Trung Quốc đang lo lắng dõi theo một quốc gia Mỹ Latinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu chỉ nhìn nhận thoáng qua, Peru và Trung Quốc, cách nhau 11.000 dặm (17.700 km), dường như có rất ít điểm chung. Tuy nhiên, hai quốc gia này lại có lịch sử vô cùng gần gũi.

Như học giả Justina Hwang từng thống kê, trong vòng 25 năm, từ 1849 đến 1874, hơn 100.000 lao động phổ thông, nhiều người trong số họ đến từ Trung Quốc, đã tới Peru. Khi đó, Peru vừa mới bãi bỏ chế độ nô lệ và rơi vào tình trạng thiếu lao động. Điều này tạo thuận lợi cho việc “đưa lực lượng lao động hợp đồng Trung Quốc [vào Peru] để đáp ứng nhu cầu về lao động của Peru”, học giả Hwang viết.

Tua nhanh đến năm 2022, Peru là nơi sinh sống của khoảng 60.000 người Trung Quốc. Một số nhà nghiên cứu cho rằng con số thực tế cao hơn rất nhiều, có thể vượt quá 1 triệu người. Nếu chính xác, điều đó có nghĩa là cứ 33 người Peru thì có 1 người gốc Hoa. Bên cạnh việc có mối quan hệ chặt chẽ về lịch sử và nhân khẩu học, Trung Quốc và Peru cũng có mối liên hệ kinh tế vô cùng bền chặt. Tuy nhiên, khi Peru đang lún sâu hơn vào khủng hoảng, mối quan hệ giữa nước này với Trung Quốc đang bị thử thách.

Ngày 14/12, quốc gia Nam Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Động thái này được đưa ra sau một tuần biểu tình bạo lực, như Reuters đưa tin, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng. Các sĩ quan cảnh sát được trao quyền hạn đặc biệt và người dân bị hạn chế tụ tập trên đường phố.

Các cuộc biểu tình nổ ra ngay sau khi cựu Tổng thống Pedro Castillo bị bãi nhiệm và bị bắt vì tìm cách giải tán Quốc hội một cách vi hiến. Thế giới đã nín thở theo dõi những căng thẳng bùng phát tại Peru. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng đặc biệt lo lắng trước những diễn biến tại đất nước vùng Andes này.

Trung Quốc đang lo lắng dõi theo một quốc gia Mỹ Latinh
Những người ủng hộ Tổng thống bị bãi nhiệm Pedro Castillo tham gia một cuộc biểu tình tại Plaza de Armas ở Cusco, Peru, ngày 20/12/2022. (Ảnh: Martin Bernetti/AFP qua Getty Images)

Tháng 07/2021, trong tuần đầu tiên nhậm chức, ông Castillo ngay lập tức tiếp cận Trung Quốc - đối tác thương mại trọng yếu của Peru. Là quê hương của một vài trong số những mỏ đồng lớn nhất thế giới, Peru xuất khẩu lượng lớn loại khoáng sản này sang Trung Quốc. Trên thực tế, cho đến nay, Trung Quốc là khách hàng mua đồng lớn nhất của Peru. ĐCSTQ không chỉ thu mua lượng đồng khổng lồ từ Peru mà còn gửi những người thợ mỏ đến đây để khai thác loại kim loại có giá trị này. Đây là chuyện đã diễn ra trong nhiều năm.

Một số tập đoàn do Trung Quốc hậu thuẫn đang sở hữu các mỏ đồng của Peru. Đáng lo ngại là, được hỗ trợ bởi một chế độ thân Trung Quốc, họ dường như đang áp dụng nhiều phương thức bóc lột và hưởng lợi từ chúng. Trong hơn một năm rưỡi qua, Trung Quốc chắc chắn đã nhận về nhiều lợi ích từ nhiệm kỳ tổng thống của ông Castillo. Ông Castillo và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thiện cảm với nhau. Sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Castillo đã chọn Bắc Kinh là đại sứ quán đầu tiên để đến thăm. Ông được ông Tập chào đón với vòng tay rộng mở.

Tuy nhiên, khoảng 18 tháng sau, tình bạn giữa họ đang bị thử thách. Ông Castillo không còn nắm quyền. Một cảnh sát trưởng mới đã đến thị trấn [Peru có Tổng thống mới]. Tên bà ấy là Dina Boluarte, nữ Tổng thống đầu tiên của Peru. Người phụ nữ 60 tuổi tuyên bố rằng nhiệm vụ đầu tiên của bà sẽ là “chống tham nhũng. Căn bệnh ung thư này phải được loại trừ khỏi đất nước”.

Nếu ĐCSTQ chưa bận tâm đến cam kết của bà Boularte, thì họ nên bắt đầu nghĩ về nó.

Xét cho cùng, những người khai thác gỗ do ĐCSTQ hậu thuẫn đóng vai trò quan trọng trong thị trường gỗ bất hợp pháp của Peru. Để đổi lấy các khoản tiền bí mật, như cây bút Mark Wilson của InSight Crime từng thảo luận rất chi tiết, giới chức Peru đã cấp cho các công ty gỗ Trung Quốc quyền khai thác và giấy phép vận chuyển. Một trong những kẻ hưởng lợi từ các vụ hối lộ là người đàn ông có tên Xiadong Ji Wu, chủ sở hữu người Trung Quốc của ít nhất 5 công ty khai thác gỗ có trụ sở tại Peru. Như cây bút Wilson đã lưu ý, một số “công ty gian lận của Trung Quốc” dường như đang “trực tiếp mua chuộc các quan chức Peru để dọn đường cho buôn bán gỗ bất hợp pháp”.

Là thành viên của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) tai tiếng của Trung Quốc kể từ năm 2019, Peru đã nhận được nhiều khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD từ Bắc Kinh, chủ yếu ở lĩnh vực khai thác mỏ và năng lượng. Chỉ riêng lĩnh vực khai thác mỏ của Peru, ước tính các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư ít nhất 10,4 tỷ USD.

Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào các khía cạnh khác của xã hội Peru. Một báo cáo gần đây của Freedom House đã chỉ ra cách Bắc Kinh kiểm soát các phương tiện truyền thông Peru, tạo ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn những câu chuyện nào được và không được đề cập đến, cũng như những sự việc nào được phép và không được phép đưa tin. Ngoài ra, đại sứ quán Trung Quốc, đặt tại Lima (thủ đô của Peru), bị cáo buộc đã hành động “hung hăng”, đe dọa những công dân Peru dám nói về Đài Loan với lòng tôn trọng.

Liệu bà Boularte có nắm trong tay những gì cần thiết để tìm ra và giải quyết những thứ mà ĐCSTQ dựa vào để xâm nhập quê hương của bà hay không? Chỉ có thời gian mới có thể trả lời. Rõ ràng là ĐCSTQ đã được hưởng lợi to lớn từ ban lãnh đạo yếu kém ở Peru.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Tác giả John Mac Ghlionn là nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Bài viết của ông được đăng trên nhiều tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US, và những tờ báo uy tín khác. Ông chuyên viết về tâm lý và quan hệ xã hội, rất quan tâm đến các rối loạn chức năng xã hội và thao túng truyền thông.



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đang lo lắng dõi theo một quốc gia Mỹ Latinh