Ba Lan điều quân đến biên giới sau khi cáo buộc Belarus vi phạm không phận

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ba Lan đã điều thêm quân tới biên giới với Belarus, một đồng minh chủ chốt của Nga, sau cáo buộc hai trực thăng quân sự của Belarus vi phạm không phận nước này.

Hôm 1/8, Bộ Quốc phòng Ba Lan công bố quyết định điều “lực lượng và nguồn lực bổ sung, bao gồm cả máy bay trực thăng chiến đấu”, đến biên giới phía đông của nước này.

Theo Bộ Quốc phòng Ba Lan, Warsaw đã thông báo cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về cáo buộc vi phạm và triệu tập đại biện lâm thời Belarus để đưa ra lời giải thích.

Ba Lan gia nhập liên minh quân sự NATO vào năm 1999. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào đầu năm ngoái, Ba Lan là một trong những nước ủng hộ nhiệt thành nhất của Ukraine.

Lính đánh thuê Tập đoàn Wagner ngồi trên nóc xe tăng ở thành phố Rostov-on-Don, Nga, ngày 24/6/2023. (Stringer/AFP/Getty Images)
Lính đánh thuê Tập đoàn Wagner ngồi trên nóc xe tăng ở thành phố Rostov-on-Don, Nga, ngày 24/6/2023. (Stringer/AFP/Getty Images)

Mặc dù quân đội Ba Lan ban đầu phủ nhận mọi hành vi vi phạm của Belarus, nhưng sau đó họ nói rằng vi phạm xảy ra "ở tầm thấp" và do đó rất khó bị phát hiện.

Về phần mình, Minsk tuyên bố rằng câu chuyện được dựng lên để biện minh cho việc Ba Lan triển khai thêm quân tới biên giới.

"Các trực thăng Mi-8 và Mi-24 không vi phạm biên giới", Bộ Quốc phòng Belarus cho biết trong một tuyên bố.

Cơ quan này cũng cáo buộc Warsaw thay đổi tuyên bố của mình “sau khi tham khảo ý kiến ​​của các bậc thầy ở nước ngoài” - ám chỉ NATO và Washington.

Yếu tố Wagner

Căng thẳng dọc theo đường biên giới dài hơn 400 km đã gia tăng vào tháng trước khi các chiến binh của Tập đoàn Wagner Nga đến Belarus để huấn luyện lực lượng quân sự của nước này.

Theo nhiều nguồn tin, cuộc huấn luyện đang diễn ra tại một địa điểm quân sự gần biên giới Ba Lan.

Tháng trước, thủ lĩnh của Wagner, ông Yevgeny Prigozhin, cùng với hàng nghìn chiến binh, đã phát động một cuộc binh biến ngắn ngủi nhằm đe dọa Moscow.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đã nhanh chóng lắng dịu sau khi ông Lukashenko làm trung gian cho một thỏa thuận giảm leo thang giữa ông Prigozhin và Moscow.

Theo thỏa thuận, các chiến binh Wagner, bao gồm cả ông Prigozhin, được phép chuyển đến Belarus, làm dấy lên lo ngại rằng sự hiện diện của họ có thể gây bất ổn cho một khu vực vốn đã căng thẳng.

Warsaw đã công bố kế hoạch triển khai thêm lực lượng quân sự gần biên giới Belarus để đối phó với sự hiện diện của các chiến binh Wagner.

Ông Zbigniew Hoffmann, người đứng đầu ủy ban an ninh của chính phủ Ba Lan, cho biết Warsaw đã quyết định "di chuyển đội hình quân sự từ phía tây sang phía đông Ba Lan" để đối phó với "các mối đe dọa tiềm ẩn".

Phát biểu với hãng thông tấn PAP của Ba Lan ngày 19/7, ông Hoffman tiếp tục mô tả sự hiện diện của Tập đoàn Wagner là một “sự khiêu khích”.

