Vương quốc Anh nêu rõ Trung Quốc đặt ra 'thách thức định hình kỷ nguyên'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ Vương quốc Anh hôm thứ Hai (13/3) đã gọi Trung Quốc là một ‘thách thức định hình kỷ nguyên’ khi thông báo rằng họ sẽ thành lập một đơn vị nhỏ trong cơ quan tình báo MI5 mới để quản lý rủi ro an ninh cho doanh nghiệp và các tổ chức, đồng thời đưa ra một sáng kiến mới để cải thiện việc thực thi các biện pháp trừng phạt và tăng kinh phí để xây dựng kiến thức chuyên môn về Trung Quốc.

Bản Đánh giá Tích hợp mới của năm 2023 (2023 Integrated Review Refresh-IR23) xác lập chiến lược ngoại giao và an ninh quốc gia Anh, được công bố sáng thứ Hai 13/03/2023 theo giờ London.

Trong một bản cập nhật đã được mong đợi từ lâu đối với cuộc đại tu chính sách đối ngoại lớn của Vương quốc Anh vào năm 2021, chính phủ Anh cho biết, họ sẽ bảo vệ an ninh quốc gia ở những khu vực mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra mối đe dọa; đồng thời Anh sẽ liên kết với các đồng minh và đối tác trên toàn cầu để hạn chế ảnh hưởng của ĐCSTQ. Song song với đó, Vương Quốc Anh sẽ hợp tác với Trung Quốc và cộng đồng người Hoa hải ngoại để duy trì mối quan hệ thương mại và đầu tư cùng có lợi.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh AUKUS, một hiệp ước an ninh ba bên bao gồm Anh, Hoa Kỳ và Úc, đã đồng ý về một thỏa thuận cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc để chống lại sức ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) tham gia cuộc gặp ba bên với Thủ tướng Úc Anthony Albanese (trái) và Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) trong hội nghị thượng đỉnh AUKUS ở San Diego, California, ngày 13/3/2023. (Ảnh: Leon Neal/Getty Images)

Việc chỉ định Trung Quốc là “thách thức định hình kỷ nguyên” chưa "ăn khớp" với lời hứa của cựu Thủ tướng Liz Truss và lời kêu gọi của một số nhân vật phản đối Trung Quốc về việc chính thức coi nước này là “mối đe dọa”. Tuy nhiên, ông Alan Mendoza, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Hiệp hội Henry Jackson (HJS), nói với The Epoch Times rằng, trên thực tế ông nhìn nhận hai yếu tố trên là tương tự nhau.

Đánh giá tổng thể về chính sách đối ngoại và quân sự của Anh năm 2021 đã chỉ định Nga là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng hàng đầu trong khi Trung Quốc bị coi là “đối thủ cạnh tranh có hệ thống”.

Chính phủ Anh công bố mục tiêu chi 2,5% Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) cho quốc phòng khi tuyên bố rằng sự cạnh tranh mang hệ thống giữa các quốc gia hiện đặt ra "mối đe dọa cấp bách và nghiêm trọng nhất đối với lợi ích của Vương quốc Anh, đồng thời sẽ đòi hỏi tỷ lệ nguồn lực an ninh quốc gia ngày càng tăng".

Viết lời nói đầu trong đánh giá tổng thể về chính sách đối ngoại và quân sự của Anh, Thủ tướng Rishi Sunak cho biết Nga và Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một thế giới với nền tảng là “nguy hiểm, hỗn loạn và chia rẽ - cùng với một trật tự quốc tế mở đường cho chủ nghĩa độc tài”.

Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak rời số 10 Phố Downing ở London, Vương Quốc Anh, hôm 25/1/2023. (Ảnh: Leon Neal/Getty Images)

An ninh chuỗi cung ứng và thực thi các biện pháp trừng phạt

Theo đánh giá trên, cơ quan tình báo hàng đầu của nước này sẽ thành lập một đơn vị mới để cung cấp thông tin giúp các trường đại học và ngành công nghiệp của Anh hiểu rõ các mối đe dọa an ninh quốc gia trong chuỗi cung ứng.

