Vũ khí bí mật giúp Nga khắc chế 'gai trong mắt' Starlink của Elon Musk

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tài liệu bị rò rỉ của Mỹ cho thấy Nga dùng hệ thống gây nhiễu Tobol để ngắt kết nối Internet từ thiết bị Stalink được Musk viện trợ cho Ukraine.

Hệ thống gây nhiễu điện tử Tobol đã được Nga thử nghiệm trong nhiều tháng, nhằm cản trở đường truyền Internet vệ tinh từ thiết bị Starlink mà tỷ phú Elon Musk cung cấp cho Ukraine, Washington Post ngày 18/4 dẫn tài liệu tình báo Mỹ bị rò rỉ cho hay.

Trong tài liệu, tình báo Mỹ thừa nhận hệ thống Tobol "tiên tiến hơn" so với hiểu biết trước đây của phương Tây. Điều này xác nhận đồn đoán được giới quan sát đưa ra trước đó rằng một chương trình bí mật được thiết kế để bảo vệ vệ tinh của Nga có thể được sử dụng để tấn công vệ tinh đối phương.

Tài liệu tình báo bị rò rỉ xác định Nga bắt đầu thử nghiệm hệ thống Tobol-1 tại Ukraine từ cuối tháng 9/2022, kéo dài trong 25 ngày, nhắm vào hệ thống Starlink vốn được các binh sĩ Ukraine sử dụng để truyền thông tin liên lạc và dữ liệu.

Một quân nhân Ukraine đứng cạnh ăng-ten của hệ thống băng thông rộng dựa trên vệ tinh Starlink ở Bakhmut vào ngày 9 tháng 2 năm 2023. (Ảnh: YASUYOSHI CHIBA/AFP via Getty Images)

Quân đội Ukraine từng báo cáo hệ thống Internet vệ tinh Starlink bị gián đoạn hồi tháng 10/2022, song không rõ sự cố này do Tobol-1 hay các khí tài gây nhiễu khác của Nga gây ra.

Giới phân tích đã xác định ít nhất 7 tổ hợp Tobol ở Nga, toàn bộ được đặt cạnh các cơ sở theo dõi vệ tinh, theo Secure World Foundation, nhóm chuyên theo dõi về an ninh và tính bền vững của hoạt động vệ tinh trong không gian.

Những vị trí này cho thấy hệ thống Tobol chủ yếu được dùng cho mục đích phòng thủ, nhưng ba địa điểm được tiết lộ theo tài liệu mật, một bên ngoài Moscow, một ở gần Crimea và một ở Kaliningrad, cho thấy chúng có thể được sử dụng cho các hoạt động tấn công.

Hồi tháng 5/2022, ông Musk cho biết trên Twitter rằng các vệ tinh Starlink đã thể hiện khả năng phục hồi trước hoạt động "gây nhiễu và hack" của Nga, nhưng Moscow "dường như tăng cường nỗ lực".

SpaceX đã viện trợ cho Ukraine nhiều bộ thiết bị đầu cuối, cho phép quân đội nước này duy trì liên lạc thông qua mạng lưới gần 4.000 vệ tinh của công ty Mỹ. Ngoài lô hàng của SpaceX, chính phủ Mỹ và Pháp cũng viện trợ cho Ukraine thiết bị đầu cuối của Starlink.

Trên chiến trường, giao tranh tại Bakhmut được nhận định là dữ dội nhất trên chiến tuyến tại vùng Donbass, khi cả Nga và Ukraine đều dồn quân vào trận đánh tại thành phố thuộc tỉnh Donetsk. Ukraine tuyên bố việc bảo vệ Bakhmut là cần thiết, nhằm ngăn lực lượng Nga tiến xa hơn về phía tây.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 17/4 cho biết lực lượng chính quy đang yểm trợ cho các đơn vị xung kích của Wagner tại Bakhmut, cũng như ngăn Ukraine đánh thọc sườn những mũi tiến công này. Các đơn vị Wagner "kiểm soát thêm hai quận ở tây bắc và trung tâm thành phố Bakhmut trong 24 giờ qua", cơ quan này cho biết.

Một chỉ huy Wagner nói lực lượng Ukraine chủ yếu dựa vào sức người để phòng thủ tại Bakhmut, thay vì hệ thống công sự vững chắc. Người này cho biết lực lượng Ukraine đang bị đẩy về phía tây thành phố, trong khi chỉ huy đối phương "quyết dồn tất cả nguồn lực con người, biến các binh sĩ thành lá chắn sống để cố thủ ở đây".

Quân đội Ukraine ngày 13/4 cho biết lực lượng Nga tiến công liên tục với tuần suất 40-50 đợt mỗi ngày.

Viên Minh (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Vũ khí bí mật giúp Nga khắc chế 'gai trong mắt' Starlink của Elon Musk