Tin xấu cho Nga và Trung Quốc tại thị trường vũ khí châu Á sôi động

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thị trường vũ khí châu Á đang trên đà chuyển đổi lớn. Những khoảng trống do Nga tạo ra mà Trung Quốc không thể lấp đầy đã mở ra cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu vũ khí khác.

Một vài trong số những khách hàng mua vũ khí lớn nhất thế giới là đến từ châu Á. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) xác nhận rằng châu Á (bao gồm cả tiểu lục địa Ấn Độ và châu Đại Dương) vẫn là thị trường vũ khí lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ qua.

Theo báo cáo của SIPRI, châu Á chiếm 43% tổng lượng chuyển giao vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2017-2021, dễ dàng vượt qua Trung Đông (32%) - một thị trường vũ khí lớn khác của thế giới, bỏ xa châu Phi (5,8%) và châu Mỹ (5,5%).

Theo SIPRI, trong giai đoạn 2017-2021, 6 trong số 10 nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất trong khu vực gồm có: Ấn Độ, Trung Quốc, Úc, Pakistan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trên thực tế, chỉ riêng Ấn Độ đã chiếm 11% tổng lượng chuyển giao vũ khí trong giai đoạn này, duy trì vị trí là nước mua vũ khí nhiều nhất thế giới trong vài năm qua.

Các hoạt động mua vũ khí này được kích hoạt bởi xu hướng gia tăng chi tiêu quân sự trong khu vực. Theo SIPRI, chi tiêu quốc phòng ở châu Á và châu Đại Dương vào năm 2021 đã tăng 3,5% so với năm 2020 và cao hơn 59% so với một thập kỷ trước đó. Rõ ràng là rất nhiều tiền đã được dùng để mua vũ khí mới.

Đó đáng ra đều là những tin tốt cho các nhà xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Israel và các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu ở Tây Âu. Ấn Độ mua vũ khí từ Nga, Mỹ và Israel. Hàn Quốc và Nhật Bản là những khách hàng lớn của Mỹ. Đức bán tàu ngầm cho Singapore, trong khi Hàn Quốc bán máy bay chiến đấu cho Indonesia. Đây là một thị trường mở - dù ít hay nhiều - và cơ hội chốt đơn là dành cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên, xu hướng này có thể đang thay đổi và đó không phải là tin tốt cho 2 trong số các nhà xuất khẩu vũ khí lớn của thế giới là Nga và Trung Quốc. Ngược lại, Mỹ có thể gặt hái được nhiều lợi ích.

Hãy nói về Nga. Trước khi xâm lược Ukraine, Nga là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất sang châu Á. Trên thực tế, họ là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Đông Nam Á, chuyển giao lượng vũ khí trị giá 10,9 tỷ USD trong giai đoạn 2000-2021, vượt xa Mỹ (8,4 tỷ USD). Đặc biệt, họ đã bán máy bay phản lực Sukhoi cho Malaysia và Indonesia, cũng như tàu ngầm cho Việt Nam.

Tuy nhiên, vị thế của Nga ở trị trường vũ khí châu Á đang gặp nguy hiểm, vì nhiều quốc gia đã hủy bỏ các hợp đồng mua bán vũ khí với Moscow. Chẳng hạn, cả Ấn Độ và Philippines đều hủy kế hoạch mua máy bay trực thăng của Nga, trong khi Indonesia và Malaysia quyết định không mua thêm máy bay chiến đấu của Nga.

Doanh số bán vũ khí của Moscow vốn đã giảm trước cuộc chiến tại Ukraine. Lượng vũ khí mà Nga chuyển giao giảm 26% trong giai đoạn 2017-2021 so với giai đoạn 2012-2016; thị phần của nước này trên thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu giảm từ 24% xuống chỉ còn 19% trong cùng thời kỳ.

Những khách hàng lớn của Nga, đặc biệt là Ấn Độ và Việt Nam, gần đây đã cắt giảm việc mua trang thiết bị từ Moscow. Đồng thời, các nước này bắt đầu đa dạng hóa các nhà cung cấp vũ khí của họ; Ấn Độ và Indonesia tăng cường mua hàng từ Mỹ, trong khi Việt Nam mua từ Israel.

