Hãy cấm con em mình sử dụng TikTok trước khi quá muộn!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Do lo ngại về an ninh, tới nay có 14 quốc gia như Mỹ, Anh, Úc, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản… và ba cơ quan chính của Liên minh Châu Âu đã cấm sử dụng TikTok trên thiết bị công. Nhưng nếu nguy cơ này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm? Một chuyên gia về Trung Quốc chỉ ra rằng, mục đích thật sự của TikTok chính là “thao túng tâm lý”.

Xin gửi tới quý vị bài bình luận của tác giả Roger L. Simon - viết về âm mưu của TikTok - đăng trên tờ The Epoch Times, với hi vọng cảnh tỉnh giới trẻ về những hiểm hoạ mà TikTok có thể gây ra cho người dân Mỹ và rộng hơn là toàn thế giới.

Ông Roger L. Simon là một tiểu thuyết gia từng đoạt giải, đồng thời là một nhà biên kịch từng được đề cử giải Oscar. Ông là người đồng sáng lập PJMedia và hiện là cây viết cho tờ The Epoch Times.

Sau đây là một phần bài viết:

Nếu các bạn không muốn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thống trị thế giới, thì hãy yêu cầu con em mình xóa ngay ứng dụng TikTok.

Nếu bọn trẻ không nghe lời, hãy cấm chúng sử dụng điện thoại và máy tính. Nghiêm trọng đến mức độ ấy đấy.

Chúng ta đã không còn đủ thời gian để đợi Quốc Hội (Hoa Kỳ) ra tay giải quyết nữa rồi.

Thế hệ tương lai của nước Mỹ đang trên bờ vực bị huỷ hoại. Hãy là một phụ huynh có trách nhiệm. Hãy cứu lấy chính mình, gia đình của mình, và cả đất nước Mỹ.

Chúng ta vẫn biết về vấn nạn đánh cắp dữ liệu người dùng vô cùng nghiêm trọng của TikTok.

TikTok đang khai thác dữ liệu trên khắp thế giới, bao gồm cả dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, FBI. Rất nhiều công ty công nghệ ở Hoa Kỳ cũng đang ngầm “bắt tay” với TikTok.

Sự riêng tư bây giờ đã trở nên thật “xa xỉ". Chúng ta không còn an toàn trong chính căn nhà của mình.

Tuy nhiên những nguy cơ an ninh kể trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. TikTok còn nguy hiểm và khủng khiếp hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều.

Trong phiên điều trần với Quốc Hội, thái độ mập mờ của CEO TikTok Châu Thụ Tư khiến người ta không thể không nghi ngờ mối quan hệ giữa TikTok và chính quyền Trung Quốc.

CEO TikTok Châu Thụ Tư (Shou Zi Chew) trong phiên điều trần ngày 23/3/2023 trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Hoa Kỳ tại Tòa nhà Văn phòng Rayburn House trên Đồi Capitol. (Chip Somodevilla / Getty Images)

Nhà báo và chuyên gia về Trung Quốc Gordon Chang lập luận với kênh Newsmax rằng, mục đích thật sự của TikTok chính là “thao túng tâm lý”.

TikTok đang thao túng tâm lý của hàng tỷ người trên thế giới. Riêng ở Mỹ, số người đang sử dụng TikTok là 150 triệu người (gần nửa dân số Mỹ).

Đáng báo động hơn, đối tượng chính bị TikTok “hút cạn sinh lực" là con em chúng ta.

TikTok có thể nói là công cụ “mị dân" tinh vi bậc nhất lịch sử. Những “liều thuốc độc văn hoá" khéo léo ngụy dưới vỏ bọc “lối sống" được TikTok lan truyền hằng ngày, đang âm thầm hủy hoại người ta từ bên trong. Tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra sự nguy hiểm của chúng, hoặc thậm chí, là không muốn thừa nhận.

Bằng thuật toán gây nghiện của mình, TikTok cổ súy và khuếch đại tầm ảnh hưởng của những trào lưu “tự hủy hoại” quái đản nhất.

Chắc chẳng ai còn xa lạ với “văn hóa thức tỉnh" (Woke Culture), thứ văn hoá mà ở đó, việc giới tính lẫn lộn và tình dục vô tội vạ là “tất lẽ dĩ ngẫu"; nơi mà “tâm lý đổ lỗi" được bình thường hoá. Trầm cảm ở giới trẻ đã trở thành “dịch bệnh”, kéo theo những hành động “tự hủy” như sử dụng chất kích thích, và nghiêm trọng hơn là tự tử.

Xã hội ngày càng vô vọng; tâm lý giới trẻ ngày càng u ám.

Đáng buồn thay, giới trẻ vẫn ngày ngày chìm sâu vào những văn hoá độc hại. Những người trẻ tự gọi mình là “Influencer" (người có tầm ảnh hưởng), vô hình trung đang biến mình thành “đồng phạm" trong âm mưu của TikTok.

