Đã đến lúc Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề Triều Tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Triều Tiên một lần nữa sử dụng chính sách bên miệng hố chiến tranh hạt nhân, tiến hành một loạt vụ thử tên lửa nhằm chuyển hướng sự chú ý của quốc tế khỏi cuộc xung đột đang leo thang giữa Nga và phương Tây về Ukraine và lôi kéo Mỹ trở lại bàn đàm phán.

“Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân” - Cựu Cố vấn an ninh Nhà trắng Iohn Bolton cho biết.

Màn hình TV chiếu bản tin về một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên, tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc, hôm 18/2/2023. (Ảnh: Anthony Wallace/AFP/Getty Images)

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên) đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm xa, đạt độ cao tối đa 1.242 dặm (2.000 km) và di chuyển 497 dặm (800 km) trước khi hạ cánh trên biển, đây có thể là vụ phóng khiêu khích nhất kể từ năm 2017. Vụ thử này là vụ phóng thứ bảy của Triều Tiên trong tháng 1, một lần nữa chứng minh rằng nước này không chỉ sở hữu khả năng tấn công các đồng minh của Mỹ trong khu vực mà còn có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Mỹ.

Theo một kịch bản có thể đoán trước, Triều Tiên đã dàn dựng vụ phóng tên lửa mới nhất này để thu hút sự chú ý của quốc tế, buộc Mỹ phải công nhận vị thế của mình là một cường quốc có khả năng trang bị tên lửa đạn đạo, được trang bị vũ khí hạt nhân và thúc đẩy Mỹ tương tác với Vương quốc Hermit (Vương quốc của những người ở ẩn). Trong một phản ứng có thể dự đoán tương tự, Mỹ sẽ lên án hành động của Triều Tiên, tham khảo ý kiến của các đồng minh trong khu vực và duy trì sự tiếp tục nhất quán và ngoài sức tưởng tượng của các chính sách ngăn chặn hiện có.

Về chính sách hiện tại của Hoa Kỳ đối với Triều Tiên, Hoa Kỳ vẫn cam kết vì một Bán đảo Triều Tiên ổn định, hòa bình và đoàn kết chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác sẽ được hưởng lợi ích nhất định đối với tương lai của Bán đảo Triều Tiên. Hoa Kỳ tiếp tục cố gắng lôi kéo Triều Tiên vào các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa và thuyết phục nước này tôn trọng các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của mình. Đồng thời, Hoa Kỳ đã làm việc để đảm bảo việc thực hiện các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm ngăn chặn mạng lưới hạt nhân, tên lửa và phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhưng không mấy thành công.

Những mục tiêu nhất quán của Hoa Kỳ bao gồm: hạn chế các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, cũng như việc nước này tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp khác; ủng hộ bất kỳ cuộc đối thoại nào trong tương lai để thống nhất theo một thời gian biểu tương xứng với nguyện vọng của người dân Hàn Quốc; và cung cấp viện trợ nhân đạo để giảm bớt đau khổ cho Triều Tiên.

Ngược lại, Triều Tiên đã liên tục gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định thông qua các hành động khiêu khích có tính toán. Các vụ phóng tên lửa gần đây nhất chỉ là vụ việc mới nhất trong một chuỗi các hành động kích động, khiêu khích và tấn công nhằm đạt được các mục tiêu của Triều Tiên. Vụ tấn công tàu hộ tống Cheonan của hải quân Hàn Quốc vào tháng 3/2011, vụ pháo kích vào đảo Yeonpyeong và phá hủy Văn phòng liên lạc liên Triều chỉ là một vài ví dụ về sự coi thường của Triều Tiên đối với Mỹ và cộng đồng quốc tế.