Theo đó, Cơ quan An ninh Bảo vệ Quốc gia mới sẽ thay thế Trung tâm Bảo vệ Cơ sở hạ tầng Quốc gia MI5 để “cung cấp chuyên gia, tư vấn dựa trên thông tin tình báo cho các doanh nghiệp và tổ chức trong các lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế, bao gồm cơ sở hạ tầng quan trọng, công nghệ mới nổi và các học viện”.

Chính phủ Anh cũng dự kiến sẽ công bố một loạt các biện pháp mới để tăng cường an ninh kinh tế, năng lực công nghệ và phát triển quốc tế của Vương quốc Anh. Trong đó phải kể đến việc nước này sẽ thành lập Diễn đàn an ninh kinh tế khu vực công - tư nhân để “truyền đạt tốt hơn các chính sách an ninh kinh tế của Vương quốc Anh, cũng như phát triển các hành động và chiến lược chung với các doanh nghiệp".

Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng hứa sẽ công bố các chiến lược mới về chất bán dẫn, chuỗi cung ứng và nhập khẩu, đồng thời làm mới cách tiếp cận để thực thi Chiến lược Khoáng sản Quan trọng.

Nước này cũng có kế hoạch khởi động một Sáng kiến ​​Răn đe Kinh tế mới để tối đa hóa tác động của các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả việc trấn áp các hành vi trốn tránh lệnh trừng phạt.

Với khoản tài trợ lên tới 50 triệu bảng Anh (khoảng 60,8 triệu USD) trong hai năm, sáng kiến ​​này sẽ cải thiện việc triển khai và thực thi các biện pháp trừng phạt của Vương quốc Anh, đồng thời chuẩn bị cho chính phủ trong trường hợp chính phủ cần “đáp trả các hành động thù địch” bằng cách áp đặt một số lượng lớn các biện pháp trừng phạt như đã làm sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, theo bản đánh giá.

Bảo vệ, Liên kết, Tương tác

Ngoài việc tăng cường bảo vệ trong nước và theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đồng minh để chống lại ảnh hưởng toàn cầu của ĐCSTQ, ba “lĩnh vực tương quan với nhau” trong chính sách về Trung Quốc của chính phủ còn bao gồm việc can dự với Trung Quốc về “những thách thức toàn cầu bao gồm khí hậu và sức khỏe toàn cầu".

Bản đánh giá cho biết chính phủ Anh sẽ “tăng gấp đôi kinh phí” để tăng cường kiến thức ngoại giao trong toàn chính phủ Anh. Điều này sẽ giúp giới chức Anh hiểu rõ hơn về Trung Quốc, đồng thời cho phép nước này tự tin can dự ở những lĩnh vực mang lại lợi ích cho họ.

Phố Downing (Phủ Thủ tướng Anh) cho biết việc tăng kinh phí trong năm 2024 - 2025 sẽ "nâng cao kỹ năng tiếng Quan thoại và khả năng của Vương quốc Anh trong việc tương tác và tăng cường kiến thức ngoại giao về Trung Quốc, đồng thời bảo vệ an ninh quốc gia".

Trong một chương trình thí điểm vào năm ngoái, chính phủ đã đầu tư các khóa học tiếng Quan Thoại cho 170 công chức, trong đó 20 người đang học ở Đài Loan; đào tạo chuyên môn về Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và quân sự cho hàng trăm nhân viên chính phủ; đồng thời thành lập nhóm cố vấn chuyên gia Trung Quốc.

