Trung Quốc ráo riết gia tăng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương với thỏa thuận xây cảng ở Solomon

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một công ty Trung Quốc do nhà nước hậu thuẫn đã trúng thầu dự án nâng cấp cảng quốc tế ở thủ đô Honiara thuộc Quần đảo Solomon, đánh dấu một thắng lợi quyết định của Bắc Kinh nhằm giành được chỗ đứng chiến lược ở Nam Thái Bình Dương.

Hôm 21/3, chính phủ Quần đảo Solomon thông báo rằng Tập đoàn Xây dựng Công trình Dân dụng Trung Quốc (CCECC) đã được chọn để quản lý một dự án trị giá 170 triệu USD nhằm phát triển một cảng quốc tế ở thủ đô Honiara. Đây cũng là công ty duy nhất tham gia đấu thầu. Dự án do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ và có trị giá lên đến hàng triệu USD.

Sau khi ký một hiệp ước an ninh bí mật với Bắc Kinh vào năm 2022, Quần đảo Solomon đã trở thành tâm điểm của một cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Cả Trung Quốc và Quần đảo Solomon đều phủ nhận rằng hiệp ước sẽ dẫn đến việc thành lập một căn cứ hải quân lâu dài của Trung Quốc, mặc dù các chi tiết của thỏa thuận chưa bao giờ được tiết lộ.

Các dự án cơ sở hạ tầng lớn trên khắp quần đảo Nam Thái Bình Dương đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn tài chính của Trung Quốc, đặc biệt là khi Solomon sắp xây dựng một sân vận động mới cho Thế vận hội Thái Bình Dương ở Honiara.

Theo thông báo về hợp đồng của chính phủ, doanh nghiệp Trung Quốc này cũng giành được hợp đồng trị giá 7 triệu USD vào năm 2020 để phát triển một nhà ga mới tại Sân bay Quốc tế Munda ở tỉnh phía Tây của Quần đảo Solomon.

Chính phủ Trung Quốc đã thành lập công ty này vào những năm 1970 và nó đóng vai trò trọng yếu trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Đây là động lực to lớn giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới.

Tập đoàn Xây dựng Công trình Dân dụng Trung Quốc cũng nắm giữ nhiều hợp đồng cho các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp Châu Phi, Trung Đông và Thái Bình Dương, theo thông tin trên trang web của công ty.

Hợp đồng xây dựng cảng Honiara được công bố cùng ngày Đại sứ Nhà Trắng Kurt Campbell đến thăm Honiara, đánh dấu một phần trong nỗ lực mới nhất của Washington nhằm ngăn chặn sự hiện diện về kinh tế và ngoại giao ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trong cuộc gặp này, ông Campbell đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare, nhân vật đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy Quần đảo Solomon xoay trục về phía Trung Quốc sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Theo hãng tin Reuters, kể từ khi Quần đảo Solomon ký một hiệp ước an ninh với Bắc Kinh vào năm ngoái, Mỹ và các đồng minh của họ, đặc biệt là Úc, New Zealand và Nhật Bản, đã rất lo ngại rằng Trung Quốc có ý định thành lập một căn cứ hải quân trong khu vực.

Ông Mike Qaqara, một quan chức tại Bộ Phát triển Cơ sở hạ tầng Quần đảo Solomon ngày 22/3 cho biết: “Theo hợp đồng, công ty này [CCECC] sẽ nâng cấp cảng quốc tế cũ ở thủ đô Honiara và hai cầu cảng nội địa ở các tỉnh”.

Để xoa dịu những lo ngại của các chính phủ phương Tây, ông Qaqara, đảm bảo với hãng tin Reuters rằng dự án sẽ "không mở rộng". Quần đảo Solomon và Trung Quốc cũng luôn phủ nhận rằng hiệp ước an ninh của họ sẽ cho phép thành lập một căn cứ hải quân.

Phát biểu trước báo giới hôm 22/3, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho biết: “Chính phủ Úc luôn theo dõi sát sao những diễn biến có khả năng ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia. Bộ Phát triển Cơ sở hạ tầng Quần đảo Solomon đã khẳng định rằng họ sẽ không mở rộng cảng lưỡng dụng”.

Tuần này, các phái đoàn từ Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ đến thăm Honiara để tranh giành sức ảnh hưởng tại đảo quốc có vị trí chiến lược ở Thái Bình Dương.

Văn phòng Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare cho biết kể từ khi Solomon xoay trục ngoại giao từ Đài Loan chuyển sang Bắc Kinh vào năm 2019 thì các cơ quan Trung Quốc đã tài trợ cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở quần đảo, hợp tác phát triển giữa hai quốc gia cũng được tăng cường.

Ông Sogavare cũng đã tổ chức một "cuộc đối thoại chiến lược" với ông Kurt Campbell, điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Trong cuộc hội đàm, ông Kurt Campbell đã "nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với một Quần đảo Solomon tự do, cởi mở, an toàn và thịnh vượng", Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Honiara cho biết trong một tuyên bố.

Thỏa thuận tái thiết cảng là một phần của dự án có trị giá 170 triệu USD do ADB tài trợ để nâng cấp đường xá và cầu cảng. Năm 2022, CCECC đã giành được hợp đồng nâng cấp đường bộ.

Thủ tướng Samoa Fiam Naomi Mata'afa là một trong 10 nhà lãnh đạo của các quốc đảo Thái Bình Dương đã từ chối ký hiệp định thương mại và an ninh khu vực với Trung Quốc vào tháng 6/2022. Bà nói với các phóng viên ở Úc rằng: "Đây là một cảng thương mại, nhưng tôi lo ngại là rằng nó có thể biến thành một thứ khác với mục đích kép”.

“Các quốc gia khác cũng có các căn cứ quân sự hoặc căn cứ hải quân trong khu vực”, bà lưu ý.

Ông Peter Connolly, người đang nghiên cứu các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương tại Đại học Quốc gia Úc (ANU), cho biết, các cầu cảng rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế của Quần đảo Solomon nhưng chúng có thể trở thành căn cứ “lưỡng dụng", từ đó cho phép hải quân Trung Quốc tiếp cận khu vực.

“Vấn đề không phải là căn cứ mà là quyền tiếp cận”, ông Connolly cho biết, đề cập đến hiệp ước an ninh giữa Honiara và Bắc Kinh.

Trong một bài viết trên tờ Australian Foreign Affairs vào tháng này, ông Connolly nhấn mạnh rằng, các dự án cơ sở hạ tầng của ADB ở các đảo Thái Bình Dương đã bị chi phối bởi các công ty nhà nước Trung Quốc. Họ cũng chính là bên đã đưa ra giá thầu thấp nhất.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc ráo riết gia tăng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương với thỏa thuận xây cảng ở Solomon