Úc nên làm gì để chặn đứng hoạt động gián điệp của Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông qua do thám và thu thập thông tin, hoạt động tình báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở nước ngoài đã trở thành mắt xích then chốt trong một chuỗi những nỗ lực không ngừng nghỉ của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng của nước này trên phạm vi toàn cầu. Sự cố trong tuần vừa qua là một ví dụ điển hình.

Sau câu chuyện về việc một khinh khí cầu do thám đi qua các căn cứ quân sự nhạy cảm của Hoa Kỳ cho đến khi nó bị bắn hạ, người ta tiết lộ rằng, hàng trăm camera an ninh trong các tòa nhà chính phủ Úc có khả năng thu thập thông tin và gửi về Trung Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có một lịch sử lâu dài về hoạt động giám sát chính công dân của mình.

ĐCSTQ từ lâu đã được biết đến với mô hình giám sát camera nhận diện khuôn mặt trên mọi nẻo đường ở Tân Cương để giám sát “nhất cử nhất động” của người Duy Ngô Nhĩ.

Sự hiện diện của các camera giám sát Trung Quốc trong các cơ quan chính phủ liên bang Úc đã được tiết lộ sau khi Bộ trưởng An ninh mạng Úc James Paterson tiến hành một cuộc kiểm toán kéo dài sáu tháng đối với tất cả các cơ quan của Khối thịnh vượng chung.

Như một lẽ tất yếu, chính phủ Úc đã nhanh chóng dỡ bỏ toàn bộ các camera giám sát được sản xuất bởi hai công ty Trung Quốc là Hangzhou Hikvision (Công ty Công nghệ kỹ thuật số Hàng Châu Hikvision) và Zhejiang Dahua (Công ty Công nghệ Đại Hoa Chiết Giang).

Một camera của Hikvision tại một trung tâm mua sắm điện tử ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 24/5/2019. (Ảnh: Fred Dufour/AFP/Getty Images)

Động thái trên diễn ra sau khi hai thành viên của Liên minh Five Eyes là Mỹ và Vương Quốc Anh đã áp đặt các lệnh cấm tương tự đối với hai thực thể này.

Five Eyes (Ngũ Nhãn) là một liên minh chia sẻ thông tin tình báo bao gồm 5 nước phương Tây Canada, Anh, Mỹ, Úc và New Zealand.

Với những hiểu biết về hoạt động giám sát của Trung Quốc, thật đáng ngạc nhiên khi các cơ quan và ban ngành của chính phủ Úc đã không nhận thức được những lo ngại này sớm hơn.

Tất cả các cấp chính quyền cũng như các doanh nghiệp tư nhân Úc nên khẩn trương tiến hành kiểm toán độc lập ngay lập tức.

Cuộc kiểm toán này cũng cần bao gồm tất cả các thiết bị an ninh có nguồn gốc từ Trung Quốc, chẳng hạn như máy bay không người lái được sử dụng bởi quân đội và cảnh sát.

Khinh khí cầu do thám và camera giám sát là một phần trong mạng lưới tình báo rộng lớn của ĐCSTQ.

Khi nhắc đến du lịch bằng khinh khí cầu, hầu như ai cũng liên tưởng đến hình ảnh những nhà thám hiểm hăng hái đung đưa trong một chiếc giỏ đan bằng cành liễu gai bên dưới một tán cây sặc sỡ. Những chiếc khinh khí cầu đầy màu sắc rực rỡ trôi bồng bềnh trong gió cho đến khi người điều khiển khinh khí cầu vặn nhỏ đầu đốt khí và nhẹ nhàng hạ cánh xuống mặt đất.

Nhiều người có thể nhớ lại hình ảnh những chiếc khinh khí cầu Zeppelin đầu thế kỷ 20 và những chiếc khinh khí cầu hiện đại được sử dụng làm quảng cáo trên bầu trời.

Không có thiết bị nào trong số này giống với khinh khí cầu thời tiết hiện đại, có thể bay cao hàng chục nghìn km so với mặt đất, hoặc ví dụ tiêu biểu gần đây nhất là khí cầu do thám của quân đội Trung Quốc.

Vén bức màn bí mật của mạng lưới khí cầu Trung Quốc

ĐCSTQ đã tỏ ra “giả vờ ngạc nhiên” khi một khinh khí cầu được phát hiện bay lơ lửng trên các căn cứ quân sự nhạy cảm của Hoa Kỳ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, đó chỉ là một khinh khí cầu đang nghiên cứu khí tượng và bị gió thổi bay chệch hướng.

Ngoại trừ việc quả cầu cao 60 mét này cũng có khả năng tự hành và đã được điều động để bay qua các căn cứ tên lửa. Mang trọng tải của một chiếc máy bay nội địa, nó hiện được cho là một phần của mạng lưới giám sát toàn cầu phức tạp.

Hãng truyền thông Nhà nước Global Times của ĐCSTQ gần đây tuyên bố rằng Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng một trạm vệ tinh mặt đất ở Nam Cực.

Thiết kế và vật liệu của khinh khí cầu, cũng như tầm cao hoạt động của nó (cao hơn nhiều so với máy bay bình thường), khiến nó ít bị radar phát hiện hơn.

Một khinh khí cầu khác đã được phát hiện xuất hiện ở Colombia, ở Venezuela và Costa Rica. Cũng đã có báo cáo về việc nhìn thấy khinh khí cầu xuất hiện ở Ấn Độ và Philippines.

Một số vật thể không xác định khác đã bị bắn hạ trên bầu trời Bắc Mỹ.

Thông tin sau đó tiết lộ rằng khinh khí cầu và thiết bị nhạy cảm của nó được sản xuất bởi một công ty có liên hệ với Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) của Trung Quốc. Người ta còn nghi ngờ rằng, khinh khí cầu do thám được phóng từ một căn cứ quân sự trên đảo Hải Nam ở ngoài khơi bờ biển phía Nam Trung Quốc.

Trong hơn một thập kỷ, PLA đã bàn về chuyện sử dụng khinh khí cầu để phục vụ cho mục đích quân sự. Chín năm trước, PLA đã ghi nhận "khả năng bền bỉ ở trên không và cung cấp phản ứng tức thời dựa trên mệnh lệnh".

Các nhà nghiên cứu quân sự khác của Trung Quốc đã viết: "Khinh khí cầu có thể kích thích và huy động hệ thống phòng không của kẻ thù, cung cấp các điều kiện để thực hiện trinh sát điện tử, đánh giá khả năng phát hiện cảnh báo sớm và phản ứng tác chiến của hệ thống phòng không".

Trung Quốc từng thử nghiệm thả phương tiện lượn siêu thanh từ khinh khí cầu vào năm 2018, theo đài truyền hình CCTV của nhà nước Trung Quốc.

Với sự hiện diện của các căn cứ quân sự nhạy cảm ở phía bắc nước Úc, chính phủ Úc nên tiết lộ nếu phát hiện ra bất kỳ khinh khí cầu do thám nào xuất hiện trên lục địa, đồng thời đưa ra những giải pháp để phát hiện và chặn đứng các hoạt động gián điệp tương tự của ĐCSTQ.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tác giả Hon Kevin Andrews phục vụ trong Quốc hội Úc và nắm giữ nhiều chức vụ trong nội các nước này từ năm 1991 đến năm 2022. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc.



BÀI CHỌN LỌC

Úc nên làm gì để chặn đứng hoạt động gián điệp của Trung Quốc?