Logo của mạng xã hội Trung Quốc TikTok trên một chiếc điện thoại di động, được chụp vào ngày 21/1/2021. (Ảnh: Loic Venance/AFP/Getty Images)

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai". Nếu muốn phá hủy một quốc gia mà không cần súng đạn, cách nhanh nhất là tiêm nhiễm vào đầu lớp trẻ những giá trị lệch lạc có tính kế thừa. TikTok đang làm điều đó quá xuất sắc.

...

Hệ tư tưởng “thức tỉnh" tạo ra một thế hệ trẻ đầy ắp sự thù địch, xa cách, và vô tâm. Tiêu chuẩn xã hội cũng bị thay đổi hàng ngày dựa theo những thứ được truyền bá trên TikTok. Để không bị tẩy chay, giới trẻ ngày nay đang phải liên tục gồng mình để thích ứng với những tiêu chuẩn đầy bất ổn và biến chất.

Thay vì tham gia vào những hoạt động lành mạnh như chơi thể thao, ra ngoài giao lưu kết bạn, hay học hành; thì lớp trẻ ngày nay dành phần lớn thời gian để đắm mình vào văn hoá thức tỉnh trong “ngôi đền” TikTok.

Tôi gọi TikTok là “ngôi đền”, bởi vì bây giờ người ta “sùng bái” TikTok còn hơn cả tin vào những lời răn của Chúa. Ứng dụng này đang điều khiển tâm trí con người, khiến đầu óc người ta trở nên mê muội.

Theo bài báo của trang Forbes, một nghiên cứu mới được công bố chỉ ra rằng chỉ số IQ của người Mỹ đang suy giảm nghiêm trọng.

Sự phát triển của TikTok và những mạng xã hội giống như nó đang dần đưa con người đến bờ vực diệt vong.

Chúng ta đang phải chạy đua với thời gian trong công cuộc chặn đứng TikTok trước khi quá muộn.

Khi giới trẻ Mỹ còn đang “bận bịu” trên mạng xã hội, tìm hiểu xem cộng đồng BIPOC (người da đen, bản địa và người da màu) nên dùng đại từ nhân xưng nào cho phù hợp; thì Nga, Syria, thậm chí là hai quốc gia thù địch nhau là Ả Rập Xê Út và Iran, đã hình thành một liên minh với Trung Quốc do ông Tập Cận Bình lãnh đạo.

Nếu liên minh này bền vững, nó sẽ thay đổi hoàn toàn cục diện chính trị toàn cầu, làm suy yếu Hoa Kỳ cũng như các quốc gia phương Tây, và gây ra những hệ lụy có thể kéo dài hàng thế kỷ đối với cuộc sống người Mỹ.

Có bao nhiêu phần trăm người dùng TikTok nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề?

Có lẽ khi mức IQ còn chưa quá thấp, tất cả chúng ta nên bắt đầu việc đi học tiếng Trung để chuẩn bị cho một tương lai, nơi Trung Quốc là bá chủ thế giới.

Trung Quốc tấn công an ninh Mỹ bằng ứng dụng thương mại điện tử mới ra mắt
Một người đàn ông đi ngang qua trụ sở của ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video TikTok, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 16/09/2020. (Ảnh: GREG BAKER / AFP qua Getty Images)

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả Roger L. Simon về tầm nguy hại của TikTok, và có thể nhiều độc giả sẽ có nhận định khác. Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp thêm một góc quan sát để chúng ta có cái nhìn đa chiều hơn về ứng dụng video này.

Vậy TikTok đang thôi miên người ta như thế nào?

Ký giả John Koetsier của tạp chí Forbes đã chia sẻ trải nghiệm lần đầu dùng TikTok của mình như sau:

“Thấy TikTok nổi như cồn, nên tôi cũng tải TikTok về để xem sao nó lại gây sốt đến thế. Tôi mở ứng dụng và bắt đầu xem video. Mỗi video rất ngắn, chỉ 15 giây. Thế nhưng khi tôi ngẩng đầu lên thì hoảng hồn vì 1 tiếng đồng hồ đã trôi qua. Tôi đã lãng phí cả một buổi chiều chỉ để xem các video vô bổ trên TikTok".

Tiến sĩ Julia Albright là một nhà xã hội học nghiên cứu truyền thông và kỹ thuật số tại Đại học Nam California, Hoa Kỳ. Theo bà, TikTok đang áp dụng công thức gây nghiện của những chiếc máy đánh bạc ở Las Vegas.

