Chiến lược an ninh mới của Nhật Bản: Cứng rắn với Trung Quốc, rút kinh nghiệm từ Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhật Bản cuối cùng cũng quyết định tăng cường năng lực phòng thủ để chống lại Trung Quốc. Trong chiến lược an ninh quốc gia mới, Tokyo tăng ngân sách quốc phòng từ 1% lên 2% GDP. Điều này đưa Nhật Bản lên vị trí thứ ba toàn cầu về chi tiêu quân sự, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ ủng hộ chiến lược cứng rắn hơn này của Nhật Bản.

Đại sứ Mỹ tại Nhật, ông Rahm Emanuel, đánh giá động thái này như sau: “Thủ tướng [Nhật] đang đưa ra một tuyên bố chiến lược rõ ràng và dễ hiểu về vai trò của Nhật Bản với tư cách là lực lượng bảo vệ an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Quân đội Nhật Bản đang trong quá trình trang bị thêm nhiều loại tên lửa phản công mới, bao gồm tên lửa đất đối hạm do tập đoàn Mitsubishi phát triển, tên lửa hành trình Tomahawk mua từ Mỹ.

Tokyo dự định rằng, trong thập kỷ tới, năng lực của Nhật Bản sẽ đủ mạnh “để làm rối loạn và đánh bại các cuộc xâm lược trong thời gian nhanh hơn nhiều và ở khoảng cách xa hơn nhiều”.

Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nhật Bản đánh dấu sự thay đổi đáng hoan nghênh so với hiến pháp hòa bình lỗi thời năm 1947. Chiến lược này đã rất đúng đắn khi gọi Trung Quốc là “thách thức chiến lược lớn nhất”.

Nhật Bản hiện là một nền dân chủ; họ cần phải từ bỏ mặc cảm đế quốc trong quá khứ và nhận ra rằng họ là một trong những quốc gia quan trọng nhất trong nỗ lực đảm bảo hòa bình ở châu Á, bằng cách trở thành đối trọng với chế độ độc tài nguy hiểm nhất thế giới [Trung Quốc].

Chiến lược mới của Tokyo được xây dựng từ việc quan sát chặt chẽ cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Moscow đã chứng minh rằng một chế độ độc tài có thể đủ điên rồ để xâm lược một nước láng giềng trong thế kỷ 21, và loại vũ khí phi đối xứng nhỏ như tên lửa chống tăng vác vai Javelin có thể tạo ra sự khác biệt trong việc ‘làm cùn’ hành vi gây hấn.

“Mỗi người chúng ta phải nhận thức được rằng chúng ta đang bảo vệ đất nước của mình”, Thủ tướng Nhật Bản, ông Fumio Kishida, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 16/12.

Chiến lược an ninh mới của Nhật Bản: Cứng rắn với Trung Quốc, rút kinh nghiệm từ Ukraine
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tham dự một cuộc họp báo ở Tokyo vào ngày 16/12/2022. (Ảnh: David Mareuil/Pool/AFP qua Getty Images)

Nhật Bản phải suy tính đến những điểm khác biệt và tương đồng giữa cuộc chiến tại Ukraine và những thách thức an ninh mà họ đang phải đối mặt. Trung Quốc mạnh hơn nhiều so với Nga về kinh tế, ngoại giao, về vũ khí thông thường cũng như năng lực sản xuất trên quy mô công nghiệp để liên tục chế tạo các loại vũ khí đó trong thời gian xảy ra chiến tranh. Chuỗi cung ứng của Trung Quốc có thể được coi là tốt nhất trên thế giới, mặc dù phần lớn công nghệ của nước này đi sau Mỹ và châu Âu.

Liên minh giữa Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đang thúc đẩy Tokyo tăng cường tập trung cho quốc phòng. Bình Nhưỡng đã phóng một tên lửa đạn đạo bị nghi là có khả năng mang đầu đạn hạt nhân qua Nhật Bản vào tháng 10, khiến Nhật Bản phải yêu cầu người dân trú ẩn.

Triều Tiên thường bị lãng quên trong chính sách chính trị của các siêu cường, nhưng thực tế lại là con bài chiến lược ‘ngông cuồng’. Ví dụ, có thể Moscow hoặc Bắc Kinh sẽ sử dụng một Bình Nhưỡng được trang bị vũ khí hạt nhân cho một cuộc chiến ủy nhiệm mang tính tự sát để chống lại Nhật Bản và Mỹ, từ đó họ có thể phủ nhận trách nhiệm và thoát khỏi sự ngăn chặn của Mỹ và Nhật Bản.

