Thủ tướng Anh Johnson đề xuất kế hoạch sáu điểm để đánh bại Putin

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Vương Quốc Anh Boris Johnson cho biết, các nhà lãnh đạo thế giới phải có những nỗ lực mới để đảm bảo đánh bại cuộc xâm lược "khủng khiếp" của Nga vào Ukraine.

Viết trên tờ New York Times, Thủ tướng Anh nói "không phải các nhà sử học tương lai, mà chính người dân Ukraine sẽ là người phán xét chúng ta".

Ông Johnson đã đề ra một kế hoạch gồm 6 điểm, bao gồm tăng cường nhanh chóng hệ thống phòng thủ ở các nước NATO.

Nhưng Công đảng Anh chỉ trích Thủ tướng vì đã phản ứng quá chậm trước các lệnh trừng phạt.

Trước một loạt cuộc gặp với các nhà lãnh đạo quốc tế, Thủ tướng Anh nói: “Putin phải thất bại và phải được nhìn nhận là thất bại trong hành động xâm lược này".

"Việc bày tỏ sự ủng hộ của chúng ta đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là chưa đủ - chúng ta phải bảo vệ nó trước nỗ lực liên tục nhằm viết lại các quy tắc của lực lượng quân sự".

Cuộc xâm lược đã bị lên án bởi 141 quốc gia tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Đồng thời, 39 quốc gia, do Vương quốc Anh phối hợp đã đưa cáo buộc lớn nhất từ ​​trước đến nay về tội ác chiến tranh của Putin lên Tòa án Hình sự Quốc tế.

Ông Johnson chuẩn bị kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện một "nỗ lực đổi mới và phối hợp" để ngăn chặn Tổng thống Nga Vladimir Putin, Downing Street cho biết.

Dưới đây là kế hoạch sáu điểm của Thủ tướng Anh:

Các nhà lãnh đạo thế giới cần huy động một "liên minh nhân đạo quốc tế" cho Ukraine

Cần hỗ trợ Ukraine "trong nỗ lực cung cấp khả năng tự vệ của chính mình"

Tăng cường áp lực kinh tế đối với Nga

Cộng đồng quốc tế phải chống lại sự "bình thường hóa đáng sợ" của Nga đối với các hành động của họ ở Ukraine

Cần tiếp tục theo đuổi các giải pháp ngoại giao về cuộc chiến, nhưng chỉ với sự tham gia đầy đủ của chính phủ hợp pháp Ukraine

Các nước Nato cần có một "chiến dịch nhanh chóng để tăng cường an ninh và khả năng phục hồi"

Thứ Hai (7/3), Thủ tướng sẽ đưa ra thông điệp của mình tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte do ông tổ chức tại Downing Street.

Thứ Ba (8/3), ông sẽ tiếp các nhà lãnh đạo của Nhóm V4 của các quốc gia Trung Âu: Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia.

Downing Street cho biết, các quốc gia này đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Trong 10 ngày của cuộc chiến, họ đã tiếp nhận 1,4 triệu người dân Ukraine tỵ nạn sang các quốc gia của họ".

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cảnh báo ông Putin không nên "thử thách" Vương quốc Anh.

Trong một cuộc phỏng vấn với Sunday Telegraph, ông Wallace nói: "Lịch sử từng có các nhà lãnh đạo độc tài đánh giá thấp thế giới phương Tây và Vương quốc Anh. Ông ta rõ ràng đã coi thường cộng đồng quốc tế”.

Ông cũng nói thêm: "Nếu phương Tây đoàn kết lại và ngăn chặn sự đe dọa thì tôi tin rằng Putin sẽ thất bại".

David Lammy, Ngoại trưởng bóng tối Anh cho biết, Công đảng Anh hoàn toàn ủng hộ việc Vương quốc Anh tham gia các nỗ lực quốc tế để giúp Ukraine. Tuy nhiên, ông kêu gọi chính phủ tăng tốc động thái trừng phạt các nhà tài phiệt và chính trị gia liên đới với Điện Kremlin.

Ông Lammy nói: "Không thể bào chữa được rằng chúng ta đã tụt hậu so với EU và Mỹ về số lượng cá nhân và thực thể bị trừng phạt. Các bộ trưởng phải hành động quyết liệt hơn để chống lại tay chân của Putin trong những ngày tới, chứ không phải trong những tháng tới".

Lãnh đạo Công đảng Sir Keir Starmer đang kêu gọi chính phủ làm việc với ông về luật mới để ngăn chặn các nhà tài phiệt Nga và giới tinh hoa Nga nói chung lợi dụng tòa án để tránh bị chỉ trích hoặc trừng phạt.

Ông muốn đưa ra dự luật để ngăn chặn cái gọi là các vụ kiện chiến lược chống lại sự tham gia của cộng luận - những thách thức pháp lý nhằm tiêu hao nguồn lực của đối thủ hoặc đe dọa họ không được kiện tòa - mà theo Sir Keir, chúng có thể được sử dụng để có thêm thời gian thực hiện việc chuyển tiền của các nhà tài phiệt ra ngoài tầm kiểm soát và tránh bị trừng phạt.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết, bà đã nhận được thư từ các luật sư đại diện cho những người bị Anh trừng phạt đe dọa thách thức pháp lý, trong khi Bộ trưởng Tư pháp Dominic Raab gọi những trường hợp như vậy là "sự lạm dụng hệ thống của chúng ta" và hứa sẽ giải quyết chúng.

Nó diễn ra khi chính phủ cho biết họ muốn thay đổi luật để dễ dàng đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại các nhà tài phiệt Nga, sau những lời chỉ trích Anh hành động quá chậm chạp.

Tóm tắt tình hình chiến sự ngày thứ 11:

Các lực lượng Nga vừa đánh bom vào "các khu vực đông dân cư" ở một số thành phố để đáp trả sự kháng cự của Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, đồng thời cho rằng vụ đánh bom này gợi lại các chiến thuật được sử dụng ở Chechnya và Syria. Nó dường như được thiết kế để "phá vỡ tinh thần của người Ukraine".

Tổng thống Ukraine Zelensky đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Biden cho biết, Quốc hội Mỹ đang làm việc để đảm bảobổ sung viện trợ tài chính cho Ukraine.

Mỹ cũng đang làm việc với Ba Lan về một thỏa thuận khả thi để trao máy bay chiến đấu của Ba Lan cho Ukraine.

Các công ty thanh toán khổng lồ Mastercard và Visa cho biết họ đang tạm ngừng hoạt động ở Nga.

Kế hoạch sơ tán người dân Mariupol bị hủy bỏ khi Nga phá vỡ lệnh ngừng bắn và tiếp tục pháo kích vào thành phố quan trọng phía Nam này.

Người dân không thể thực hiện cuộc sơ tán, buộc phải quay trở lại nơi trú ẩn của họ. Người dân cũng không thể rời thành phố Volnovakha gần đó.

Các cuộc oanh tạc nặng nề đã được báo cáo ở Irpin - một thị trấn ở ngoại ô phía tây bắc của Kyiv.

Trong khi đó, Vladimir Putin đã cảnh báo phương Tây rằng ông sẽ coi bất kỳ vùng cấm bay nào trên lãnh thổ Ukraine là một hành động tham chiến. Trước lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine về một khu vực cấm bay, các nhà lãnh đạo phương Tây nói rằng họ không muốn làm cho tình hình tồi tệ hơn.

Nguyên Hương

Theo BBC

 



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Anh Johnson đề xuất kế hoạch sáu điểm để đánh bại Putin