“Ai cũng biết cờ bạc là gây nghiện. Giống như cờ bạc, thuật toán của TikTok là may rủi. Đôi khi bạn xem được một video bạn thích, đôi khi thì không. Nếu bắt gặp một video thú vị, não bộ của bạn cũng sẽ sản sinh dopamine giống như khi thắng bạc. Việc loại bỏ các nội dung nhàm chán cũng quá đơn giản, chỉ bằng một động tác lướt. Vì vậy, bạn sẽ liên tục ‘lướt’ để tìm kiếm sự hưng phấn và thỏa mãn cơn khát ‘dopamine’ của não bộ. Kết quả là bạn sẽ bị cuốn vào đó mà không dứt ra được”, bà Albright nhận định.

Trong một bài phỏng vấn hồi tháng 1/2023 với đài NBC, Dân biểu Mỹ Mike Gallagher gọi TikTok là “fentanyl kỹ thuật số” vì “nó gây nghiện và có sức tàn phá khủng khiếp". Việc liên tục sử dụng các trang mạng xã hội đang làm tâm trí con người bị “thoái hóa”, và ông Gallagher vô cùng lo lắng cho tương lai của những nam nữ thanh niên ở Mỹ.

Theo bà Jessica Griffin - Phó giáo sư tâm thần học và nhi khoa tại Đại học Y khoa Massachusetts, “Xem TikTok quá nhiều có thể dẫn đến suy giảm khả năng tập trung và trí nhớ ngắn hạn”.

Tiến sĩ kiêm Giám đốc lâm sàng của Trung tâm Chú ý và Học tập tại Bệnh viện Nhi Cleveland, Ohio - ông Michael Manos cho biết: “Nếu não bộ của trẻ đã quen với những thứ thay đổi liên tục, trẻ sẽ không thể thích nghi và dễ mất kiên nhẫn với các hoạt động 'phi kỹ thuật số' có tốc độ chậm và ít thay đổi”.

TikTok ‘phá hủy’ não bộ của con người như thế nào?
Các nghiên cứu cho thấy, thời gian sử dụng TikTok càng nhiều, thì não bộ càng chịu sự tác động và suy giảm hiệu suất. Nói cách khác, con người trở nên “đần độn” hơn trong công việc, học tập cũng như tương tác xã hội. (Ảnh tổng hợp)

Sự thiếu kiên nhẫn đang được bộc lộ mạnh mẽ ở giới trẻ.

Một sinh viên của Tiến sĩ Julia Albright đã tuyên bố mình muốn làm nhạc sĩ. Tuy nhiên nếu 3 tháng mà chưa thành danh, thì sinh viên này sẽ bỏ để đi làm việc khác. Một nam đồng nghiệp của bà Albright đã hỏi sinh viên của mình về kế hoạch 5 năm của họ sau khi họ tốt nghiệp. Các sinh viên nhìn ông như thể ông đã bị điên, “Thầy nói gì cơ? Kế hoạch 5 năm á? Làm gì mà cần tới tận 5 năm ạ?”. Đối với họ, 5 năm là một thời gian quá dài.

Phải chăng những thứ 'đồ ăn nhanh' đang làm xói mòn ý chí của con người?

TikTok – nền tảng video ngắn và mạng xã hội của Trung Quốc – đã ‘làm mưa làm gió’ trên khắp thế giới trong suốt 7 năm qua. Theo trang web chính thức của TikTok, ứng dụng này cho đến nay đã hoạt động tại hơn 150 thị trường.

Trong kỷ nguyên công nghệ số ngày nay, nhịp sống ngày càng ‘điên cuồng’ và không ai muốn bị bỏ lỡ, trở nên ‘lạc loài’ trong xã hội. Mọi sự trên đời đều có hai mặt tốt và xấu, sự ra đời của điện thoại thông minh, Internet, mạng xã hội, và các nền tảng video… cũng vậy. Nếu biết tiết chế và cân bằng, con người sẽ là chủ nhân của chúng, bằng không sẽ là nô lệ cho chúng.

Những lời cảnh tỉnh trên không chỉ dành riêng cho phụ huynh, giới trẻ, chính phủ và xã hội Mỹ, chúng cũng có thể là thông tin tham khảo cho bất cứ ai ở bất cứ đâu trên địa cầu này, bao gồm cả Việt Nam. Theo số liệu được công bố vào tháng 3/2023 trên trang thống kê Statista, Việt Nam là nước có số người dùng TikTok nhiều thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (khoảng 50 triệu người).

Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ người dùng TikTok Việt Nam phần lớn rơi vào thế hệ Z, thế hệ trụ cột tương lai của đất nước (những người sinh từ năm 1997 trở đi). Nếu không muốn con em chúng ta cũng bị nghiện TikTok, và biến thành nạn nhân của những giá trị văn hóa lệch lạc, nên chăng chúng ta cũng cần bắt đầu có những hành động thiết thực để hạn chế tầm ảnh hưởng của TikTok lên giới trẻ Việt?

Ngọc Hạ biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Hãy cấm con em mình sử dụng TikTok trước khi quá muộn!