Bắc Kinh đã cho thấy họ đang dự tính thực hiện hành động gây hấn như vậy bằng việc để máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân bay chung với Nga trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông, lần gần đây nhất là vào tháng 11. Hoạt động thử nghiệm quân sự của Trung Quốc ở khu vực ranh giới trên không và trên biển với Nhật Bản là rất hung hăng; điều này buộc Tokyo phải chuẩn bị máy bay chiến đấu và các nguồn lực hải quân. Vào tháng 8, quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã đi xa đến mức bắn tên lửa vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Chính quyền Trung Quốc đang tìm cách xâm lược Đài Loan thông qua các hoạt động sát thương hoặc phi sát thương, điều này sẽ đặt các tuyến đường biển và các đảo cực nam của Nhật Bản vào nguy hiểm. Cùng với khu vực Biển Đông và Hàn Quốc, Nhật Bản là mục tiêu tiềm năng tiếp theo, sau Đài Loan, của một Trung Quốc đang bành trướng.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phản ứng lại kế hoạch phòng thủ mới của Nhật Bản bằng chiến lược ầm ĩ quen thuộc của họ. PLA đã cử các tàu khu trục và một tàu giám sát đi qua eo biển Osumi và Miyako của Nhật Bản rồi tiến vào Tây Thái Bình Dương.

Chiến lược an ninh mới của Nhật Bản: Cứng rắn với Trung Quốc, rút kinh nghiệm từ Ukraine
Các thủy thủ đứng trên boong của tàu khu trục Nam Xương (Nanchang) Type 055 mới được trang bị tên lửa dẫn đường của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), trong cuộc duyệt binh hải quân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hải quân PLA, ở vùng biển gần Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc, ngày 23/04/2019. (Ảnh: Mark Schiefelbein/AFP qua Getty Images)

Nhật Bản và các đồng minh của họ — bao gồm Úc, Đài Loan và Hàn Quốc — cần tăng chi tiêu quân sự, ngừng ‘bơm máu’ cho nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời tập trung vào bảo vệ lãnh thổ và thị trường của họ. Úc và Hàn Quốc nên noi gương Nhật Bản trong việc tăng ngân sách quốc phòng lên 2%. Đài Loan đang ở mức 2,4% và nên tăng lên bằng Mỹ, ở mức 3,3%.

Sự yếu kém của các nước sẽ khuyến khích những kẻ ‘cứng đầu’ ở Bắc Kinh và Moscow thực hiện các cuộc chiến tranh xâm lược thảm khốc. Các đồng minh của Mỹ không nên mong đợi sự bảo vệ hoàn toàn từ Hoa Kỳ trừ khi họ tự bảo vệ mình trước.

Nhật Bản và các đồng minh cũng nên nghiên cứu tác động của việc Ukraine thua kém hơn về mặt hạt nhân so với Nga. Điều đó đã cho phép Nga tiến hành xâm lược mà không sợ bị trả đũa hạt nhân và không sợ chiến tranh sẽ lan sang lãnh thổ Nga. Đây là lợi thế mà Tổng thống Nga Vladimir Putin công khai coi là một điểm cộng chiến lược.

Trong khi Ukraine đang anh dũng bảo vệ phần lớn đất nước của họ bằng các loại vũ khí thông thường (vũ khí phi hạt nhân), thì họ đã để mất Crimea, phần lớn Donbass và những vùng đất rộng lớn ở phía nam, nơi cung cấp một hành lang trên bộ cho căn cứ hải quân Sevastopol.

Ukraine đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công trên diện rộng nhằm vào thường dân và cơ sở hạ tầng, bao gồm cả lưới điện. Vì lo sợ leo thang hạt nhân, Mỹ vẫn gây áp lực lên Kiev và ngấm ngầm hạn chế tầm bắn của tên lửa HIMARS nhằm gây khó khăn cho việc tấn công vào lãnh thổ Nga.

Điều đó làm tổn hại đến khả năng răn đe Moscow. Cuộc tấn công thảm khốc của Nga vào Ukraine chứng tỏ rằng các nhà độc tài sở hữu vũ khí hạt nhân có thể hành động mà không bị trừng phạt. Bắc Kinh phải được kiềm chế bằng sự răn đe cứng rắn hơn so với những gì Ukraine có [để răn đe Moscow], và Mỹ nên ngừng chặt đứt đôi cánh của các đồng minh dân chủ của họ.

Mặc dù việc răn đe sẽ khiến ĐCSTQ vô cùng tức giận, nó phải được duy trì cho đến khi Bắc Kinh dân chủ hóa đất nước hoặc ít nhất là bày tỏ mong muốn hòa bình. Bằng chứng cho mong muốn đó nên bao gồm việc hoan nghênh nền độc lập của Đài Loan, phá dỡ các căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông, chấm dứt chính sách diệt chủng của Bắc Kinh - bao gồm cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và Pháp Luân Công, và đạt được một số thỏa thuận lâu dài với Ấn Độ và Bhutan về biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya.

Chỉ khi ĐCSTQ chấm dứt thái độ hung hăng và các hành vi vi phạm nhân quyền của họ thì Mỹ, Nhật Bản và các đồng minh mới chấm dứt các chính sách (đang có tính đúng đắn) là răn đe quân sự và tách rời kinh tế.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).



BÀI CHỌN LỌC

Chiến lược an ninh mới của Nhật Bản: Cứng rắn với Trung Quốc, rút kinh nghiệm từ Ukraine