Sự kết hợp giữa các biện pháp trừng phạt (chẳng hạn như chặn các ngân hàng Nga khỏi hệ thống giao dịch quốc tế SWIFT) và chất lượng vũ khí kém đang đặt ra những hạn chế nghiêm trọng trong dài hạn đối với việc xuất khẩu vũ khí của Nga. Moscow có thể sẽ không bao giờ khôi phục được vị thế từng rất vững chắc của họ ở châu Á.

Cùng lúc đó, Trung Quốc lại khó lấp đầy khoảng trống sau sự ra đi (không tự nguyện) của Nga. Bắc Kinh đã đạt được một số thành công trong việc bán vũ khí cho Đông Nam Á, chẳng hạn như tên lửa chống hạm, hệ thống pháo và nhiều bệ phóng tên lửa cho Indonesia, cũng như tàu chiến và tên lửa phòng không cho Malaysia.

Tuy nhiên, các khách hàng lớn mua vũ khí của Nga ở châu Á - Ấn Độ và Việt Nam - sẽ không suy xét việc mua vũ khí của Trung Quốc bởi mối quan hệ đối địch của họ với Bắc Kinh. Các quốc gia như Malaysia hoặc Indonesia có nhiều khả năng chuyển sang Mỹ hoặc Tây Âu để có được các hệ thống vũ khí tiên tiến như máy bay chiến đấu.

Hơn nữa, Trung Quốc vẫn chưa chứng tỏ họ là một nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy. Năm 2017, Thái Lan đã ký với Bắc Kinh một thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD cho 3 tàu ngầm, nhưng thương vụ này đã bị đình trệ bởi Đức từ chối xuất khẩu động cơ diesel dùng cho tàu ngầm. Người Thái cuối cùng có thể chấp nhận các loại động cơ diesel kém chất lượng của Trung Quốc, nhưng thỏa thuận mua bán này đã để lại ấn tượng xấu trong lòng người Thái.

Trung Quốc sẽ tiếp tục phụ thuộc vào một số ít quốc gia - đặc biệt là Pakistan, nước chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc - cho phần lớn doanh thu từ việc bán vũ khí cho châu Á.

Thị trường vũ khí châu Á đang trên đà chuyển đổi lớn. Những khoảng trống do Nga tạo ra đã để lại cơ hội mà các quốc gia sản xuất vũ khí khác có thể lấp đầy. Đặc biệt là ở Đông Nam Á và Nam Á, các công ty quốc phòng Tây Âu, nhà sản xuất vũ khí Israel và thậm chí là các nhà xuất khẩu vũ khí mới nổi như Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ có thể coi đây là thị trường mới cho hàng hóa của họ.

Mỹ đặc biệt hưởng lợi. Cuộc chiến ở Ukraine đã chứng minh tính hiệu quả của các hệ thống vũ khí như vũ khí chống tăng Javelin, tên lửa phòng không Stinger và bệ phóng tên lửa HIMARS. Các đơn đặt hàng những loại vũ khí như vậy có thể tăng vọt. Một thị trường vũ khí châu Á rộng mở hơn, với việc Nga đang dần bị loại khỏi cuộc chơi và Trung Quốc không thể lấp đầy khoảng trống, thì Mỹ sẽ là bên thắng cuộc.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Xuân Hoa

Theo Richard A. Bitzinger - The Epoch Times

Tác giả Richard A. Bitzinger là nhà phân tích độc lập về bảo mật quốc tế. Ông từng là thành viên cấp cao của Chương trình Chuyển đổi Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore; ông cũng từng đảm nhiệm nhiều công việc trong chính phủ Mỹ và tại nhiều tổ chức tư vấn khác nhau. Nghiên cứu của ông tập trung vào các vấn đề an ninh và quốc phòng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc quân sự và các vấn đề về hiện đại hóa quân đội và phổ biến vũ khí trong khu vực.



BÀI CHỌN LỌC

Tin xấu cho Nga và Trung Quốc tại thị trường vũ khí châu Á sôi động