Chuyên gia: Luật mới của Trung Quốc khiến doanh nghiệp nước ngoài ‘hoang mang’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo ông Jon Pelson - cựu giám đốc cấp cao của British Telecom, đạo luật “chống gián điệp" mới được sửa đổi của chính quyền Bắc Kinh sẽ gây ra ảnh hưởng “đáng sợ" đến những doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc.

Vào ngày 26/4/2023, Trung Quốc đã thông qua phiên bản mới của đạo luật chống gián điệp, gọi là “Luật Chống gián điệp sửa đổi”. Luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.

“Luật Chống gián điệp sửa đổi” đã mở rộng định nghĩa của “hoạt động gián điệp" và làm cho nó trở nên mơ hồ hơn; do đó, bất kỳ loại thông tin hay tài nguyên nào cũng sẽ dễ dàng bị chính quyền Bắc Kinh liệt vào diện “nhạy cảm với an ninh quốc gia".

Ví dụ, “bất kỳ tài liệu, dữ liệu, tài nguyên, hay vật phẩm nào liên quan đến ‘an ninh và lợi ích’ quốc gia của Trung Quốc” thì đều được coi là “bí mật quốc gia”, do đó không ai được phép đánh cắp hoặc chiếm đoạt.

Theo “Luật Chống gián điệp sửa đổi”, các hành vi như bán thông tin cho các tổ chức hoặc các đặc vụ gián điệp, tổ chức các cuộc tấn công mạng vào các cơ quan nhà nước, các đơn vị liên quan đến bảo mật, hoặc các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu của Trung Quốc, cũng được coi là hoạt động gián điệp.

Ông Pelson chính là tác giả của cuốn sách “Wireless Wars", tựa Việt là “Cuộc chiến không dây". Ông chỉ ra cụm từ “lợi ích quốc gia" trong đạo luật mới có ý nghĩa quá mơ hồ, còn mơ hồ hơn cả “an ninh quốc gia".

“Cái gì thì mới không được coi là ‘lợi ích quốc gia' ở đây? Đánh bại một nhà vô địch quốc nội trong chính bộ môn mà họ giỏi nhất, cũng có thể được coi là làm tổn hại lợi ích quốc gia, và có thể bị cáo buộc là đã vi phạm luật", ông Pelson bày tỏ trong chương trình “China in Focus" của đài NTD.

“Hoặc nếu có ai đó thông qua cạnh tranh hợp pháp làm tổn hại lợi ích của một công ty, mà công ty này lại đóng vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia, thì người đó có lẽ đã vi phạm luật tình báo, luật an ninh quốc gia rồi”.

“Đối với những nam nữ doanh nhân ở Trung Quốc, chỉ đơn thuần muốn kiếm tiền và không hề dính dáng đến những vấn đề tình báo hay quân sự, thì đạo luật này quả là đáng sợ", trích lời ông Pelson.

Miễn khiếu nại

Ông Pelson đánh giá về tác động trên quy mô lớn của “Luật Chống gián điệp sửa đổi” rằng, nếu các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm luật, thì khả năng cao họ sẽ không được xét xử công bằng như ở các quốc gia tự do như Hoa Kỳ.

“Ở Trung Quốc, quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là duy nhất và tối cao nhất, họ nói sao thì là như vậy. Rất nhiều người đã bị bắt, bị giam giữ nhưng hoàn toàn không được phép khiếu nại, và không hề được tiếp cận với những sự hỗ trợ từ các đại sứ quán”, ông Pelson nói.

Ông Pelson đang muốn nói tới sự kiện gần đây của công ty thẩm định doanh nghiệp Mintz Group của Hoa Kỳ. Vào hồi tháng 3/2023, giới chức Trung Quốc đã đột kích văn phòng Bắc Kinh của Mintz Group và bắt giữ 5 nhân viên người Trung Quốc, cáo buộc họ có dính líu đến những hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Chính quyền Trung Quốc sau đó cũng xác thực những cáo buộc này.

Theo nguồn tin từ tạp chí Wall Street Journal, một giám đốc điều hành của công ty Mintz Group cho biết, họ không nhận được bất cứ thông tin nào về lý do văn phòng của họ bị đột kích, ai là người đang giam giữ nhân viên của họ, cũng như khi nào nhân viên của họ sẽ được thả tự do.

Sự cố trên đã khiến Mintz Group phải đóng cửa văn phòng tại Trung Quốc. Đây là một bước thụt lùi lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế ở Trung Quốc, bởi vì cộng đồng này phụ thuộc rất nhiều vào sự thẩm định uy tín của Mintz Group trong việc tuyển dụng, giao dịch, và kiện tụng ở Trung Quốc.

Sự cố xảy ra chỉ vài ngày trước khi CEO Tim Cook của Apple ghé thăm Trung Quốc. Ông Pelson cho rằng đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

“Theo tôi, Trung Quốc đang muốn gửi đi một thông điệp, một thông điệp vô cùng ngạo mạn. Họ muốn nói: ‘Các vị ghé thăm Trung Quốc, muốn kinh doanh ở đây, vậy thì hãy quan sát thật kỹ xem chúng tôi sẽ làm gì. Chúng tôi kìm hãm khả năng kinh doanh của các vị ngay trước mắt các vị, theo phong cách thông tin mở và chia sẻ dữ liệu của chính các vị, mà các vị chẳng thể làm gì được chúng tôi’".

Ông Pelson cho rằng, việc môi trường kinh doanh ngày một trở nên khắc nghiệt ở Trung Quốc sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp ngoại quốc rút vốn ra khỏi nước này.

Ông Pelson chia sẻ rằng: “Hiện nay, có rất nhiều nước trên toàn cầu đang tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc chiến lược vào Trung Quốc. Và trào lưu này sẽ chỉ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Tôi đã nghe một số người tâm sự rằng họ không muốn, và thậm chí là không thể đưa người sang Trung Quốc để giải quyết sự cố nữa. Họ quyết định sẽ rút lui khỏi thị trường Trung Quốc”.

“Họ còn chứng kiến nhiều người bạn của họ phải chịu cảnh bị tước đoạt hộ chiếu, điện thoại, máy tính xách tay, và bị ‘giam lỏng’ ở Trung Quốc. Điều này sẽ khiến nhiều công ty lớn cảm thấy ngần ngại khi đưa người sang Trung Quốc”.

Theo The Epoch Times

Ngọc Hạ biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Luật mới của Trung Quốc khiến doanh nghiệp nước ngoài ‘hoang mang’