 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tham dự một cuộc họp ở phía nam của Đường phân giới quân sự phân chia Bắc và Nam Triều Tiên, trong Khu vực an ninh chung (JSA) của ngôi làng Bàn Môn Điếm (Panmunjom) tại Khu phi quân sự (DMZ), Bán đảo Triều Tiên, ngày 30/6/2019. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tham dự một cuộc họp ở phía nam của Đường phân giới quân sự phân chia Bắc và Nam Triều Tiên, trong Khu vực an ninh chung (JSA) của ngôi làng Bàn Môn Điếm (Panmunjom) tại Khu phi quân sự (DMZ), Bán đảo Triều Tiên, ngày 30/6/2019. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images)

Các cuộc gặp được đưa tin rầm rộ giữa cựu Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không mang lại nhiều kết quả trong việc đình chỉ các vụ thử vũ khí hạt nhân và làm giàu Uranium của Triều Tiên, và những vụ thử tên lửa gần đây nhất này đã chứng minh cho sự tiến bộ của Triều Tiên trong chương trình tên lửa đạn đạo. Các vụ phóng tên lửa và những vụ thử hạt nhân chính là mục tiêu của Triều Tiên trong việc tiến hành các sự kiện khiêu khích song song.

Bất chấp những đồn đoán về việc liệu chế độ này cuối cùng có sụp đổ hay không, Triều Tiên đã tồn tại được hơn 30 năm kể từ khi Liên Xô sụp đổ và sự tồn tại của chế độ này vẫn là mục tiêu chính của nước này.

Chính sách của Hoa Kỳ đối với Triều Tiên đã dựa trên nguyên tắc "kiên nhẫn chiến lược" trong hai thập kỷ qua. Đặc trưng trong chiến thuật của Mỹ là ngăn chặn xâm lược thông qua sự hiện diện quân sự mạnh mẽ tại Hàn Quốc, hợp tác với các đồng minh trong khu vực và đối thoại với Trung Quốc để thuyết phục và gây ảnh hưởng đến Triều Tiên.

Máy bay chiến đấu F-15K của Không quân Hàn Quốc và máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Mỹ bay qua Bán đảo Triều Tiên để đáp trả vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) của Triều Tiên vào ngày 4/10/2022. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc/Getty Images)

Đồng thời, Hoa Kỳ đã sử dụng áp lực kinh tế, bao gồm các biện pháp trừng phạt đơn phương và do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủy quyền, để cố gắng buộc Triều Tiên tuân thủ. Hơn nữa, những nỗ lực đối thoại và đàm phán của Hoa Kỳ đã dẫn đến việc Triều Tiên tiếp tục tỏ ra thách thức.

Theo cách tiếp cận chính sách hiện tại, Hoa Kỳ luôn phản ứng trước các tình huống do Bình Nhưỡng đặt ra. Sự “kiên nhẫn chiến lược” của Hoa Kỳ đã nhường chỗ cho khả năng dự đoán chiến lược, điều mà Triều Tiên khai thác một cách thành thạo. Do các chính sách hiện tại của Hoa Kỳ đối với Triều Tiên mang lại hiệu quả kém, có lẽ Hoa Kỳ cần phải có một chiến lược sáng tạo, toàn diện và có tầm nhìn xa hơn.

Cần phải có một nỗ lực mới của Hoa Kỳ, tập trung vào cách tiếp cận gián tiếp về "sự mơ hồ có tính toán". Mỹ sẽ không hành động và phản ứng theo tính toán của Bình Nhưỡng nữa. Chiến lược mới này của Hoa Kỳ sẽ đòi hỏi sự tinh tế, vừa năng động vừa tế nhị, nhưng vốn dĩ không thể đoán trước được. Chính sách tiếp cận mới của Hoa Kỳ với Triều Tiên đòi hỏi Washington phải có một cách tiếp cận cẩn trọng và được phối hợp chặt chẽ hơn.

Mục tiêu của chiến lược này là hạn chế quyền tự do hành động của Bình Nhưỡng bằng cách tạo ra sự không chắc chắn lâu dài về ý định của Mỹ, khiến cho Triều Tiên mất cân bằng về ngoại giao, quân sự và kinh tế. Chiến lược này nhằm thay đổi hành vi của Triều Tiên mà không nhất thiết dẫn đến sự sụp đổ của chế độ này. Thay vào đó, sự mơ hồ có tính toán là một chiến lược "thắt chặt và giải phóng" liên tục, với việc Mỹ sắp xếp thời gian và phương tiện để định hình các hành động của Triều Tiên.

