Bình luận: Căng thẳng Ấn - Trung leo thang: Mỹ nên can thiệp hay giữ thái độ trung lập?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều nguồn tin gần đây cho thấy các công ty đang rời khỏi Trung Quốc và chuyển đến Ấn Độ trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục thắt chặt kiểm soát xã hội.

Cuộc chiến về chuỗi cung ứng và sản xuất chỉ là một trong nhiều lĩnh vực mà sự cạnh tranh giữa các cường quốc giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang nóng lên. Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc chỉ có thể leo thang khi New Delhi tiếp tục trỗi dậy và Bắc Kinh ngày càng cảm thấy bị nước láng giềng phía Nam đe dọa.

Ấn Độ đang đối mặt với nhiều thách thức và cần sự hỗ trợ từ bạn bè và đối tác để ngăn chặn sự xâm lược về quân sự và kinh tế của Trung Quốc. Trong bối cảnh này, Washington chính là đối tác lý tưởng đối với New Delhi, và việc củng cố mối quan hệ giữa hai quốc gia sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Hoa Kỳ. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên tập trung vào việc hội nhập và phát triển hơn nữa mối quan hệ an ninh và kinh tế với Ấn Độ, cùng chung mục tiêu kiềm chế một Bắc Kinh ngày càng hiếu chiến.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Ấn Độ hiện là một cường quốc đang trỗi dậy. Nền kinh tế của đất nước này tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và dự kiến sẽ nhảy vọt từ vị trí thứ 5 lên thứ 3 về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2027. Tỷ lệ nghèo đói cùng cực ở Ấn Độ đã giảm mạnh, tỷ lệ tử vong của bà mẹ khi sinh con cũng giảm đáng kể - đây là hai yếu tố quan trọng để đánh giá sự phát triển. Dự kiến ​​đến năm 2027, tầng lớp trung lưu Ấn Độ sẽ đạt tới 100 triệu người.

Trong tương lai, Ấn Độ sẽ trở thành một cường quốc đáng gờm nhờ vào quy mô dân số khổng lồ. Hiện nay, Ấn Độ là quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ người và dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Ngược lại, dân số Trung Quốc có thể giảm mạnh từ 1,4 tỷ xuống còn 525 triệu vào năm 2100 do những chính sách sai lầm. Những biến động dân số này sẽ khiến cán cân quyền lực nghiêng về phía Ấn Độ trong thế kỷ tới.

Nhiều yếu tố đang đẩy quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc đến bờ vực căng thẳng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Trung Quốc có thể trở nên thù địch hơn với Ấn Độ - quốc gia láng giềng đông dân hơn. Đây là ví dụ điển hình cho "Bẫy Thucydides", khi một cường quốc đang lên (Ấn Độ) đe dọa vị thế của một cường quốc đang suy yếu (Trung Quốc), dẫn đến căng thẳng và xung đột.

Căng thẳng giữa hai nước không phải mới. Ấn Độ và Trung Quốc đã từng nhiều lần giao tranh, và gần đây nhất là vụ đụng độ biên giới năm 2020 tại dãy Himalaya, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và đẩy quan hệ hai nước đến mức leo thang.

Giới hoạch định chính sách tại New Delhi nhận thức rõ ràng về mối đe dọa từ ĐCSTQ. Tham gia Diễn đàn Raisina 2024 - hội nghị địa chính trị quan trọng nhất của Ấn Độ - có thể nhận thấy một thông điệp rõ ràng: Trung Quốc là mối đe dọa số một. Nhiều người trẻ Ấn Độ tin rằng Trung Quốc sẽ tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của họ, và Bắc Kinh coi hệ thống dân chủ của New Delhi là mối đe dọa tiềm tàng.

Tuy nhiên, việc Ấn Độ đang đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc có liên quan gì đến nước Mỹ và Hoa Kỳ có thể giúp gì để củng cố quan hệ Mỹ - Ấn?

Trước hết, việc củng cố quan hệ Mỹ - Ấn là điều hợp lý hợp lý vì hai nước có chung các giá trị như chủ nghĩa tự do, tự do ngôn luận, và tự do tôn giáo. Hệ thống độc đảng của Trung Quốc đặt ra thách thức đạo đức và chính trị cho cả hai nền dân chủ Mỹ và Ấn.

Hơn nữa, Ấn Độ và Hoa Kỳ có những lợi ích kinh tế đan xen. Một ví dụ điển hình là trong lĩnh vực giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng quan trọng. Washington và các đồng minh đang nỗ lực di dời chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, và Ấn Độ nổi lên như một trung tâm tái định cư lý tưởng cho các ngành công nghiệp như bán dẫn và các thiết bị điện tử khác. Sự gia tăng thu nhập ở Ấn Độ cũng sẽ mở ra các thị trường xuất khẩu mới cho các doanh nghiệp Mỹ và cơ hội cho các nhà đầu tư đang tìm cách rút vốn khỏi Trung Quốc.

Nâng cao năng lực an ninh của Ấn Độ cũng là một lợi ích sống còn của nước Mỹ. New Delhi sẽ hưởng lợi đáng kể từ việc mua bán vũ khí và đạn dược của Mỹ nhằm củng cố vị thế an ninh ở dãy Himalaya và nâng cấp tổng thể lực lượng vũ trang. Một quân đội Ấn Độ hùng mạnh hơn cũng sẽ buộc Trung Quốc phải điều động thêm quân đội và trang thiết bị tới biên giới phía nam, thay vì tập trung lực lượng này cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Hoa Kỳ liên quan đến Đài Loan.

Những nhà hoạch định chính sách Mỹ cần nhận ra các lĩnh vực hợp tác mang tính xây dựng với New Delhi và nỗ lực thắt chặt hơn mối quan hệ Mỹ - Ấn. Trung Quốc sẽ tiếp tục coi một Ấn Độ trỗi dậy là mối đe dọa đối với an ninh và lợi ích kinh tế của họ, và chắc chắn sẽ trở nên thù địch hơn. Ấn Độ sẽ cần sự giúp đỡ của Mỹ, và Hoa Kỳ nên khôn ngoan khi lắng nghe mối quan tâm nghiêm túc của họ đối với tình bạn và quan hệ đối tác song phương.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất định phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tác giả Alex Titus là cố vấn chính sách và thành viên tại America First Policies, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ các sáng kiến chính sách đặt nước Mỹ lên hàng đầu.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Căng thẳng Ấn - Trung leo thang: Mỹ nên can thiệp hay giữ thái độ trung lập?