Chuyên gia: Mạng lưới khủng bố bắt tay tội phạm có tổ chức tàn phá châu Phi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới phân tích an ninh, chuyên gia chống khủng bố, nhà hoạt động tình báo đều đang gióng hồi chuông cảnh báo rằng những kẻ khủng bố và các nhóm tội phạm có tổ chức đang hội tụ và bắt tay nhau tại châu Phi; trong khi đó, các chính phủ trên lục địa đen lại không có chính sách xử lý gốc rễ vấn đề, đồng thời không nhận được hỗ trợ đầy đủ từ quốc tế.

“Phương Tây đang dồn tiền hỗ trợ Ukraine chống lại Nga, điều đó có thể hiểu được. Nhưng cùng lúc đó, thế giới đã bỏ qua mối liên hệ giữa khủng bố và tội phạm có tổ chức ở châu Phi, điều này đặt châu Phi vào nguy hiểm”, ông Martin Ewi - điều phối viên thuộc bộ phận Giám sát Tội phạm Có tổ chức tại Viện Nghiên cứu An ninh ở Pretoria (Nam Phi) - cho biết.

“Châu Phi không có đủ sự hỗ trợ trong nước và quốc tế cho cuộc chiến chống khủng bố, và điều này đã tạo ra một khoảng trống hoàn hảo để Tập đoàn Wagner của Nga bước vào dưới chiêu bài chống khủng bố; nhưng hiện tại Wagner lại 'chống khủng bố' bằng cách liên kết với các nhóm tội phạm có tổ chức, đặc biệt là để khai thác quặng trái phép".

Ông Ewi kể với The Epoch Times rằng các chiến binh thánh chiến đã đến hoạt động ở châu Phi từ những năm 1990, nhưng đã gia tăng đáng kể số lượng tại đây sau vụ tấn công 11/9 ở Mỹ, bởi họ được truyền cảm hứng từ sự thành công của Osama bin Laden và tổ chức al-Qaeda của hắn.

Ông nói: “Vụ tấn công 11/9 không thể xảy ra nếu không có nguồn tài trợ và sự hỗ trợ được cung cấp thông qua các kênh tội phạm có tổ chức, và cho đến nay, những kẻ khủng bố ở châu Phi vẫn sử dụng công thức của Bin Laden”.

“Đối với những kẻ khủng bố, lợi ích tài chính từ hoạt động phạm tội có tổ chức không phải là mục đích cuối cùng, mà đó là phương tiện cho mục tiêu chính trị, tôn giáo hoặc ý thức hệ lớn hơn”. Điều này có nghĩa là không chỉ những kẻ lừa đảo hay các tổ chức đang tìm kiếm nguồn lợi nhuận sẽ tiến hành các hoạt động phạm tội có tổ chức, mà thay vào đó, những kẻ khủng bố cũng làm như vậy, theo ông Ewi.

Chính quyền phản ứng ‘yếu ớt’ trong khi liên minh khủng bố - tội phạm phát triển mạnh

Ủy ban 11/9 - do chính phủ Hoa Kỳ thành lập để điều tra các vụ tấn công năm 2001 - nhận thấy rằng toàn bộ hoạt động khủng bố (bao gồm tài trợ, lập kế hoạch, lên chiến thuật, mua sắm nguyên vật liệu và chuẩn bị các tuyến đường di chuyển) đều dựa vào các kênh tội phạm có tổ chức.

Ủy ban này ước tính rằng Bin Laden và đồng phạm đã không cần đến số tiền lớn cho các cuộc tấn công vào Hoa Kỳ. Khoản tiền đó chỉ từ 400.000 đến 500.000 USD, trong đó 300.000 USD được gửi vào các ngân hàng tại Mỹ. Số tiền này đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các tổ chức từ thiện và các cá nhân đáng ngờ.

Chuyên gia: Mạng lưới khủng bố bắt tay tội phạm có tổ chức tàn phá châu Phi
17 kẻ khủng bố Boko Haram bị bắt giữ. (Ảnh: Lực lượng đặc nhiệm chung đa quốc gia ở khu vực Hồ Chad )

Ủy ban 11/9 phát hiện ra rằng khoản tiền đã được chuyển đến Mỹ bằng nhiều cách, bao gồm thông qua các ngân hàng và các chương trình chuyển tiền không chính thức.

“Những giao dịch này rõ ràng là đáng ngờ, nhưng các tổ chức [tài chính] đã phớt lờ hoặc không áp dụng các quy tắc mà họ lập ra. Đây chính là những gì đang xảy ra trên khắp châu Phi hiện nay”, ông Ewi nói.

