Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Nga bất ngờ bị cách chức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đô đốc Avakyants không còn giữ chức tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, sau khi lực lượng này tiến hành đợt kiểm tra đột xuất theo lệnh ông Putin.

Đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Yury Trutnev, cho biết rằng Đô đốc Sergei Avakyants, 65 tuổi, đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu một nhóm phụ trách huấn luyện quân sự và giáo dục lòng yêu nước, theo hãng tin Kommersant.

Theo hãng thông tấn nhà nước Tass, các trung tâm giáo dục lòng yêu nước đã được thành lập tại 12 khu vực, trong đó có vùng Donetsk miền đông Ukraine. Các trung tâm dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 5 và sẽ có ít nhất 9.000 học viên trong độ tuổi 14-35 tham gia.

Ông Avakyants được bổ nhiệm làm tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương vào tháng 5/2012 và được thăng hàm đô đốc năm 2014. Giới chức Nga không nêu rõ lý do điều chuyển công tác ông Avakyants và ai sẽ là người thay ông chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương.

Ảnh chân dung của Sergei Avakyants trong bộ quân phục. (Ảnh: Mil.ru)

Thông tin về việc Avakyants mất chức được đưa ra một tuần sau khi Nga quyết định tiến hành các vụ phóng tên lửa và phóng ngư lôi như một phần của "cuộc kiểm tra bất ngờ" đối với Hạm đội Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết trên truyền hình nhà nước vào ngày 14/4 rằng mục tiêu của cuộc tập trận "là tăng cường khả năng của Lực lượng vũ trang để đẩy lùi sự xâm lược của kẻ thù có thể xảy ra từ hướng biển và đại dương".

Theo ông Shoigu, hơn 25.000 binh sĩ, 167 tàu chiến và tàu hậu cần, trong đó có 12 tàu ngầm và 89 máy bay, đang tham gia đợt kiểm tra. Cuộc diễn tập chia làm ba giai đoạn với nhiều nội dung, trong đó có mô phỏng đòn tấn công bằng tên lửa nhằm vào "nhóm tàu chiến của đối phương giả định ở trung tâm Thái Bình Dương".

Các đảo Kunashiri, Etorofu, Shikotan và Habomai thuộc chuỗi đảo Kuril đã bị Liên Xô chiếm giữ vào cuối Thế chiến 2. Tokyo nói quần đảo này là "Lãnh thổ phương Bắc" của họ. Vấn đề này đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Nhật Bản trong nhiều thập niên. Một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Thế chiến 2 chưa bao giờ được hai nước ký kết, phần lớn là do tranh chấp về nhóm đảo tranh chấp Kuril.

Do nằm giữa hòn đảo lớn Hokkaido của Nhật Bản và Bán đảo Kamchatka của Nga, quần đảo Kuril mang lại một số lợi ích về quân sự và chính trị.

Trước đó, tờ Moscow Times hôm 3/4 cho hay, tướng Rustam Muradov, chỉ huy Quân khu miền Đông, có thể đã bị cách chức sau chiến dịch tấn công bất thành của Nga vào thành phố Vuhledar, tỉnh Donetsk.

Viên Minh (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Nga bất ngờ bị cách chức