Trước thềm bầu cử Đài Loan, Ngoại trưởng Mỹ gặp Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Sáu (ngày 12/1) trước thềm cuộc bầu cử ở Đài Loan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp ông Lưu Kiến Siêu (Liu Jianchao), Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại Washington. Giới phân tích cho rằng động thái của Mỹ nhằm ngăn cản Bắc Kinh có hành động can thiệp Đài Bắc.

Khi đang trong chuyến công du tới các nước Trung Đông và tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Ngoại trưởng Mỹ đã quay lại Washington một thời gian ngắn để gặp ông Lưu Kiến Siêu. Hai vị này, cùng với các quan chức cấp cao, đã bắt đầu cuộc họp kéo dài một tiếng nhưng không đưa ra tuyên bố gì.

Hai quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ là ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, và ông Mark Lambert, Điều phối viên các vấn đề Trung Quốc của Vụ Đông Á, cũng đã tham dự cuộc họp này.

Một nguồn tin nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng “do những hành động khiêu khích gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông”, phía Mỹ đã trực tiếp tỏ rõ quan điểm về mặt ngoại giao với Bắc Kinh rằng “việc duy trì hòa bình và ổn định của khu vực trước cuộc bầu cử ở Đài Loan” là cực kỳ quan trọng.

Trước thềm bầu cử Đài Loan, Ngoại trưởng Mỹ gặp Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại của Bắc Kinh
Ông Lưu Kiến Siêu (thứ tư từ phải sang), Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Washington vào ngày 12/1/2024. (ROBERTO SCHMIDT/AFP via Getty Images)

Sau đó, ông Blinken đã gặp Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa. Ông Kamikawa nói: “Khi thế giới đạt đến một bước ngoặt, vai trò của liên minh Nhật - Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề chưa bao giờ quan trọng đến vậy”.

Theo ghi chép của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Blinken nói với ông Kamikawa rằng liên minh Mỹ - Nhật “thực sự là nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Bầu cử Đài Loan 2024

Đài Loan tổ chức tổng tuyển cử vào thứ Bảy (ngày 13/1), người chiến thắng sẽ nhậm chức vào ngày 20/5. Giai đoạn chuyển tiếp trong vài tháng qua được coi là giai đoạn nhạy cảm trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Chính phủ Đài Loan cáo buộc Trung Quốc là đã thực hiện một chiến dịch can thiệp chưa từng có vào cuộc bầu cử của quốc đảo này; Bắc Kinh đã sử dụng mọi thủ đoạn, từ hoạt động quân sự đến trừng phạt thương mại để cố gắng gây ảnh hưởng, nhằm mang phiếu bầu về cho ứng cử viên yêu thích của Bắc Kinh.

Hoa Kỳ đã cảnh báo Trung Quốc không nên can thiệp vào cuộc bầu cử dân chủ của Đài Loan và nói rằng Bắc Kinh sẽ trở thành kẻ khiêu khích nếu họ chọn cách đáp trả bằng cách gây áp lực quá mức trên phương diện quân sự.

Mặc dù Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng lại là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan, vì Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn đe dọa rằng không loại trừ việc sử dụng vũ lực để “thống nhất” Đài Loan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel hôm thứ Năm (ngày 11/1) cho biết Hoa Kỳ “hoàn toàn tin tưởng vào tiến trình dân chủ của Đài Loan và tin rằng cử tri Đài Loan có thể quyết định nhà lãnh đạo tiếp theo mà không có sự can thiệp từ bên ngoài”.

Chính quyền ông Biden có kế hoạch cử một phái đoàn “không chính thức” tới Đài Loan sau cuộc bầu cử này, một động thái mà Nhà Trắng đã thông báo trước và cho biết đây là thông lệ.

Tại Quốc hội Hoa Kỳ, sự ủng hộ dành cho Đài Loan đặc biệt mạnh mẽ, với việc Thượng viện nhất trí thông qua nghị quyết hôm thứ Năm (ngày 11/1) nhằm ca ngợi Đài Loan vì đã “làm gương về sự tự trị, không chỉ cho khu vực Thái Bình Dương mà cho cả thế giới”.

