Bình luận: Diễn đàn Trung Đông là một thắng lợi ngoại giao đối với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bài bình luận

Ngày 10/11, Ả Rập Xê Út đã tổ chức một cuộc hội đàm gồm 57 nhà lãnh đạo Ả Rập và Hồi giáo để thảo luận về cuộc xung đột Hamas - Israel. Sự khốc liệt của cuộc chiến đã làm dấy lên cuộc tranh luận, khiến một số quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi phải xa lánh các đồng minh phương Tây. Điều thú vị là cuộc chiến cũng đã thúc đẩy tạm thời đình chỉ các tranh chấp lâu dài giữa một số quốc gia Hồi giáo.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã tham gia và ủng hộ việc nhóm này chỉ trích Israel, ngầm ám chỉ Mỹ. Trong cuộc gặp lịch sử, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã gặp Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman, đánh dấu một thời điểm quan trọng đối với hai quốc gia đang tham gia vào các cuộc chiến ủy nhiệm ở Syria và Yemen.

Hợp tác ngoại giao giữa Iran và Ả Rập Xê Út được coi là thắng lợi của Trung Quốc, quốc gia đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình giữa hai nước. Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã trực tiếp chỉ trích Hiệp định Abraham do Mỹ hậu thuẫn, đồng thời lên án các hiệp định bình thường hóa quan hệ với Israel.

Nhóm này sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chấm dứt giao tranh ngay lập tức. 15 thành viên của hội đồng bao gồm 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Hoa Kỳ) và 10 thành viên không thường trực do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu ra với nhiệm kỳ hai năm.

Albania, Brazil, Ecuador, Gabon, Ghana, Nhật Bản, Malta, Mozambique, Thụy Sĩ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nằm trong số những thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Mặc dù một số quốc gia trong số này có thể bỏ phiếu ủng hộ sự can thiệp của Liên Hợp Quốc vào Gaza, nhưng Hoa Kỳ có thể sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn điều đó.

Qatar được cho là đang đàm phán với Hamas để giải phóng con tin Israel và con tin nước ngoài. Các cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh Qatar có mối quan hệ lâu dài với Hamas, nhóm có các nhà lãnh đạo chính trị hoạt động tại Doha.

Các đại diện của Hamas thường xuyên xuất hiện trên mạng truyền hình vệ tinh Al Jazeera do nhà nước Qatar điều hành. Tuy nhiên, mối quan hệ chặt chẽ của Qatar với Hamas trước đây đã dẫn đến lệnh phong tỏa của 4 quốc gia Ả Rập là: Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain. Cuộc phong tỏa này kéo dài từ năm 2017 cho đến năm 2021. Tuy nhiên, xung đột Hamas - Israel đã làm đảo lộn các mối quan hệ và thù địch trước đây, thúc đẩy thế giới Hồi giáo chống lại Israel và nói rộng ra là chống lại Hoa Kỳ.

Ông Raisi đã ca ngợi Hamas vì đã tấn công Israel và yêu cầu các quốc gia tham dự áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Israel. Ngoài ra, ông còn chỉ trích Washington vì đã cung cấp viện trợ quân sự cho Israel. Ngoài việc ủng hộ Hamas ở Gaza, Iran còn là nhà bảo trợ cho Hezbollah, tiếng Ả Rập có nghĩa là “Đảng của Thượng Đế”. Đây là một tổ chức bán quân sự và một phong trào chính trị của người Lebanon theo đạo Hồi dòng Shiite. Tổ chức này đã tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa hàng ngày vào Israel.

Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đe dọa Lebanon bằng cách đáp trả tương tự như cách Israel hiện đang tiến hành nhằm vào Gaza. Đồng thời, phiến quân Houthi ở Yemen, cũng nhận được sự hậu thuẫn của Iran, đã nhắm mục tiêu vào Israel.

Cả Trung Quốc và Nga đều tận dụng cơ hội này để lên án những gì họ cho là thiếu sót ngoại giao của Mỹ trong khu vực. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Washington có thể gặp khó khăn trong việc xử lý nhiều cuộc xung đột cùng lúc, đồng thời viện dẫn tình hình ở Ukraine và Đài Loan, cũng như cuộc xung đột giữa Israel và Hamas hiện tại, là những căng thẳng bổ sung đối với các nguồn lực của Mỹ.

Kết quả là, ông Tập có thể bắt đầu thử thách quyết tâm của Mỹ ở Biển Đông bằng những động thái thù địch ngày càng gia tăng nhằm vào Đài Loan, Philippines hoặc các đồng minh khác của Mỹ.

Trung Quốc đã trở nên thân thiết hơn với Iran trong những năm gần đây và có khả năng nước này sẽ tận dụng các mối liên hệ của mình với cả Iran và Nga để thể hiện mình là một trung gian hòa giải trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, các giải pháp do ông Tập đề xuất, bao gồm lệnh ngừng bắn và giải pháp hai nhà nước, sẽ không bao giờ được Israel chấp thuận.

Các hoạt động khủng bố có thể gia tăng do xung đột. Cả Trung Quốc và Nga đều không gây áp lực buộc Iran phải ngừng hỗ trợ khủng bố trong khu vực. Việc thiếu sự can thiệp này cho thấy các cuộc tấn công của các nhóm như Hezbollah và lực lượng dân quân Houthi nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và Israel có thể kéo dài và có khả năng leo thang.

Mặc dù leo thang là một mối lo ngại nhưng khó có khả năng Nga hoặc Trung Quốc sẽ trực tiếp can dự vào cuộc xung đột. Cả hai quốc gia này đều không thu được lợi ích gì từ một sự leo thang đáng kể có thể lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến tích cực. Do đó, Trung Quốc có thể tiếp tục định vị mình là một lựa chọn thay thế hợp lý trước ảnh hưởng của Mỹ.

Trong khi các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các mục tiêu của Mỹ tiếp tục diễn ra và Israel tiếp tục xảy ra xung đột, thì Mỹ có thể sẽ ngày càng can thiệp sâu hơn vào tình hình. Đồng thời, Trung Quốc có thể tìm cách khẳng định vai trò lãnh đạo của mình bằng cách thành lập một liên minh gồm các quốc gia từ Nam bán cầu để chống lại Israel.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Diễn đàn Trung Đông là một thắng lợi ngoại giao đối với Trung Quốc