Tổng thống Mỹ chỉ trích Nga, kêu gọi toàn cầu viện trợ cho Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Ba (19/9) đã có bài phát biểu thường niên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, lên án việc Nga xâm chiếm Ukraine và kêu gọi viện trợ quốc tế bổ sung cho Kyiv.

Tuần này, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ quy tụ tại New York để khai mạc phiên họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Tổng thống Biden nói: “Nga tin rằng thế giới sẽ ngày càng mệt mỏi và cho phép nước này tấn công Ukraine một cách tàn bạo mà không bị trừng phạt”.

"Nhưng tôi xin hỏi quý vị điều này: Liệu có quốc gia thành viên nào cảm thấy an tâm nếu chúng ta từ bỏ các nguyên tắc cốt lõi của Hiến chương Liên Hợp Quốc để xoa dịu kẻ xâm lược? Nếu chúng ta cho phép Ukraine bị chia cắt, thì nền độc lập của các quốc gia khác có được đảm bảo hay không?”.

"Câu trả lời là không. Chúng ta phải đáp trả hành vi xâm lược trắng trợn này ngay bây giờ để ngăn cản những kẻ xâm lược trong tương lai”, Tổng thống Biden tuyên bố.

“Đó là lý do tại sao Mỹ, cùng với các đồng minh và đối tác của chúng tôi trên khắp thế giới, sẽ tiếp tục sát cánh cùng những người dân Ukraine dũng cảm để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tự do của mình”, ông tuyên bố. Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thu hút sự tán thưởng từ các nhà lãnh đạo trên thế giới.

Trong khi Tổng thống Biden phát biểu, người ta thấy Đặc phái viên Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya đang kiểm tra điện thoại của mình.

Tổng thống Biden nói tiếp: “Chỉ có Nga là bên cản trở hòa bình bởi cái giá của hòa bình mà Nga phải trả là sự đầu hàng của Ukraine, lãnh thổ của Ukraine và trẻ em của Ukraine”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nằm trong số các nhà lãnh đạo tham dự cuộc họp. Đây là lần xuất hiện trực tiếp đầu tiên của ông tại Liên Hợp Quốc kể từ khi Nga xâm chiếm đất nước của ông.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nằm trong số những nhà lãnh đạo không tham gia cuộc họp năm nay.

Ngoài xung đột ở Ukraine, chương trình nghị sự của Tổng thống Biden trong cuộc họp năm nay còn bao gồm việc tài trợ cho các dự án phát triển ở nước ngoài.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Biden đã kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để làm cho tổ chức này trở nên toàn diện hơn. Ngoài ra, ông ủng hộ những thay đổi tại Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức phát triển đa phương khác để phục vụ tốt hơn nhu cầu cơ sở hạ tầng của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Cùng ngày, Tổng thống Biden dự kiến ​​sẽ gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres để thảo luận về các vấn đề toàn cầu. Ngoài ra, ông sẽ gặp tổng thống của 5 quốc gia Trung Á: Kazakhstan, Cộng hòa Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.

Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết trong cuộc họp báo: Đây sẽ là cái gọi là "Hội nghị thượng đỉnh tổng thống C5+1", nơi Tổng thống Biden và 5 nhà lãnh đạo Trung Á dự định "thảo luận một loạt vấn đề liên quan đến an ninh khu vực, kết nối thương mại, khí hậu và cải cách để cải thiện quản trị và nhà nước pháp quyền”.

Vào thứ Tư (20/9), Tổng thống sẽ gặp Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva. Ông cũng sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lần đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo Israel trở lại nhiệm sở.

Sau khi kết thúc cuộc gặp ở New York, Tổng thống Biden sẽ chào đón ông Zelenskyy tới Nhà Trắng lần thứ ba. Tuần này, Nhà Trắng sẽ công bố một gói viện trợ bổ sung cho Ukraine.

Tuần lễ khó khăn của ông Biden

Cuộc thảo luận với các lãnh đạo nước ngoài diễn ra vào thời điểm khó khăn đối với Tổng thống Biden, cả về mặt cá nhân lẫn chính trị. Hunter Biden, con trai của ông, đã bị truy tố vào tuần trước với ba trọng tội liên quan đến tàng trữ súng trong khi sử dụng ma túy.

Trong khi đó, bản thân Tổng thống phải đối mặt với cuộc điều tra luận tội. Ngày 12/9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy thông báo rằng Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã mở một cuộc điều tra về khả năng ông Biden có liên quan đến các giao dịch kinh doanh của con trai Hunter Biden khi ông giữ chức Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Tuy nhiên, đối với vị Tổng thống Mỹ thứ 46, những thách thức chưa dừng lại ở đó.

Hồi tuần trước, ông David Ignatius, một người phụ trách chuyên mục nổi tiếng của tờ Washington Post và là người ủng hộ nhiệt thành của tổng thống, đã nói rằng ông Biden nên rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024. Mặc dù tôn trọng những thành tựu của tổng thống nhưng ông David Ignatius không khỏi lo ngại về vấn đề tuổi tác của ông chủ Nhà Trắng.

Ông viết: “Tóm lại, ông ấy [Biden] là một Tổng thống thành công và hiệu quả. Tuy nhiên, tôi không cho rằng ông Biden hoặc Phó Tổng thống [Kamala] Harris nên tái tranh cử”.

Tổng thống Biden cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lao động lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông, điều này làm tăng thêm một loạt vấn đề vốn đã khó khăn.

Cuộc đình công của United Auto Workers chống lại ba nhà sản xuất ở Detroit, bắt đầu vào tuần trước, đã bước sang ngày thứ năm. Tuy nhiên hiện có rất ít bằng chứng cho thấy có một giải pháp để giải quyết vấn đề này. Một cuộc đình công kéo dài có thể gây ra những hậu quả kinh tế sâu rộng và là bước thụt lùi nghiêm trọng đối với chiến lược kinh tế “Bidenomics” của tổng thống.

Hơn nữa, tỷ lệ tán thành của tổng thống vẫn ở mức thấp và phần lớn người Mỹ không hài lòng với cách quản lý nền kinh tế của ông.

Tuy nhiên, theo các quan chức Mỹ, những vấn đề này không khiến Tổng thống phải phân tâm.

“Vị tổng thống này đã tập trung vào việc thúc đẩy chương trình nghị sự tích cực của mình”, một quan chức chính quyền cấp cao nói với các phóng viên hôm thứ Hai (18/9).

Quan chức này cho biết, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ "chứng kiến một tầm nhìn mà chúng tôi cho là khá hấp dẫn và một tầm nhìn mà không nhiều quốc gia khác có thể đưa ra".

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Mỹ chỉ trích Nga, kêu gọi toàn cầu viện trợ cho Ukraine