Ông Lưu Kiến Siêu là ai?

Ông Lưu Kiến Siêu được coi là ứng cử viên cho chức ngoại trưởng tiếp theo của Trung Quốc.

Ông Lưu Kiến Siêu cũng được cho là người lãnh đạo “Chiến dịch Săn cáo” ở nước ngoài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trước khi đến thăm Vương quốc Anh vào tháng 6 năm ngoái, ông Lưu đã bị các nghị sĩ Anh tẩy chay vì hồ sơ nhân quyền kém.

Các nghị sĩ Anh trích dẫn thông tin từ tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders (Người Bảo vệ Nhân quyền) và cho biết, từ năm 2015 đến năm 2017, ông Lưu đã chỉ đạo hàng nghìn hoạt động “săn cáo” ở quốc tế của ĐCSTQ.

“Săn cáo” là chiến dịch truy lùng và bắt hồi hương trên toàn cầu được thực hiện ngoài vòng pháp luật, dưới sự chỉ đạo và kiểm soát của các quan chức chính phủ Trung Quốc. Các đặc vụ của Bắc Kinh bí mật hành động bất hợp pháp, bao gồm theo dõi, đe dọa và bắt cóc, để ép các cá nhân mà Trung Quốc tuyên bố là tội phạm kinh tế hoặc tội phạm khác phải trở về nước.

VOA từng đưa tin, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray đã giải thích trong một cuộc họp báo về điều gì sẽ xảy ra với các nạn nhân của Chiến dịch Săn cáo khi họ từ chối quay trở lại Trung Quốc: “Người nhà của họ, cả ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, bị đe dọa và cưỡng bức; và những người ở Trung Quốc thậm chí bị bắt để làm đòn bẩy. Đây không phải là những hành động mà chúng ta mong đợi từ một nhà nước chính đáng. Ngược lại, nó giống như thứ mà chúng ta tưởng tượng về một băng đảng tội phạm có tổ chức”.

Ở Trung Quốc, ông Lưu Kiến Siêu là người tích cực thực hiện hệ thống "giam cầm tại nơi được chỉ định" khét tiếng. Kiểu giam cầm này là một "luật lệ đen" do ĐCSTQ đặt ra, vượt trên cơ quan tư pháp và tùy tiện chà đạp nhân quyền.

Hoa Kỳ đã chỉ trích “Chiến dịch Săn cáo” của ĐCSTQ vì sử dụng chiến thuật “đàn áp xuyên quốc gia” nhằm chống lại những người bất đồng chính kiến.

Ông Craig Singleton, một chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Bảo vệ các nền Dân chủ ở Washington, nói với Reuters: “Chính quyền ông Biden nên xem xét lại quan điểm và hậu quả của việc tiếp xúc với một quan chức có liên quan đến Chiến dịch Săn cáo, [vì] nếu không có nguyên nhân gì khác, hành động [gặp mặt] này có thể sẽ làm tổn hại đến cam kết [của Mỹ] trong việc hỗ trợ những người tìm cách thoát khỏi các chính quyền chuyên chế như Trung Quốc".

Hôm thứ Tư (ngày 10/1), Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jon Finer cũng đã gặp ông Lưu Kiến Siêu. Nhà Trắng cho biết hai bên đã thảo luận các vấn đề như nối lại trao đổi quân sự cũng như hợp tác chống sản xuất và buôn bán ma túy bất hợp pháp, v.v. Hai bên cũng thảo luận về các vấn đề an ninh của toàn cầu và khu vực, trong đó có những thách thức ở Trung Đông, cuộc chiến của Nga ở Ukraine và các vấn đề xuyên eo biển Đài Loan. Ông Finer đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations), một tổ chức nghiên cứu ở New York, vào hôm thứ Ba (ngày 9/1), ông Lưu Kiến Siêu nói rằng vấn đề về địa vị của Đài Loan là “lằn ranh đỏ” đối với Bắc Kinh.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trước thềm bầu cử Đài Loan, Ngoại trưởng Mỹ gặp Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại của Bắc Kinh