Trung Quốc hoang mang thất vọng trước sự lạnh lùng kỳ lạ của Truyền thông Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào tháng trước, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã mời một số hãng truyền thông lớn của Mỹ tham gia một sự kiện chung, nhưng không có cơ quan nào đưa tin về nó. Điều này khiến truyền thông nhà nước Trung Quốc hoang mang và tức giận.

Ngày 20/12, ông Tần Cương, tân Đại sứ của chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Hoa Kỳ, đã gặp gỡ các tổng biên tập và phóng viên cấp cao của các hãng truyền thông lớn của Mỹ để có một "cuộc trò chuyện thân mật". Cuộc gặp mặt, được tổ chức bởi Diễn đàn Kinh tế Đổi mới Bloomberg, được thực hiện bằng tiếng Anh và đưa tin công khai, theo mô tả tại trang web của Đại sứ quán Trung Quốc.

Không có hãng tin tham gia nào đưa tin về sự kiện này.

Bốn ngày sau sự kiện này, Đại sứ quán đã đăng bản ghi câu hỏi và câu trả lời được đưa ra trong cuộc họp trên trang web của mình. Bảng này không nêu rõ đại diện hãng truyền thông nào đã hỏi câu hỏi nào.

Cuộc phỏng vấn đề cập đến quan hệ Mỹ-Trung, vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, Đài Loan và chính sách ngoại giao “chiến lang” của ĐCSTQ. Các câu trả lời của ông Tần đã đưa ra đường lối tuyên truyền chính thức.

Hai ngày sau, tờ Thời báo Hoàn cầu, phương tiện truyền thông diều hâu của ĐCSTQ đã đăng một đoạn trích dẫn các cư dân mạng Trung Quốc, những người đã chỉ trích “sự im lặng kỳ lạ” của giới truyền thông Mỹ.

Han Peng, phóng viên của đài truyền hình CCTV đã đăng một bài báo của truyền thông nhà nước về sự kiện này trên Weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc, vào ngày 25/12 và chỉ trích truyền thông Mỹ “bỏ lỡ tin tức quan trọng”.

Chen Kuide, quan sát viên về Trung Quốc và là Tổng biên tập của tạp chí Viễn cảnh Trung Quốc (China in Perspective), một tạp chí trực tuyến tại Hoa Kỳ, cho biết, sự lạnh nhạt của truyền thông Mỹ có liên quan trực tiếp đến quan hệ xấu đi giữa hai nước.

Ông Chen nói với The Epoch Times tiếng Trung: “Nó phản ánh rằng truyền thông Hoa Kỳ không đánh giá cao đại sứ. Nó cũng cho thấy, quan hệ Mỹ-Trung đang bị đóng băng”.

Ông Chen nói rằng, cũng có thể là do các biên tập viên và nhà báo liên quan đánh giá lời của ông Tần đầy sáo rỗng và không đáng tin, nên họ quyết định không đưa tin.

Ông Tần đến Washington vào tháng 7/2020 để thay thế đại sứ tại nhiệm lâu nhất của Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải.

Từ năm 2005 đến 2014, ông Tần là phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Trong 9 năm phục vụ ở vị trí này, ông Tần nổi tiếng với khả năng phản bác sắc bén trước những lời chỉ trích về hành vi của ĐCSTQ. Ông là một trong những người đầu tiên áp áp dụng chính sách ngoại giao “chiến lang” của ĐCSTQ. Ông cũng là người có phong cách hùng biện hung hăng, có khả năng chèo chống hoặc chuyển hướng sự chú ý của công luận khỏi những lời chỉ trích khi cần thiết.

Phong cách này rõ ràng đã được thể hiện trong một cuộc họp Zoom riêng hồi tháng 8 do Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung, một tổ chức tại New York tổ chức nhằm thúc đẩy mối quan hệ thân thiện hơn với Bắc Kinh. Sau khi ông Tần kết thúc bài phát biểu của mình, ông Evan Medeiros, một giáo sư Đại học Georgetown, người từng là Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng về Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ trong chính quyền Obama, đã hỏi ông Tần rằng Washington và Bắc Kinh có thể thực hiện những bước nào để cải thiện mối quan hệ song phương.

Ông Tần khi đó trả lời rằng, Mỹ cần ngừng gia tăng căng thẳng và tạo điều kiện đối thoại. “Nếu chúng ta không thể giải quyết bất đồng, thì nên 'câm mồm', đừng mở miệng”, ông Tần nói, theo một bản tin của National Review trích dẫn một nguồn tin quen thuộc. Sự phản pháo đã gây sốc cho những người tham dự, trong đó có cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, và cựu Thư ký ngân khố Jacob Lew.

Đại sứ quán Trung Quốc sau đó đã đăng bản ghi lại bài phát biểu của ông Tần tại sự kiện này trên trang web của mình, nhưng bỏ qua phần hỏi và trả lời.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc hoang mang thất vọng trước sự lạnh lùng kỳ lạ của Truyền thông Mỹ