“Một số quốc gia như Nam Phi đang thực hiện các biện pháp để quản lý và kiểm soát tình hình, nhưng hầu hết đều không thực hiện được”.

Ông Ewi nói thêm rằng vụ 11/9 đã “chính thống hóa” việc sử dụng các hoạt động phạm tội có tổ chức để tiến hành các vụ khủng bố thánh chiến.

“Nhiều kẻ khủng bố đã noi gương al-Qaeda trong việc kiếm tiền từ buôn bán ma túy và hàng giả. Trước vụ 11/9, những người Hồi giáo cực đoan chưa bao giờ dính líu đến buôn lậu ma túy, vì họ coi việc đó là trái với niềm tin của họ".

Bà Jeannine Ella Abatan - nhà nghiên cứu cấp cao tại Văn phòng khu vực Tây Phi, Sahel và lưu vực Hồ Chad của Viện Nghiên cứu An ninh - tin rằng vụ 11/9 vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho các nhóm khủng bố tại châu Phi.

Các nhóm này bao gồm al-Shabaab ở Somalia, Boko Haram ở lưu vực Hồ Chad, Jama'at Nusrat al-Islam wal-Muslimin ở Tây Phi, Đạo quân Kháng chiến của Chúa và Lực lượng Dân chủ Đồng minh (ADF) ở Uganda và Cộng hòa Dân chủ Congo, cũng như nhóm Seleka và các nhóm chống Balaka ở Cộng hòa Trung Phi.

Chuyên gia: Mạng lưới khủng bố bắt tay tội phạm có tổ chức tàn phá châu Phi
Ngôi nhà và chiếc xe này đã bị phá hủy bởi vụ nổ mà những kẻ khủng bố al-Shabaab gây ra trong cuộc tấn công vào đồn cảnh sát ở ngoại ô Mogadishu, Somalia, ngày 16/2/2022. (Ảnh: Hassan Ali Elmi/AFP/Getty Images)

Bà Abatan nói với The Epoch Times: “Các nhóm này và nhiều thực thể liên kết khác của al-Qaeda và 'Nhà nước Hồi giáo' đều có liên quan đến tội phạm có tổ chức”.

“Họ buôn lậu và bán ma túy, vũ khí, đạn dược. Họ cũng ngày càng nhúng sâu hơn vào nạn buôn người. Họ điều hành các đường dây tống tiền, các nhóm chuyên trộm gia súc, đồng thời sở hữu cũng như vận hành trái phép các mỏ quặng”.

Ông Ewi cho biết, khi mà những kẻ khủng bố và các nhóm tội phạm đang hình thành mối liên hệ “gần gũi hơn bao giờ hết”, thì chính phủ châu Phi lại phản ứng “yếu ớt”.

“Nếu chúng ta muốn ngăn chặn một cuộc tấn công thảm khốc khác ở châu Phi — như chúng ta đã thấy ở Kenya và Tanzania vào năm 1998, thì chính phủ ở mỗi khu vực phải phối hợp và tích hợp nhiều chiến lược, họ phải coi tội phạm có tổ chức và mạng lưới khủng bố là hai mặt của cùng một đồng xu, chứ không phải các hành vi không liên quan được thực hiện bởi các tổ chức tội phạm khác nhau".

Vào ngày 7/8/1998, các quả bom đã gần như đồng thời phát nổ trước các đại sứ quán Mỹ ở Nairobi (Kenya) và Dar es Salaam (Tanzania). Theo FBI, 224 người đã thiệt mạng trong vụ nổ, trong đó có 12 người Mỹ, và hơn 4.500 người bị thương.

Bin Laden đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công.

Bà Abatan cho biết hầu hết các chính phủ châu Phi đã và đang không giải quyết nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố, trong đó có tình trạng kém phát triển và nghèo đói; cũng như không phản ứng đủ nhanh, nếu có, đối với các giáo sĩ - những người “rao giảng về lòng căm thù và thánh chiến”.

Theo bà, “các cơ sở hỗ trợ và các hệ sinh thái mà tạo điều kiện cho khủng bố phát triển ở châu Phi đang ngày càng lớn mạnh”.

Bà Abatan lấy quốc gia nhỏ bé Benin ở Tây Phi làm ví dụ. Tại đây, những kẻ buôn lậu, thợ săn trái phép và các nhóm cực đoan bạo lực đã tạo dựng mối quan hệ với nhau.

