Sức mạnh thầm lặng của một doanh nhân Trung Quốc được Nghị viện bang Virginia khen thưởng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 21 tháng 2 năm 2023, Cơ quan lập pháp bang Virginia đã thông qua nghị quyết khen thưởng học viên Pháp Luân Công bà Vương Xuân Ngạn (Wang Chunyan). “Bà ấy là một người can đảm, dám vạch trần sự chuyên chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Bản nghị quyết khen ngợi bà Vương vì những đóng góp của bà cho bang: "Bà đã có những cống hiến trong việc nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và tự do tôn giáo, đồng thời khuyến khích nhiều người dân trong bang hãy bảo vệ các quyền tự do mà chúng ta có ngày hôm nay".

Vào ngày 23 tháng 2, tại Tòa nhà Nghị viện bang Virginia, người bảo trợ nghị quyết khen thưởng, Nghị sĩ Kaye Kory, đã giới thiệu bà Vương Xuân Ngạn với tất cả các đồng nghiệp của mình. Đây là phần nội dung mà các dân biểu đưa ra thảo luận, và họ cho rằng cần biểu dương trước khi thảo luận các dự luật khác.

Bà Kory đã giới thiệu bà Vương Xuân Ngạn là "một người sống sót sau khi thoát khỏi trại lao động cưỡng bức của ĐCS Trung Quốc", và là "một trường hợp điển hình về người sống sót luôn luôn giúp đỡ người khác và vô cùng kiên cường. Hơn nữa, bà không chỉ là trường hợp điển hình về những phương diện này, mà còn là một tấm gương mà người người đều có thể noi theo”.

Ngay tại nghi trường, các đồng nghiệp của bà Kory đã hoan nghênh bà Vương, và một số cư dân Virginia cũng có mặt trong khán phòng cũng đứng dậy vỗ tay chúc mừng.

Sau đó, Chủ tịch Hạ viện Virginia Todd Gilbert cảm ơn sự tham dự của bà Vương Xuân Ngạn, ông nói: "Nếu bất kỳ ai trong số các bạn thắc mắc tại sao chúng tôi phản đối ĐCSTQ ở cấp lập pháp tiểu bang, thì đây là một ví dụ điển hình".

Sức mạnh thầm lặng

Bà Vương sau đó có buổi nói chuyện với bà Kory ở hành lang trong giờ giải lao. Nước mắt bà trào ra, và bà Kory đã ôm bà rất lâu. Bà Kory sau đó đã nói trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng: "Tôi rất cảm động và vinh dự khi bà ấy sẵn sàng mở lòng với tôi và cho tôi thấy nội tâm của bà ấy. Tôi biết bà ấy đã trải qua rất nhiều điều, bà ấy đã khóc, đó là những giọt nước mắt của nỗi đau và cả niềm vui”.

Bà Kory cho biết, bà Vương có "sức mạnh thầm lặng" và "tôi nghĩ bà ấy giữ nỗi đau cho riêng mình. Lần này, bà ấy đến quốc hội vì lý tưởng chứ không phải để nói về bản thân. Đó là điều tôi gọi là thầm lặng".

Bà Kory nói thêm: “Sự kiên trì của bà ấy hoàn toàn không có cái tôi tự ngã, bà ấy thật ấn tượng”.

Bà Vương Xuân Ngạn là một người điềm tĩnh và hiếm khi bộc lộ cảm xúc của mình trước công chúng. Nhưng lần này thì khác.

Bà nghĩ đến các học viên Pháp Luân Công bị bức hại ở Trung Quốc, trong đó có 20 người bạn của bà đã mất đi sinh mệnh vì họ không từ bỏ đức tin của mình. “Tôi thay mặt họ nhận lời tuyên dương này” - bà Vương nói với The Epoch Times, bà nghĩ Bản nghị quyết này là “một niềm an ủi cho tất cả các học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ bức hại đến chết, và đó cũng là một sự ủng hộ Pháp Luân Đại Pháp và ca ngợi vẻ đẹp của Chân, Thiện, Nhẫn”. Bà nói rằng, những người tin vào “Chân, Thiện, Nhẫn vẫn luôn bị đàn áp ở Trung Quốc trong hơn 20 năm qua”.

