Tỷ phú Elon Musk vạch trần phóng viên đài BBC sử dụng 'tiêu chuẩn kép'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với đài BBC hôm 12/4, CEO Elon Musk của Tesla, Twitter, SpaceX đã khiến phóng viên kỳ cựu của đài BBC biến thành 'kẻ ngốc', đồng thời vạch trần cái gọi là tự do ngôn luận với việc hãng truyền thông do Chính phủ Anh tài trợ này đưa tin về Covid khiến dư luận hoang mang.

Người thực hiện cuộc phỏng vấn ông Elon Musk hôm 12/4 là phóng viên công nghệ James Clayton của đài BBC.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Clayton đặt vấn đề ngôn ngữ kích động thù hận, kích động bạo lực gia tăng trên nền tảng Twitter kể từ khi ông Musk nắm quyền điều hành. Ông Musk đã đáp trả ngay lập tức:

“Anh đang nói về ngôn ngữ thù hận nào vậy? Ý tôi là, anh có sử dụng Twitter phải không? Anh có thấy ngôn ngữ thù hận gia tăng không? Hay chỉ là qua lời kể?”.

Ông Musk tiếp tục đề nghị phóng viên đài BBC đưa ra một ví dụ, nhưng vị phóng viên không thể đưa ra ví dụ nào. (Phải nói rằng vị phóng viên kỳ cựu chưa chuẩn bị kỹ cho cuộc phỏng vấn này nên đã bị người được phỏng vấn hạ gục như vậy).

“Thành thật mà nói, tôi không… Tôi thực sự không sử dụng nguồn cấp dữ liệu đó nữa vì tôi không đặc biệt thích nó”, ông Clayton nói về tính năng “For You” (tạm dịch: Dành cho bạn) của Twitter.

“Và thực ra có rất nhiều người khá giống nhau. Tôi chỉ nhìn vào những người theo dõi mình thôi”, phóng viên bắt đầu lý giải trong lúng túng.

“Tôi đang đề nghị một ví dụ và anh không thể đưa ra một ví dụ nào. Vậy thì, thưa Ngài, chính Ngài còn không biết Ngài đang nói về điều gì”, ông Musk tỏ ra châm biếm.

“Anh không thể đưa cho tôi một ví dụ nào về nội dung thù hận, thậm chí một dòng tweet cũng không có. Tuy nhiên, anh lại tuyên bố rằng nội dung thù hận tăng cao. Điều này là sai. Anh nói dối!”, ông Musk khẳng định.

Đáp lại, phóng viên Clayton giải thích rằng những người khác nói lại rằng họ đã nhìn thấy ngôn ngữ kích động thù hận gia tăng chứ không phải chính anh tận mắt nhìn thấy điều đó trên nguồn cấp dữ liệu Twitter của mình.

Ông Musk đáp lại rằng: “Anh nói rằng anh đã trải nghiệm nhiều nội dung kích động thù hận hơn nhưng rốt cuộc anh không thể kể tên một ví dụ nào. Thật vô lý!".

Trong cuộc phỏng vấn, ông Clayton cho rằng sự gia tăng của ngôn từ kích động thù hận là do nội dung này sẽ thu hút được nhiều phản ứng của dư luận, đặc biệt là những nội dung liên quan đến phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính.

Ông chủ Twitter cũng vặn lại: “Vậy anh cho rằng nếu nội dung nào hơi phân biệt giới tính thì nó nên bị cấm? Có phải ý anh là như vậy?”.

Ông Clayton trả lời: “Không, tôi không nói gì cả”.

Dưới đây là phản ứng của người dân Anh về đoạn phỏng vấn trên.