Bà cho biết các cuộc tấn công khủng bố đã gia tăng nhanh chóng ở miền bắc Benin kể từ năm 2019, do Nhóm Hỗ trợ đạo Hồi và người Hồi giáo (GSIM) và Nhà nước Hồi giáo Đại Sahara (ISGS) gây ra.

“Các nhóm này hưởng lợi từ nhiều hoạt động bất hợp pháp đã tồn tại từ lâu - tồn tại từ trước khi các cuộc tấn công khủng bố bắt đầu diễn ra ở Benin. Những kẻ khủng bố đang thực hiện nhiều giao dịch phạm tội, bao gồm buôn lậu nhiên liệu, buôn bán gai dầu Ấn Độ [có hàm lượng chất gây nghiện cao] và săn bắt trái phép các loài sinh vật hoang dã quý hiếm”, bà Abatan nói.

“Các nhóm cực đoan bạo lực đã liên minh với nhiều cá nhân thực thi các hoạt động tội phạm này, từ đó có được nguồn cung nhân lực và tài chính”.

"Những kẻ cực đoan đã lợi dụng sự bất mãn của người dân đối với nhà nước, cũng như lợi dụng nhu cầu cần được bảo vệ và mong muốn duy trì sinh kế của dân thường”.

Chuyên gia: Mạng lưới khủng bố bắt tay tội phạm có tổ chức tàn phá châu Phi
Chiến binh thuộc phiến quân Seleka đang đeo đai đạn quanh cổ, tại Bangui, Cộng hòa Trung Phi, ngày 29/3/2013. (Ảnh: Sia Kambou/AFP/Getty Images)

"Những kẻ cực đoan cho phép những người cộng tác với chúng được tiếp cận một số khu vực nhất định, đồng thời cung cấp một số dịch vụ và đảm bảo an ninh cho những người này, cũng như tạo điều kiện tiếp thị các sản phẩm buôn lậu".

Bà Abatan cho hay, mối quan hệ hợp tác giữa tội phạm buôn người và những kẻ cực đoan ở vùng Kourou - Koualou, phía đông Benin, đã cho phép các nhóm khủng bố có được nguồn nhiên liệu cần thiết để di chuyển, vận chuyển và tiến hành các cuộc tấn công. Những kẻ khủng bố lấy tiền từ những kẻ buôn lậu, đổi lại, họ cung cấp sự bảo vệ và an ninh trong khu vực mà diễn ra các hoạt động buôn lậu.

Bà Abadan nói: "Những kẻ cực đoan còn hợp tác với những thợ săn bắn trái phép trong các khu rừng. Những kẻ cực đoan mua thịt từ thợ săn và tuyển mộ nhiều người trong số họ vào hoạt động khủng bố".

Lợi dụng phụ nữ

Theo ông Oluwole Ojewale - nhà phân tích an ninh, ở Nigeria, các tổ chức khủng bố đang tuyển dụng phụ nữ để vận chuyển súng trái phép.

Ông nói với The Epoch Times rằng các nhóm như Boko Haram đã tạo dựng mối liên kết chặt chẽ với nhiều nhóm cướp ở Nigeria - những kẻ có liên quan đến nạn cướp có vũ trang, bắt cóc, giết người, hãm hiếp và tàng trữ vũ khí trái phép.

“Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động vận chuyển và mua bán vũ khí bất hợp pháp ở tây bắc Nigeria mà có liên quan đến những kẻ buôn bán phụ nữ”.

Ông cho biết lực lượng an ninh “ít nghi ngờ” phụ nữ hơn. Ngày càng nhiều những phụ nữ như thế này bị đẩy vào con đường phạm tội vì nghèo đói.

“Những người phụ nữ giấu súng trường AK-47 dưới mạng che mặt hoặc giấu thiết bị nổ tự chế sau lưng như thể đang mang theo trẻ sơ sinh. Họ vận chuyển trái phép súng và đạn dược giữa bọn cướp và bọn khủng bố.

"Tây bắc Nigeria là một nơi tốt để ẩn náu vì ở đó không có đầy đủ sự hiện diện của lực lượng an ninh. Khu vực biên giới đó của Nigeria cũng được quản lý rất kém".

Ông Lai Mohammed - cựu Bộ trưởng Thông tin Nigeria - nói với The Epoch Times rằng 95% vũ khí dùng cho khủng bố và bắt cóc đã được buôn bán qua các vùng biên giới lỏng lẻo của đất nước này; chúng có nguồn gốc từ Libya và các quốc gia châu Phi cận Sahara đang bị chiến tranh tàn phá.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Mạng lưới khủng bố bắt tay tội phạm có tổ chức tàn phá châu Phi