Sau khi cuộc nổi dậy của ông Prigozhin thất bại, Warsaw đã cử 500 sĩ quan tới biên giới Belarus. Một tuần sau, Ba Lan xác nhận triển khai khoảng 1.000 binh sĩ ở phía đông đất nước.

Hôm 8/7, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak tuyên bố rằng động thái này cho thấy quyết tâm của Warsaw nhằm "đáp trả những âm mưu gây bất ổn”.

"Đó là minh chứng cho thấy chúng tôi sẵn sàng đáp trả những nỗ lực gây bất ổn gần biên giới".

Ngày 22/7, Đặc phái viên của Moscow tại Minsk, ông Boris Gryzlov, cảnh báo rằng Nga và Belarus, vốn có ràng buộc bởi liên minh quân sự song phương, sẵn sàng đẩy lùi mọi mối đe dọa đối với an ninh tập thể của họ.

Hôm 29/7, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố rằng 100 chiến binh Wagner gần đây đã tiến vào thành phố Grodno của Belarus, nằm cách biên giới Ba Lan khoảng 16 km.

“Tình hình ngày càng trở nên nguy hiểm”, ông Morawiecki, người không cung cấp nguồn cung cấp thông tin của mình, nói với các phóng viên.

Trong khi đó, ông Lukashenko đã bác bỏ những cáo buộc của Thủ tướng Ba Lan.

Liên minh Nga - Belarus

Đây không phải là lần đầu tiên căng thẳng bùng lên gần biên giới Ba Lan.

Tháng 11 năm ngoái, hãng tin The Associated Press đã trích dẫn một bài báo nói rằng một “quan chức tình báo Mỹ ẩn danh” đã tuyên bố sai sự thật rằng một tên lửa của Nga đã tấn công lãnh thổ Ba Lan.

Trước khi bị lật tẩy, cáo buộc này đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc đụng độ sắp xảy ra giữa Nga và NATO, tổ chức có nghĩa vụ bảo vệ các quốc gia thành viên khác nếu họ bị tấn công từ bên ngoài.

Minsk có truyền thống duy trì mối quan hệ thân thiết với Moscow. Một phát ngôn viên của Điện Kremlin gần đây đã gọi Belarus là "đồng minh số một" của Nga.

Xe cảnh sát tuần tra các con đường bên cạnh một bãi nổ tên lửa ở Przewodow, Ba Lan, hôm 16/11/2022. (Ảnh: Omar Marques/Getty Images)
Xe cảnh sát tuần tra các con đường bên cạnh một bãi nổ tên lửa ở Przewodow, Ba Lan, hôm 16/11/2022. (Ảnh: Omar Marques/Getty Images)

Kể từ năm 1999, hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã bị ràng buộc bởi hiệp ước “Nhà nước Liên minh”, nhằm củng cố quan hệ song phương trong lĩnh vực quốc phòng và kinh tế.

Kể từ khi Moscow tiến hành cuộc xâm lược Ukraine, hợp tác quân sự giữa Nga và Belarus đã phát triển vượt bậc. Mùa thu năm ngoái, Nga đã gửi binh lính và thiết bị quân sự tới Belarus dưới sự bảo trợ của hiệp ước Nhà nước Liên minh.

Đầu năm nay, Moscow đã tiết lộ ý định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus. Hồi tháng 6, ông Lukashenko cho biết một số vũ khí hạt nhân của Nga đã đến Belarus.

Sau các đợt triển khai lực lượng gần đây của Ba Lan, Moscow cảnh báo rằng một cuộc tấn công vào Belarus "bởi Ba Lan hoặc bất kỳ kẻ xâm lược nào khác" sẽ được coi là một cuộc tấn công vào nước Nga.

Để mắt đến Tây Ukraine

Ngày 22/7, Đại sứ Moscow tại Belarus, ông Boris Gryzlov, cảnh báo rằng các hoạt động triển khai gần đây của Ba Lan dọc biên giới giống như việc chuẩn bị cho "các hành động gây hấn ở quy mô lớn hơn".