Vào tháng 7 năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã phát động cuộc đàn áp toàn quốc đối với các học viên Pháp Luân Công. Giang không ngờ rằng, ông ta đã sử dụng toàn bộ sức mạnh của quốc gia cũng không thể khiến Pháp Luân Công biến mất trong vòng ba ngày.

Các học viên đã đấu tranh ôn hòa trong 23 năm. Ngay cả sau khi Giang Trạch Dân qua đời vì bạo bệnh vào tháng 11 năm 2022, các học viên Pháp Luân Công vẫn kiên định với chính tín của mình.

"Tôi đã rơi nước mắt từ tận đáy lòng, hơn nửa giờ đồng hồ, những giọt nước mắt rơi xuống như những hạt châu” - bà Vương nói với The Epoch Times. Sự công nhận này có ý nghĩa rất lớn đối với bà. Bà Vương nói: "Tôi đã trải qua những cảm xúc mà tôi chưa bao giờ có trong cuộc đời, tôi đã từng không có niềm vui và hạnh phúc, trong lòng tôi trải qua đủ mọi tâm trạng đắng cay".

Ở Trung Quốc, bà Vương Xuân Ngạn là một doanh nhân thành đạt, người điều hành một công ty ngoại thương và hậu cần quốc tế có quy mô nhất định. Bà có thu nhập đáng kể, sống một cuộc sống viên mãn và có một gia đình hạnh phúc. Chồng bà không phải là học viên Pháp Luân Công.

Vào tháng 12 năm 2001, trong khi bà lưu lạc để tránh bị bức hại, người ta cho rằng chồng bà vì bảo vệ bà nên bị cảnh sát báo thù. Chồng bà đã bất tỉnh ở nhà mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào, đồng thời phát hiện khí gas bị xả ra. Ngày 3 tháng 1 năm 2002, ông qua đời tại bệnh viện. Cảnh sát cho rằng nguyên nhân cái chết của chồng bà là do ngộ độc khí gas, nhưng gia đình bà đã phát hiện một vùng đen có đường kính khoảng 10 cm trên hộp sọ của ông.

Bố mẹ chồng bà đã báo cáo vụ việc với cảnh sát và yêu cầu cảnh sát điều tra nguyên nhân thực sự cái chết của chồng bà, nhưng cảnh sát không những không tiếp nhận vụ án mà còn yêu cầu: "Nếu muốn biết nguyên nhân cái chết, hãy để con dâu của gia đình đến đồn cảnh sát".

Họ muốn bà Vương Xuân Ngạn phải đến đồn cảnh sát, nhưng tình huống của bà khi đó đã là người lưu lạc, phải trốn tránh sự truy lùng của cảnh sát. Gia đình không muốn vì chuyện này mà rơi vào cạm bẫy, nên bố mẹ chồng bà cho đến nay vẫn chưa biết nguyên nhân cái chết của con trai.

Vào tháng 8 năm 2007, tại trại giam của ĐCSTQ, cảnh sát nói với bà Vương rằng, nếu bà kiên định với niềm tin của mình, bà có thể chết trong tù. Bà Vương nhớ lại: “Khi đó tôi mỉm cười và trả lời: ‘Không sao, coi như là thay đổi phương thức sống thôi’. Lúc đó, cảnh sát đã vô cùng sửng sốt".

Trước khi mở phiên tòa, họ yêu cầu bà chỉ cần ký tên vào biên bản và từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, thì bà có thể được thả và được giữ tất cả tài sản của mình. Bà đã từ chối. Kết quả là bà bị kết án 5 năm tù.

Bà nói rằng khi đối mặt với những mối đe dọa về tính mạng, không phải là bà không sợ hãi. Từ năm 2002 đến 2004, bà Vương bị tra tấn rất dã man trong tù. Bà không biết mình có thể sống sót được đến ngày được thả hay không.

Năm 2002, trong tháng đầu tiên bà Vương bị giam tại nhà tù thành phố Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh, ba tù nhân đã thay phiên nhau đánh bà bằng một cây gậy dài 1 mét. Cây gậy làm bằng hai thanh thép có đường kính khoảng 2,5 cm sắt xoắn vào nhau. Bà đã bị đánh đập trong khoảng ba giờ. Sự tra tấn khiến lưng của bà đầy máu. Các tù nhân không dừng lại cho đến khi bà tuyệt vọng lao đầu vào tường.

