Tổng thống Putin: Quan hệ Mỹ - Nga lâm vào 'khủng hoảng sâu sắc'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Tư (5/4), Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng quan hệ Mỹ - Nga đang lâm vào ‘cuộc khủng hoảng sâu sắc’, trong khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố rằng Moscow hiện đang có ‘cuộc xung đột gay gắt’ với Washington.

Hôm 5/4, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra nhận xét trên tại buổi lễ trình quốc thư của 17 tân Đại sứ nước ngoài tại nước này, trong đó có Đại sứ Mỹ tại Nga Lynne Tracy và Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) Roland Galharague.

Theo ông Putin, việc Hoa Kỳ ủng hộ cuộc cách mạng ở Ukraine vào năm 2014 đã dẫn đến cuộc xung đột hiện tại giữa Nga và Ukraine.

Ông nói rằng quan hệ Moscow – Washington đang lâm vào “khủng hoảng sâu sắc”, do hai bên có “những cách tiếp cận khác nhau về cơ bản đối với việc hình thành trật tự thế giới hiện đại”.

“Thưa bà Đại sứ [Lynne Tracy], tôi biết bà có thể không đồng ý, nhưng tôi không thể không nói rằng việc Mỹ đã sử dụng các công cụ như hỗ trợ cái gọi là cuộc ‘cách mạng màu’ trong chính sách đối ngoại của mình; hỗ trợ cuộc đảo chính tại Kyiv vào năm 2014; cuối cùng đã dẫn đến cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay và góp phần tiêu cực vào sự xuống cấp của quan hệ Mỹ - Nga”, Tổng thống Putin nói.

Ông Putin đang đề cập đến “Cuộc nổi dậy Euromaidan” - một cuộc đảo chính vũ trang vào tháng 2/2014.

“Cuộc nổi dậy Euromaidan” là một làn sóng biểu tình và bất tuân dân sự và bùng nổ từ ngày 21/11/2013 tại Quảng trường Độc Lập (Maidan Nezalezhnosti), thủ đô Kyiv, Ukraine.

Trong cuộc cách mạng này, các phe phái chống Nga và thân EU đã lật đổ chính phủ của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych. Chính quyền này vốn không chống Nga và đã từ chối ký kết Hiệp định liên kết EU - Ukraire để quay sang chọn thân với Nga và Liên minh Kinh tế Á - Âu (do Nga kiểm soát).

Những người biểu tình chống chính phủ bảo vệ Quảng trường Độc lập, được gọi là Maidan, ở Kiyv, Ukraine, vào ngày 19/2/2014. (Ảnh: Brendan Hoffman/Getty Images)

Đáp lại, vào tháng 3/2014, đại đa số người dân ở Bán đảo Crimea đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý để thống nhất với Nga và ly khai khỏi Ukraine. Hoa Kỳ và EU đều lên án và chế nhạo cuộc trưng cầu dân ý là "phi pháp và không chính đáng". Sau đó, Nga đã sáp nhập Bán đảo Crimea từ Ukraine.

Cả hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở khu vực Donbass cũng tuyên bố độc lập khỏi Ukraine vào tháng 4/2014 để đáp trả cuộc đảo chính hồi tháng 2/2014. Ngay sau khi ly khai, Ukraine đã triển khai quân đội để chiến đấu với quân nổi dậy ở vùng Donbass. Hơn 10.000 thường dân đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Ukraine cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho sự leo thang của cuộc xung đột, nhưng Moscow đã phủ nhận mọi liên quan.

Trong bài phát biểu với bà Tracy hôm 5/4, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng: “Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, vốn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và ổn định toàn cầu, đang rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc”.

Cũng trong lễ tiếp nhận thư ủy nhiệm hôm 5/4, Tổng thống Putin cũng nói điều tương tự với tân Đại sứ EU Roland Galharague rằng, "Liên minh châu Âu đã khởi xướng một cuộc đối đầu địa chính trị với Nga".

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ra hiệu trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Hoa Kỳ về căng thẳng leo thang xung quanh Ukraine, tại Geneva, Thụy Sĩ, hôm 10/1/2022. (Ảnh: Eloi Rouyer/AFP/Getty Images)

Cùng ngày, phát biểu trên đài phát thanh Sputnik, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Ryabkov cho hay, ông tin rằng Moscow và Washington đã qua thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hãng thông tấn TASS của nhà nước Nga đưa tin.

Ông Ryabkov nói thêm: “Bây giờ Nga và Mỹ đang trong giai đoạn xung đột gay gắt với nhau. Chúng ta đang chứng kiến sự can dự trực tiếp của Mỹ vào một cuộc chiến hỗn hợp với Nga trên nhiều mặt trận”.