Tại cuộc họp ngày 21/7 của Hội đồng An ninh Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ba Lan đã ấp ủ tham vọng lâu dài ở Belarus và Ukraine.

Ông cho rằng Warsaw đang cố gắng thành lập một "liên minh" dưới sự bảo trợ của NATO với mục đích "can thiệp trực tiếp vào Ukraine để giành 'miếng bánh' lớn hơn cho mình".

Ông Putin cũng ám chỉ về một âm mưu bị cáo buộc của phương Tây nhằm thành lập một lực lượng chung Ba Lan - Litva. Lực lượng này có nhiệm vụ chiếm đóng miền tây Ukraine.

Ông tuyên bố rằng lực lượng này, bao gồm cả các phần tử Ukraine, sẽ tiến vào miền tây Ukraine dưới vỏ bọc "lực lượng gìn giữ hòa bình" nhưng trên thực tế sẽ được sử dụng "để chiếm đóng các vùng lãnh thổ này".

“Nếu các đơn vị Ba Lan tiến vào Lviv hoặc một số vùng lãnh thổ khác ở Ukraine, họ sẽ ở lại đó mãi mãi”, ông Putin khẳng định.

Ông cũng trích dẫn tiền lệ lịch sử, tuyên bố rằng quân đội Ba Lan đã kiểm soát khu vực Lviv phía tây Ukraine sau Thế chiến I.

Nhận xét của ông Putin lặp lại tuyên bố trước đó của ông Sergey Naryshkin, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Nga.

Hồi tháng 4/2022, ông Sergey Naryshkin, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Nga, tuyên bố rằng Moscow biết về các kế hoạch bí mật giữa Warsaw và Washington nhằm nhằm duy trì "sự kiểm soát quân sự và chính trị của Ba Lan đối với 'lãnh thổ lịch sử' của họ ở Ukraine”.

Ông Naryshkin cho biết theo kế hoạch, lực lượng Ba Lan sẽ tiến vào miền tây Ukraine dưới chiêu bài "bảo vệ nước này trước sự xâm lược của Nga".

Trong chuyến thăm ba ngày tới Nga vào tuần trước, ông Lukashenko cũng đề cập đến khái niệm “chia cắt” Ukraine của Ba Lan.

Theo hãng tin TASS, ông Lukashenko đã nói với người đồng cấp Nga hôm 23/7 rằng “sự chia cắt miền tây Ukraine, sự chia cắt đất nước Ukraine, là không thể chấp nhận được đối với chúng tôi”.

Trước những tuyên bố trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller nói với các phóng viên ngày 24/7 rằng: "Chính Nga chứ không phải Ba Lan mới là quốc gia duy nhất trong khu vực không chỉ thể hiện dã tâm mà còn sẵn sàng xâm lược các nước láng giềng".

"Tôi xin nhấn mạnh quan hệ đồng minh mạnh mẽ của chúng tôi với Ba Lan. Ba Lan là một thành viên của NATO và chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO nếu cần thiết".

Tuy nhiên, hôm 2/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố rằng tham vọng của Ba Lan ở miền tây Ukraine hiện là “chủ đề thảo luận chính thống” ở Ba Lan.

Bà nói với truyền thông Nga: "Đây không chỉ là một nhóm ngoài lề nói về sự việc này. Không thể hành động như thể không ai biết chuyện gì đang xảy ra”.

Về phần mình, Ba Lan luôn bác bỏ mọi ý định xâm chiếm lãnh thổ Ukraine.

Theo Warsaw, những tuyên bố như vậy chỉ nhằm mục đích “thúc đẩy sự ngờ vực giữa Ukraine và Ba Lan”.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Ba Lan điều quân đến biên giới sau khi cáo buộc Belarus vi phạm không phận