷ lệ tử vong thấp, một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hôm thứ Ba.

Biến chủng mới Omicron chỉ ảnh hưởng đế đường hô hấp trên

“Chúng ta đang thấy ​​ngày càng nhiều nghiên cứu chứng minh rằng biến chủng Omicron chỉ ảnh hưởng đến đường hô hấp trên và không có khả năng gây viêm phổi nặng giống như các biến chủng khác”, ông Abdi Mahamud - quản lý sự cố của WHO - nói với báo giới vào ngày 4/1, theo Reuters.

Vị chuyên gia cho rằng đây có thể là “tin tốt”. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng khả năng lây nhiễm cao của Omicron có thể khiến biến chủng này thống trị ở nhiều nơi trong vòng vài tuần, gây ra mối đe dọa cho những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Tổ chức Y tế thế giới WHO (Ảnh sưu tầm)

Kể từ khi biến thể đột biến này lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 11/2021, dữ liệu của WHO cho thấy nó đã lan truyền nhanh chóng và xuất hiện trên ít nhất 128 quốc gia, khiến cho nhiều quốc gia rơi vào khốn đốn. Các quốc gia này đang tìm cách khởi động lại nền kinh tế và cuộc sống của họ sau gần hai năm gián đoạn liên quan đến COVID.

Tuy nhiên, trong khi số ca nhiễm tăng kỷ lục mọi thời đại, tỷ lệ nhập viện và tử vong lại thấp hơn nhiều so với các giai đoạn khác của đại dịch.

Nhận xét của chuyên gia WHO về nguy cơ gây bệnh nặng tương đối thấp của biến chủng Omicron phù hợp với các kết quả nghiên cứu khác, trong đó có một nghiên cứu từ các nhà khoa học Nam Phi; một trong những quốc gia đầu tiên phát hiện biến chủng này.

Tuy nhiên, ông Mahamud cũng thận trọng lưu ý rằng Nam Phi là một “ngoại lệ” vì quốc gia này có dân số trẻ và nhiều yếu tố khác.

Ông cũng cảnh báo rằng khả năng lây nhiễm của Omicron rất cao. Điều này có nghĩa là nó sẽ trở nên thành chủng trội ở nhiều nơi trong vài tuần tới, gây ra mối đe dọa đối với hệ thống y tế ở các quốc gia nơi phần lớn người dân chưa được tiêm chủng.

Thách thức lớn nhất là vấn đề tiêm chủng, không phải vaccine

"Thách thức không phải vấn đề vaccine mà là tiêm chủng và tiếp cận những nhóm dân cư dễ bị tổn thương."

Khi được hỏi về việc liệu có cần một loại vaccine đặc hiệu để đối phó với Omicron hay không, ông Mahamud cho biết vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận.

Khi số ca do Omicron tăng vọt, một số quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã giảm thời gian cách ly và cho phép những người không có triệu chứng trở lại làm việc hoặc đi học. (Ảnh Getty Images)

Ông nói, cách tốt nhất để giảm sự lây lan của biến thể là đáp ứng mục tiêu của WHO, tiêm chủng cho 70% dân số ở mỗi quốc gia, thay vì tiêm tăng cường mũi thứ ba và thứ tư ở một số quốc gia.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng vấn đề này cần có sự thống nhất trên quy mô toàn cầu và không nên để các công ty tự quyết định.

Khi số ca do Omicron tăng vọt, một số quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã giảm thời gian cách ly và cho phép những người không có triệu chứng trở lại làm việc hoặc đi học.

Ông Mahamud nói rằng các nhà lãnh đạo nên quyết định dựa trên sức mạnh chống dịch ở địa phương. Các nước phương Tây có số ca nhiễm rất cao có thể cân nhắc giảm thời gian cách ly để đảm bảo vận hành đối với các dịch vụ cơ bản.

Trước đó, hôm 30/12/2021, chính phủ Nam Phi tuyên bố quốc gia này đã vượt qua đỉnh dịch trong làn sóng COVID-19 thứ tư, gây ra bởi biến chủng Omicron. Số ca mắc COVID-19 mới tại Nam Phi đã giảm liên tục trong hai tuần.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

WHO: thêm bằng chứng cho thấy Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn các biến thể trước đó