Đánh giá cũng khuyến nghị các chiến lược như:

  • Tối đa hóa sức mạnh mềm của Vương quốc Anh, bao gồm cả việc tăng ngân sách tài trợ cho BBC World Service;
  • Phân tích và phản ứng trước “sự thao túng thông tin thù địch” với ban giám đốc mới của Văn phòng Ngoại giao;
  • Tăng cường năng lực của Vương quốc Anh trong việc giải quyết các mối đe dọa nhà nước và phi nhà nước dưới ngưỡng xung đột vũ trang;
  • Thiết lập một mục tiêu dài hạn mới để quản lý rủi ro tính toán sai lầm và leo thang căng thẳng giữa các cường quốc;
  • Tăng cường các chương trình hợp tác như AUKUS với Mỹ và Úc và Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu (GCAP) với Ý và Nhật Bản.

Bản Đánh giá Tích hợp mới cũng khẳng định rằng Vương quốc Anh sẽ đóng góp thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để chống lại mối đe dọa từ Iran, thúc đẩy sự ổn định ở Eo biển Đài Loan và thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Bà Alicia Kearns, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại - Hạ viện Anh - đã hoan nghênh “tính thực tế” của bản đánh giá tích hợp, nhưng bà cho biết thêm rằng, nếu Vương Quốc Anh chỉ đơn thuần coi mối đe dọa từ Trung Quốc trên phương diện kinh tế thì chính là một thất bại, vì Bắc Kinh vẫn không ngừng “nỗ lực phá hoại an ninh và chủ quyền của Vương Quốc Anh".

Ngoại trưởng Anh: Trung Quốc đang trở nên 'cực kỳ thách thức' trên vũ đài chính trị toàn cầu
Ngoại trưởng Anh phụ trách các vấn đề đối ngoại, thịnh vượng chung và phát triển James Cleverly phát biểu trước giới truyền thông ngay trước thềm cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao G7, hôm 04/11/2022 tại Muenster, Đức. (Ảnh: Janine Schmitz/Photothek/Getty Images)

Phản hồi trước ý kiến này, Ngoại trưởng James Cleverly cho biết các Bộ trưởng “chắc chắn đang cân nhắc về tất cả các mối đe dọa và lỗ hổng” về phương diện an ninh.

Nhận xét về Bản Đánh giá Tích hợp mới của Vương Quốc Anh - chủ yếu tập trung vào Trung Quốc - ông Mendoza cho biết ông tin rằng đó là “một khởi đầu tốt” và bản đánh giá thể hiện “sự hiểu biết sâu sắc hơn của Vương Quốc Anh về thách thức và mối đe dọa do Trung Quốc gây ra“.

Theo giám đốc HJS, Chiến lược Khoáng sản Quan trọng có ý nghĩa then chốt đối với Trung Quốc vì nó "tập trung rất nhiều vào Trung Quốc".

"Những gì chúng ta đang làm ở đây là đảm bảo nguồn cung cấp khoáng sản trọng yếu của chính Vương Quốc Anh, bởi vì chúng ta không muốn ‘chịu ơn’ Trung Quốc trong lĩnh vực này".

Ông nói thêm, Sáng kiến Răn đe Kinh tế cũng sẽ "khiến những kẻ vi phạm nhân quyền khó né tránh các biện pháp trừng phạt hơn nhiều. Vì vậy, tôi cho rằng cần phải biết các thông số trong vài năm tới".

Khi được hỏi liệu mối đe dọa của Bắc Kinh đối với Vương quốc Anh phần lớn chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế hay không, ông Mendoza cho biết Trung Quốc “có thể là một mối đe dọa còn lớn hơn nhiều so với mối đe dọa về kinh tế“.

Ông Mendoza nói, Trung Quốc đặt ra một ‘mối đe dọa về các giá trị’ bằng cách cố gắng thiết lập một ‘hệ thống thay thế’ và có thể là một mối đe dọa quân sự, tùy thuộc vào mục tiêu của họ ở Đông Nam Á và Đài Loan.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vương quốc Anh nêu rõ Trung Quốc đặt ra 'thách thức định hình kỷ nguyên'