Bình luận: Thắng lợi ngoại giao của Trung Quốc ở Trung Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đang giành được những thắng lợi ngoại giao sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel và phản ứng của Jerusalem, nhưng những chiến thắng này có thể là không thực chất.

Bài bình luận

Do cuộc tấn công của Hamas vào Israel và đòn trả đũa của Israel, Vương quốc Ả Rập Xê Út tuyên bố đình chỉ các cuộc đàm phán bình thường hóa với Israel (do Mỹ hậu thuẫn). Thông báo này được đưa ra trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.

Phản ứng của Israel trước cuộc tấn công của Hamas đã sát hại hơn 2.300 người Palestine, làm dấy lên sự giận dữ của các quốc gia Hồi giáo khác. Do đó, việc Ả Rập Xê Út tiến tới thỏa thuận hòa bình với Israel sẽ bị coi là sự phản bội thế giới Hồi giáo rộng lớn hơn.

Cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê Út và Iran là kết quả của một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian (ký kết hồi đầu năm nay) và nhận được sự chúc phúc của Lãnh tụ Tối cao Ali Hosseini Khamenei. Việc vương quốc này từ chối giao chiến với Israel là một thất bại ngoại giao đối với Hoa Kỳ và là một thắng lợi đối với Trung Quốc.

Với tư cách là một khách hàng mua dầu lớn và là nhà cung cấp an ninh, Hoa Kỳ là đồng minh chủ chốt của Ả Rập Xê Út. Mỹ hiện nay phần lớn độc lập về năng lượng và chỉ nhập khẩu một lượng dầu rất nhỏ từ Ả Rập Xê Út.

Ngược lại, Trung Quốc đã nổi lên như một khách hàng mua dầu lớn của Ả Rập Xê Út. Trong trường hợp không có thỏa thuận hòa bình với Iran, Ả Rập Xê Út cần sự bảo hộ của quân đội Hoa Kỳ trong nước, cũng như sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho liên minh do Ả Rập Xê Út dẫn đầu để chiến đấu với lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen (Houthi là lực lượng kiểm soát phần lớn khu vực Tây Bắc Yemen). Trung Quốc cho rằng thỏa thuận hòa bình giữa Iran và Ả Rập Xê Út sẽ loại bỏ nhu cầu viện trợ quân sự của Mỹ cho vương quốc này.

Trong khi đó, “Đội quân wumao” hay “đội quân 50 xu” của Trung Quốc hiện đang bận rộn trên Twitter để khuếch đại các thông điệp về thường dân thiệt mạng ở Dải Gaza. Thuật ngữ “wumao” có nghĩa là 50 xu trong tiếng Trung, vì có tin nói họ được trả 50 xu (tiền Mỹ) cho mỗi bài đăng.

Bắc Kinh cũng đang đề cao đạo đức và chỉ trích Washington vì ủng hộ các hoạt động của Israel. Phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc tràn ngập những biểu ngữ ủng hộ Palestine. Trong khi đó, các thành phố của Mỹ và phương Tây đã chứng kiến những cuộc đụng độ giữa phe ủng hộ Palestine và phe ủng hộ Israel. Trong khi Hoa Kỳ phải chuẩn bị tinh thần cho các cuộc tấn công khủng bố thì Trung Quốc lại không hề lo lắng. Cho đến nay, cuộc tấn công duy nhất là nhằm vào một nhân viên Đại sứ quán Israel chứ không phải mục tiêu là người Trung Quốc.

Bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thúc đẩy các nỗ lực viện trợ nhân đạo của Trung Quốc ở Gaza trong khi đổ lỗi cho Hoa Kỳ và Israel về việc họ được cho là đã không hành động. Đồng thời, các tài khoản mạng xã hội do nhà nước hậu thuẫn cũng đang truyền bá tinh thần ủng hộ người dân Palestine trên các nền tảng như Twitter, nhấn mạnh tình đoàn kết của Trung Quốc với các cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới.