  • Chà, anh đến để gặp người đàn ông giàu nhất thế giới, và anh thậm chí không chuẩn bị gì cho cuộc phỏng vấn này? Đây là thực trạng đáng buồn của báo chí ngày nay.
  • Người được gọi là phóng viên BBC này đã nêu bật quan điểm của ông Elon bằng chính sự thiếu hiểu biết của mình.
  • Anh James Clayton vừa được dạy dỗ bởi một trong những người đàn ông thông minh nhất hành tinh. Anh ta thậm chí không xứng đáng ngồi cùng phòng với ông Elon Musk nhưng nếu anh ta muốn, chi ít anh cũng nên chuẩn bị tinh thần và tìm hiểu mọi thông tin chi tiết. Đài BBC thật đáng xấu hổ.
  • Một kẻ ngốc đang cố thuyết trình và phỏng vấn một thiên tài .... Chỉ có một kết quả.
  • Đài BBC đang làm cái quái gì mà gửi phóng viên đó vào hang sư tử vậy? Đoạn phỏng vấn thật gay cấn. Phóng viên không thể nói nên lời và xấu hổ với chính họ và nước Anh.
  • Vấn đề là... đối với ông Clayton và những người khác trong giới truyền thông, ngôn từ kích động thù hận chỉ là những ngôn từ mà họ không đồng tình.

Ông Elon Musk dán nhãn đài BBC do Chính phủ Anh tài trợ

Trong cuộc phỏng vấn, ông Elon Musk cũng cáo buộc đài BBC che đậy tác dụng phụ của việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 và lan truyền thông tin sai lệch về việc đeo khẩu trang.

Tỷ phú Musk đã cáo buộc đài truyền hình Anh áp dụng “tiêu chuẩn kép” sau khi phóng viên Clayton hỏi ông về tin tức giả mạo trên Twitter.

Ông Musk nói: “Đài BBC có chịu trách nhiệm gì về thông tin sai lệch liên quan đến việc đeo khẩu trang và tác dụng phụ của việc tiêm chủng hay không? Và không đưa tin gì về tất cả những điều này?”.

“Còn việc BBC bị chính phủ Anh gây áp lực buộc phải thay đổi chính sách biên tập thì sao?”.

Đáp lại, phóng viên Clayton nói rằng: “Đây không phải là một cuộc phỏng vấn về BBC. Tôi không phải là người đại diện cho chính sách biên tập của BBC”.

Phóng viên BBC sau đó đã chuyển đề tài cuộc phỏng vấn.

Ông Musk cho biết hiện ông đang dán nhãn BBC là "phương tiện truyền thông do chính phủ tài trợ".

Elon Musk và tự do ngôn luận - Trận chiến cho linh hồn nước Mỹ

Kể từ khi Twitter về tay Elon Musk vào cuối tháng 10/2022, ông đã trở thành nỗi khiếp đảm của giới tinh hoa. Vị tỷ phú công nghệ đã làm rung chuyển thị trường và chấn động dư luận khi chi ra gần 44 tỷ USD để “mua” quyền tự do ngôn luận cho khách hàng của Twitter.

Người đàn ông giàu nhất thế giới tuyên bố sẽ ngăn chặn làn sóng kiểm duyệt và đàn áp tự do ngôn luận của Twitter. Sau khi tiếp quản nền tảng truyền thông xã hội, ông đã khôi phục một số tài khoản bị đình chỉ, bao gồm cả tài khoản của cựu Tổng thống Donald Trump.

Hôm 23/11/2022, nền tảng này cũng đã ngưng chính sách “thông tin sai lệch về Covid-19". Trước đó, chính sách này đã khiến hơn 11.000 tài khoản bị đình chỉ, bao gồm cả tài khoản của các nhà khoa học và bác sĩ, đồng thời hàng chục nghìn nội dung bị xóa kể từ tháng 1/2020.

“Miễn là quý vị không thực sự gây hại cho người khác, thì quý vị nên được phép nói những gì mình muốn”, ông Elon Musk nói trong cuộc thảo luận hôm 3/12. Trong cuộc trò chuyện kéo dài khoảng hai giờ trên Twitter Spaces, ông Musk đã chia sẻ quan điểm ​​​​của mình về quyền tự do ngôn luận.

“Trong suốt chiều dài lịch sử, quyền tự do ngôn luận không phải là điều thường gặp. Vì thế cho nên chúng ta phải dốc toàn lực để duy trì quyền này bởi nó rất hiếm gặp và không phải là điều mặc định. Kiểm soát ngôn luận là điều mặc định chứ không phải tự do ngôn luận”, ông nói.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Tỷ phú Elon Musk vạch trần phóng viên đài BBC sử dụng 'tiêu chuẩn kép'