Ví dụ, các nỗ lực ngoại giao của Mỹ sẽ tập trung vào việc công nhận chủ quyền của Triều Tiên, thừa nhận tham vọng của nước này và theo đuổi các nỗ lực can dự nhằm khuyến khích hòa nhập vào cộng đồng quốc tế. Không thể có điều kiện ràng buộc nào đối với hỗ trợ nhân đạo. Đồng thời, Mỹ sẽ tiến hành các hành động quân sự trong khu vực như triển khai năng lực tấn công quân sự đáng gờm có khả năng "tiêu diệt chế độ", sau đó là các cuộc tập trận "phô diễn lực lượng" định kỳ.

Sau đó, Washington sẽ tiến hành một chiến dịch thông tin phối hợp nhằm tìm cách trấn an giới lãnh đạo Triều Tiên, đồng thời thực hiện các hoạt động bí mật để dần dần gây ảnh hưởng đến người dân Triều Tiên. Việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế và một số cơ chế tài chính sẽ hoàn thiện phương pháp tiếp cận này.

Hiệu quả mong muốn: cách tiếp cận có chủ đích "cây gậy và củ cà rốt" nhìn bề ngoài có vẻ thất thường và thiếu sự phối hợp của Mỹ, sẽ khiến Bình Nhưỡng do dự và thiếu quyết đoán.

Tất nhiên, chiến lược này không phải là không có khó khăn và rủi ro. Chiến lược mơ hồ có tính toán đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực, cũng như phải giải thích cẩn thận với Trung Quốc rằng mọi thay đổi trong hành vi của Triều Tiên, bao gồm đình chỉ các chương trình hạt nhân và tên lửa bổ sung, tuân thủ luật pháp quốc tế và chấm dứt các hành vi khiêu khích liều lĩnh, sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

Các hành động của Triều Tiên hiện được tính toán dựa trên các phản ứng chính sách có thể dự đoán được của Hoa Kỳ. Khi Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa, Mỹ sẽ phản ứng theo cách thông thường và có thể đoán trước được. Khi đối phó với Triều Tiên, Hoa Kỳ nên từ bỏ định kiến rằng không thể thực hiện các cách tiếp cận chính sách đổi mới và thành công. Phát đi những tín hiệu lẫn lộn thông qua một chính sách mơ hồ có tính toán là một trang trong vở kịch của Bình Nhưỡng. Yếu tố không thể lường trước sẽ buộc Triều Tiên phải liên tục đánh giá lại các kế hoạch của mình, điều này có thể gây khó khăn nhưng cuối cùng sẽ khiến Bình Nhưỡng điều chỉnh và tuân thủ ở một vài mức độ.

Hoa Kỳ không có gì để mất khi áp dụng một cách tiếp cận mới đối với các vấn đề của Triều Tiên. Các chính sách trong quá khứ đem lại rất ít hiệu quả. Mỹ không ngăn cản được Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc phát triển khả năng khai hỏa tên lửa để đối đầu với Hoa Kỳ.

Việc tiếp tục theo đuổi các chính sách nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân không chỉ phi thực tế mà còn liều lĩnh. Hiện tại có một cơ hội hữu hạn để thực hiện các cách tiếp cận mới và sáng tạo nhằm đạt được các mục tiêu chính sách của Hoa Kỳ trên bán đảo Triều Tiên, điều sẽ định hình môi trường chiến lược theo hướng thiện chí và thuận lợi. Thước đo thành công mới là tạo ra các điều kiện mang lại cho Mỹ sáng kiến chiến lược vĩnh viễn và lợi thế trước Triều Tiên và hành vi của nước này.

Bài viết của một cựu Sĩ quan ẩn danh của Lực lượng Đặc biệt. Bài viết này lần đầu tiên xuất hiện trên tờ The Havok Journal.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đã đến lúc Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề Triều Tiên