Triều Tiên phản hồi về vụ lính Mỹ vượt biên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lầu Năm Góc cho biết Triều Tiên đã phản hồi với Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc về vụ lính Mỹ vượt biên trái phép từ Hàn Quốc sang nước này.

Hôm 18/7, Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc, cơ quan giám sát Khu phi quân sự (DMZ) do Mỹ điều hành, thừa nhận rằng một công dân Mỹ đã có chuyến tham quan làng đình chiến Panmunjom ở biên giới Triều Tiên trước khi băng qua Triều Tiên mà không có sự cho phép chính thức.

Các quan chức Mỹ cho biết người lính, được xác định là binh nhì Travis King, 23 tuổi. Vào ngày 18/7, khi đang trong chuyến thị sát Khu vực An ninh Chung ở thị trấn Panmunjom, anh bất ngờ lao về biên giới Triều Tiên.

Chuẩn tướng Patrick Ryder, một quan chức Lầu Năm Góc, cho biết: “Tôi có thể xác nhận Triều Tiên đã phản hồi Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc, nhưng tôi chưa thấy có tiến triển đáng kể nào để công bố".

Khi được hỏi về phản ứng của Triều Tiên, Chuẩn tướng Ryder cho biết phản hồi từ Triều Tiên chỉ là "sự thừa nhận" về cuộc điều tra của Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc liên quan đến người lính.

"Theo tôi hiểu, việc chuyển giao thông tin ban đầu về cơ bản là sự thừa nhận từ chính phủ Triều Tiên rằng 'vâng, chúng tôi đã nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của các ông", ông nói tiếp.

King là trinh sát kỵ binh của Sư đoàn Thiết giáp số 1, người đã ở tù gần hai tháng ở Hàn Quốc vì tội hành hung. King được trả tự do vào ngày 10/7 sau thời gian thụ án. Anh được đưa về nhà ở Fort Bliss, tiểu bang Texas, vào ngày 17/7. Tại đây, anh có thể phải đối mặt với các hình thức kỷ luật quân sự bổ sung và giải ngũ.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, King đã "cố ý và không được phép" vượt qua giới tuyến quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên.

Binh sĩ này được cho là đang nằm trong tay Triều Tiên. Các quan chức Mỹ đang xem xét sự kiện này và “làm việc để thông báo cho thân nhân của người lính, cũng như hỗ trợ giải quyết vụ việc này", ông nói thêm.

Tuy nhiên, chị gái của Pvt. King, cô Jaqueda Gates, nói với đài CNN rằng cô không tin rằng anh trai mình sẽ đào ngũ khỏi quân đội Hoa Kỳ và khẳng định rằng anh trai cô "không phải là loại người sẽ đào tẩu".

“Vì vậy, đó là lý do tại sao tôi cảm thấy câu chuyện còn sâu xa hơn thế", cô Gates nói với hãng tin này vào ngày 3/8. “Tôi không tin rằng [anh ấy] đào tẩu và bỏ trốn".

Trường hợp người Mỹ hoặc người Hàn Quốc đào tẩu sang Triều Tiên là rất hiếm hoi, tuy nhiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, hơn 30.000 người Triều Tiên đã chạy sang Hàn Quốc để tránh áp bức chính trị và khó khăn kinh tế.

Hôm 19/7, Đại tá Isaac Taylor, phát ngôn viên của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, cơ quan giám sát khoảng 28.500 quân nhân Mỹ, cho biết khi đang tham quan Khu vực An ninh chung (JSA) giữa hai quốc gia trên Bán đảo Triều Tiên, thì King đã vượt qua ranh giới quân sự để vào Triều Tiên.

Trao đổi với đài CBS News, một người nói rằng mình đã chứng kiến sự kiện và là thành viên cùng một nhóm du lịch với Travis King cho biết, khi đoàn tham quan đến một trong những tòa nhà tại JSA thì King hét lớn 'ha ha ha' và chạy vào giữa một số tòa nhà".

“Ban đầu tôi nghĩ đó là một trò đùa quá khích, nhưng khi anh ấy không quay lại, tôi nhận ra đó không phải là một trò đùa, rồi mọi người hoảng sợ và mọi thứ trở nên điên rồ", nhân chứng nọ nói thêm.

Panmunjom, nằm bên trong Khu phi quân sự dài 248 km (154 dặm), đã được Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc và Triều Tiên cùng giám sát kể từ khi được thành lập vào cuối Chiến tranh Triều Tiên. Nơi này đôi khi chứng kiến những vụ việc đổ máu, nhưng đây cũng là một địa điểm cho hoạt động ngoại giao và du lịch.

Được biết đến với những túp lều màu xanh nép mình giữa các tấm bê tông tạo thành đường phân định, Panmunjom thu hút du khách từ cả hai phía mong muốn nhìn thấy biên giới cuối cùng của Chiến tranh Lạnh. Không có dân thường sinh sống tại Panmunjom. Trong quá khứ, các binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên từng đụng độ nhau và chỉ cách nhau vài mét.

Các tour du lịch đến phía nam của ngôi làng được cho là đã thu hút khoảng 100.000 du khách mỗi năm trước đại dịch Covid-19, khi Hàn Quốc hạn chế các cuộc tụ họp để làm chậm sự lây lan của COVID-19. Các tour du lịch được nối lại hoàn toàn vào năm ngoái.

Trong những năm gần đây, một số thường dân Mỹ đã bị bắt ở Triều Tiên vì cáo buộc hoạt động gián điệp, lật đổ và các hành vi chống nhà nước, nhưng đã được thả sau khi Mỹ cử các phái bộ cấp cao đến để đảm bảo tự do cho họ.

Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các nước khác đã cáo buộc Triều Tiên sử dụng tù nhân nước ngoài để đạt được những nhượng bộ ngoại giao. Sau khi được trả tự do, một số người nước ngoài cho biết họ đã bị ép buộc nhận tội khi bị giam cầm ở Triều Tiên.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Triều Tiên phản hồi về vụ lính Mỹ vượt biên