Ông Ryabkov cho biết, các đối thủ của Nga đang "đùa với lửa theo đúng nghĩa đen".

Ông nói: “Họ nên nhận thức rõ về hậu quả của bất kỳ hành vi xâm phạm nào đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như tư cách nhà nước của chúng tôi”.

"Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, chúng tôi sẽ không ngại dùng đến mọi biện pháp và sử dụng mọi phương tiện sẵn có để tự vệ và đảm bảo chủ quyền của chúng tôi".

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga cho hay, cuộc đối thoại gần đây về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân là một "vấn đề khá kịch tính", đồng thời nói thêm rằng Nga đã nhiều lần tuyên bố về việc "không ai có thể thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và điều này không bao giờ được phép xảy ra”.

“Nhưng cách mà các đối thủ người Mỹ đang leo thang căng thẳng một cách liều lĩnh, khiêu khích và ở nhiều khía cạnh là vô cùng bất cẩn; cách họ mù quáng theo đuổi về khả năng gây thất bại chiến lược cho nước Nga khiến người ta nghi ngờ về năng lực trí tuệ và nhận thức chung của họ".

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tham dự một cuộc họp tại Moscow, Nga, hôm 30/3/2023. (Ảnh: Maxim Shipenkov/Pool/AFP/Getty Images)

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow cần duy trì quan hệ với Washington mặc dù việc Mỹ viện trợ vũ khí cho Ukraine đồng nghĩa với việc “chúng ta đang thực sự ở trong giai đoạn nóng của cuộc chiến".

Quan chức này cũng nói với truyền hình nhà nước rằng Nga vẫn chưa hết hy vọng Mỹ "sẽ tỉnh táo lại và nối lại một số hình thức đối thoại".

Ông Nikolai Patrushev, một đồng minh thân cận của ông Putin, chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nói với hãng thông tấn TASS rằng: "Kyiv đang tăng cường hoạt động khủng bố với sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh" ở 4 khu vực của Ukraine mà Moscow chính thức sáp nhập vào năm ngoái.

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Nikolai Patrushev tham dự cuộc họp mở rộng của Ban Giám đốc Bộ Quốc phòng Nga tại Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng ở Moscow vào ngày 21/12/2022. (Ảnh: Sergey Fadeichev/Sputnik/AFP/Getty Images)

Nga bấy lâu này vẫn luôn tuyên bố rằng họ buộc phải triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine để ngăn chặn sự can thiệp của phương Tây. Đây đang trở thành mối đe dọa đối với an ninh của nước này.

Ông Putin cũng hối thúc Đan Mạch ủng hộ đề xuất của Nga về việc thành lập một ủy ban quốc tế độc lập để điều tra vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream hồi tháng 9/2022. Đường ống này là huyết mạch trong việc vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức.

"Nga luôn sẵn sàng hợp tác mang tính xây dựng với tất cả các quốc gia và không có ngoại lệ. Chúng tôi sẽ không tự cô lập mình khỏi bất kỳ ai, đồng thời chúng tôi cũng không có ý định thiên vị và thậm chí thù địch hơn đối với bất kỳ ai”.

Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây vốn đã căng thẳng trước khi nước này bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào tháng 2/2022, nay đã trở nên ngày càng trầm trọng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã viện dẫn các phần tử “tân Quốc Xã” của tiểu đoàn Azov khi biện minh về việc xâm lược Ukraine, đồng thời kêu gọi “phi phát xít hóa” khu vực.

Tiểu đoàn Azov bắt đầu hoạt động vào năm 2014 với tư cách là một tổ chức bán quân sự tình nguyện trong Chiến Tranh Donbass ở miền đông Ukraine giữa các lực lượng ly khai thân Nga và quân đội Ukraine, sau khi chính phủ Ukraine thân Nga bị lật đổ trong cuộc cách mạng năm 2014.

Tiểu đoàn này sau đó được chính thức được hợp nhất thành một trung đoàn trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, nhưng vẫn luôn có tranh cãi xung quanh các mối liên hệ tân Quốc Xã của nhóm này và việc sử dụng biểu tượng Wolfsangel. Biểu tượng này vốn cũng được lực lượng Đức Quốc Xã ở Đức sử dụng trong thời Thế chiến II. Đáp lại, Tiểu đoàn Azov phủ nhận việc họ là lực lượng phát xít.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Putin: Quan hệ Mỹ - Nga lâm vào 'khủng hoảng sâu sắc'