Trong khi đó, Ủy ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung Quốc, cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ, tỏ ra siêng năng trong việc xây dựng những hình ảnh có lợi về Tân Cương, thể hiện nội dung khắc họa những người Duy Ngô Nhĩ tươi cười nhảy múa vui vẻ trong trang phục truyền thống. Những video này thường đi kèm với những câu chuyện bác bỏ những cáo buộc của phương Tây về tội ác diệt chủng ở Tân Cương và cho rằng đó là thông tin sai lệch do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) dàn dựng.

Như một minh chứng khác về sự chân thành của Bắc Kinh đối với chính nghĩa của người Hồi giáo, lãnh đạo Taliban đã được mời tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh vào ngày 17/10 và 18/10. Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế và đầu tư quan trọng nhất của Afghanistan, và có tin đồn rằng Bắc Kinh sẽ chính thức công nhận Taliban là nhà lãnh đạo hợp pháp của Afghanistan. Hồi tháng 9 năm nay, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên chính thức bổ nhiệm Đại sứ mới tại Kabul.

Xung đột Israel - Gaza sẽ gây bất ổn cho các mục tiêu chính sách Trung Đông của chính quyền ông Biden, vốn tập trung vào việc chống lại Trung Quốc. Mọi triển vọng về hành lang kinh tế Ả Rập Xê Út - Israel nối Ấn Độ với châu Âu giờ đây đã trở nên xa vời. Tuy nhiên, Trung Quốc thực sự gặt hái được những gì?

Ông Yitzhak Tzubara, cựu trung sĩ của cơ quan tình báo quân đội Israel, cho rằng, mặc dù Trung Quốc đang đạt được những tiến bộ ở Trung Đông nhưng nước này không bao giờ có thể thay thế được Mỹ.

“Người Trung Quốc không phải là người Mỹ, và đây chính là nguồn gốc điểm yếu của họ. Anh không thể trở thành một cường quốc toàn cầu nếu không có những đồng minh và một đội quân quân sự hùng mạnh trên toàn cầu”, ông nói.

Cho đến nay, cả Ả Rập Xê Út và tất cả các quốc gia khác ở Trung Đông đều sẵn sàng cho phép Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thay thế quân đội Mỹ làm nhà cung cấp an ninh. Và hầu hết các quốc gia đều ưa chuộng vũ khí của Mỹ hơn vũ khí của Trung Quốc. Họ cũng mong muốn dùng đồng USD làm đồng tiền dự trữ thay vì đồng nhân dân tệ.

Ông Tzubara cho biết, Hiệp định Abraham (hiệp định bình thường hóa quan hệ giữa Israel với khu vực) do Mỹ hậu thuẫn đề cập đến sự hợp tác thực chất ở Trung Đông, trong khi “thỏa thuận với Trung Quốc thiên về việc Mỹ rút lui. “Trung Quốc muốn can dự Và họ có lợi ích cũng như nhập khẩu nhiều dầu hơn Mỹ. Và điều đó sẽ không thay đổi”.

Ông lập luận rằng Ả Rập Xê Út “không muốn chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ. Họ thích bắt tay với cả hai bên và thúc đẩy các chương trình nghị sự chính sách của riêng mình”.

Hiện tại, có vẻ như ĐCSTQ đang đạt được tiến bộ trong lĩnh vực tuyên truyền và nhận được sự ủng hộ từ một số quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, mức độ của thắng lợi này vẫn chưa rõ ràng. Điều đáng nói là Ả Rập Xê Út chưa hề phát đi tín hiệu mong muốn chấm dứt liên minh với Mỹ. Chưa kể là Châu Âu và các nước G7 vẫn đang đứng về phía Mỹ và Israel.

Xét trên phạm vi rộng lớn hơn về động lực quyền lực toàn cầu, Mỹ khó có thể giành được sự ủng hộ của Taliban hay Nam Phi, một thành viên của khối các nền kinh tế mới nổi lớn BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã chỉ trích mạnh mẽ Israel. Cuối cùng thì Washington sẽ tiếp tục duy trì vị thế thống trị trên trường quốc tế, trong khi Bắc Kinh vẫn kiên trì theo đuổi vị trí dẫn đầu.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện là Giáo sư và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông gồm: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc); và A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Thắng lợi ngoại giao của Trung Quốc ở Trung Đông