Trong suốt 10 năm kể từ khi cuộc bức hại diễn ra, bà Vương không thể sống một cuộc sống bình thường với cô con gái 18 tuổi của mình. Ngoài bảy năm tù ra, bà phải trốn chạy tránh bị bắt, và không thể trở về nhà. Năm 2002, sau khi chồng bà qua đời một cách bí ẩn, con gái bà sống như một đứa trẻ mồ côi. Sau đó, con gái bà sang Mỹ du học trước. Mãi cho đến tháng 11/2015 bà đến Mỹ với thân phận là người tị nạn, tại đây hai mẹ con được đoàn tụ sau bao ngày xa cách.

Bà Vương Xuân Ngạn nói rằng nhờ có sức mạnh của tín ngưỡng nâng đỡ, bà đã không từ bỏ Pháp Luân Công, và trốn khỏi Trung Quốc đến Thái Lan vào năm 2013. Bà nhớ lại: "Thật ra tôi không thấy khổ cực như mọi người tưởng tượng. Tôi đã từng nói chuyện với con gái, cháu nói: ‘Đúng vậy, nhưng con đường đó quá gian nan!'".

Tiếp tục giảng chân tướng ở Mỹ

Vào tháng 11 năm 2015, sau khi bà Vương Xuân Ngạn đến Hoa Kỳ, hoạt động đầu tiên bà tham gia là hội thảo phơi bày sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Quốc hội Hoa Kỳ. Kể từ đó, bà đã tham gia nhiều sự kiện kêu gọi trả tự do cho các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ, những học viên này có người nhà sống ở khu vực Washington.

Từ cuối năm 2020 đến năm 2021, nữ doanh nhân người Trung Quốc và bạn bè của bà đã thu thập được hơn 5.000 chữ ký ủng hộ Pháp Luân Công ở Virginia, và hơn 20 quận của bang này đã thông qua nghị quyết lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Các nghị quyết của các địa phương đó đã khiến Hạ viện Virginia lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ, và 100% phiếu nhất trí thông qua nghị quyết cấp tiểu bang vào năm 2022. Nghị quyết cũng đặc biệt lên án nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công, đồng thời nhắc nhở các nhân viên y tế và người dân trong bang rằng, tội ác mổ cướp nội tạng sống đang diễn ra ở Trung Quốc. Nghị sĩ Kory là người đồng tài trợ cho nghị quyết.

Nhắc đến những nỗ lực đã đạt được vào thời điểm đó, bà Vương Xuân Ngạn nhớ lại: "Tôi đã dành cả mùa hè để thu thập chữ ký. Tôi cảm thấy rất bối rối và không biết phải làm gì. Tôi chỉ có một ước muốn, ít nhất là nói cho mọi người biết sự thật. Con đường phía trước dài bao lâu, kết quả sẽ như thế nào, tôi không thể nghĩ về nó. Tôi chỉ biết mình cần tiến về phía trước, cứ đi, cứ đi, cứ đi, và đi cho đến hôm nay”.

Bà cho biết, khoảnh khắc nhận giải thưởng năm nay “thực sự cảm giác như đã đến hồi kết”.

Nhưng những nỗ lực của bà sẽ không dừng lại ở đó. Bà nói: “Tôi sẽ tiếp tục vạch trần sự tàn bạo của ĐCSTQ và để người Mỹ thấy rõ sự nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản”.

Ở Nghị viện tiểu bang, một nhân viên đã từng hỏi bà Vương Xuân Ngạn: “Tại sao bà vẫn tiếp tục con đường của mình sau khi đã trải qua quá nhiều đau khổ như vậy?”

Bà Vương Xuân Ngạn đã trả lời: "Đây là sức mạnh của tín ngưỡng! Đây là sức mạnh của chính tín".

Theo Terri Wu, Mục Thanh - Epochtimes
Lý Ngọc biên dịch



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Sức mạnh thầm lặng của một doanh nhân Trung Quốc được Nghị viện bang Virginia khen thưởng