Lầu Năm Góc bác giả thuyết tên lửa bắn hạ máy bay chở trùm lính đánh thuê Nga Prigozhin

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 24/8 đã bác bỏ giả thuyết máy bay chở lãnh đạo Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner Yevgeny Prigozhin gặp nạn vì trúng tên lửa. Theo Lầu Năm Góc, thủ lĩnh nhóm đánh thuê Wagner Yevgeny Prigozhin có thể đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay ở Nga nhưng hiện chưa rõ liệu ông có bị ám sát hay không, và nếu có thì bằng cách nào.

Ông Prigozhin, người lãnh đạo một cuộc binh biến bất thành chống lại giới lãnh đạo quân sự Nga hồi tháng 6/2023, lần đầu tiên được chính quyền Nga thông báo đã thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay hôm 23/8.

Tuyên bố này nhanh chóng làm dấy lên đồn đoán rằng ông Prigozhin đã bị Điện Kremlin ám sát.

Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Tướng Pat Ryder, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng ông Prigozhin có thể đã thiệt mạng trong vụ tai nạn “dựa trên nhiều yếu tố khác nhau”, nhưng hiện Lầu Năm Góc không xác nhận liệu vụ tai nạn có phải do cố ý hay không.

Tướng Ryder nói trong cuộc họp báo ngày 24/8: “Đánh giá ban đầu của chúng tôi là có khả năng ông Prigozhin đã bị sát hại. Chúng tôi đang tiếp tục đánh giá tình hình”.

Tướng Ryder nói thêm: “Tôi không có thêm thông tin nào [để cung cấp] về cách thức hoặc lý do máy bay bị rơi”.

Giới truyền thông phần lớn cho rằng ông Prigozhin đã bị Điện Kremlin ám sát, cả hãng tin The Wall Street Journal AP đều trích dẫn các nguồn ẩn danh để ám chỉ điều này.

Mặc dù Tướng Ryder không xác nhận liệu ông Prigozhin có bị ám sát hay không nhưng ông nói rằng thông tin ban đầu cho biết việc máy bay của ông Prigozhin bị tên lửa đất đối không bắn hạ là không chính xác.

Tướng Ryder nói: “Hiện tại, chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào cho thấy báo chí đưa tin rằng có một loại tên lửa đất đối không nào đó đã bắn hạ máy bay [chở ông Prigozhin]”.

“Chúng tôi đánh giá thông tin đó là không chính xác. Không có bằng chứng nào, không có thông tin nào cho thấy sự hiện diện của tên lửa đất đối không”, ông nói.

Ông Prigozhin đối đầu với Bộ chỉ huy quân sự Nga

Ông Prigozhin trở nên khét tiếng vì cuộc binh biến bất thành chống lại giới lãnh đạo quân sự Nga hồi tháng 6.

Trong suốt ba ngày, ông đã dẫn đầu một đội lính đánh thuê của mình từ tiền tuyến Ukraine để chiếm thị trấn Rostov-on-Don của Nga và sau đó hành quân về phía Moscow trước khi rút lui theo yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

25.000 quân của Wagner sau đó được lệnh giao nộp vũ khí hạng nặng của họ cho quân đội Nga.

Vào thời điểm đó, ông Putin tuyên bố rằng ông Prigozhin đã đẩy nước Nga đến bờ vực nội chiến, đồng thời lên án ông là kẻ phản bội. Nhà lãnh đạo Nga cũng so sánh cuộc nổi dậy của Wagner với cuộc cách mạng năm 1917, một cuộc chiến đã tiêu diệt Đế quốc Nga và sau đó đưa những người Bolshevik lên nắm quyền.

Tuy nhiên, trong một loạt bài phát biểu lan truyền trên Telegram, ông Prigozhin nói rằng cuộc binh biến của ông không phải chống lại Nga mà là chống lại giới lãnh đạo quân sự tham nhũng của nước này. Ông cáo buộc sự kém cỏi của họ đã gây ra tình trạng thiếu đạn dược hàng loạt trong nhiều tháng và số lượng quá lớn lính nghĩa vụ chưa qua huấn luyện đã được gửi đến nơi tiền tuyến ở Ukraine.

Hơn nữa, ông Prigozhin còn cáo buộc rằng lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các căn cứ hậu phương của Wagner, sát hại các chiến binh Nga.

Bộ Quốc phòng Nga đã phủ nhận các cáo buộc này.

Sau vụ việc trên, ông Prigozhin thề sẽ thanh trừng “cái ác” khỏi giới lãnh đạo quân sự Nga, đồng thời tuyên bố “cuộc tuần hành vì công lý” từ Ukraine đến Moscow.

Ông Prigozhin khi đó nói thêm rằng ông tin rằng cuộc binh biến điều là cần thiết để loại bỏ “những gã hề già” khỏi bộ máy quan liêu của Nga nhằm “chấm dứt nỗi ô nhục” về những tổn thất của Nga ở Ukraine.

Ông Prigozhin khẳng định: “Chúng tôi đang cứu nước Nga”.

Ông Putin có ý định trừ khử các nhà lãnh đạo Wagner

Ông Prigozhin, một cựu tù nhân và chủ nhà hàng, đã giúp thành lập nhóm lính đánh thuê Wagner vào năm 2014 sau khi phục vụ ông Putin với tư cách là người cung cấp thực phẩm cho Điện Kremlin.

Kể từ đó, nhân sự của công ty đã chiến đấu ở nhiều chiến trường khác nhau, bao gồm Cộng hòa Trung Phi, Libya, Mali, Sudan và Syria, bên cạnh Ukraine.

Wagner bị nhiều quốc gia liệt vào danh sách tổ chức khủng bố và bị tố cáo công khai vì một số hành vi vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc thường xuyên sử dụng búa tạ như một phương pháp tra tấn và hành quyết

Tuy nhiên, nhóm này đã thu hút được một lượng lớn người Nga “sùng bái” họ vì luận điệu dân tộc chủ nghĩa và từ chối nhượng bộ lãnh thổ ở Ukraine, ngay cả khi quân đội Nga đã nhượng lại toàn bộ thành phố cùng một lúc.

Tuy nhiên, thực tế đó không ngăn được ông Putin lên kế hoạch ám sát lãnh đạo cấp cao của Wagner.

Theo Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, ông Putin đã chuẩn bị hành quyết các chiến binh Wagner nổi loạn và tiến vào Moscow hồi tháng 6 trước khi ngồi vào bàn đàm phán.

Không rõ ông Putin dự định thực hiện kế hoạch của mình ra sao, nhưng ông Lukashenko cho biết trong cuộc họp ngày 27/6 với các quan chức quân sự rằng nhà lãnh đạo Nga đã ra quyết định trừ khử toàn bộ các chiến binh Wagner đã nổi loạn.

“Tôi cũng hiểu một quyết định tàn bạo đã được đưa ra, và đó là ẩn ý trong bài phát biểu của ông Putin, nhằm ‘quét sạch’ những kẻ nổi loạn”, ông Lukashenko nói, sử dụng một cụm từ lóng phổ biến trong các nhóm tội phạm Nga để ám chỉ việc sát hại ai đó.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông không ngạc nhiên khi hay tin về cái chết của ông Prigozhin, đồng thời ám chỉ di sản của Điện Kremlin là trừ khử những người bất đồng chính kiến.

“Anh có thể nhớ lại, tôi đã được hỏi về điều này”, ông Biden nói với phóng viên đài CNN, ám chỉ những bình luận mà ông đưa ra hồi tháng 7. Khi đó, ông nói rằng ông Prighozin nên lo lắng cho sự an toàn của mình sau cuộc binh biến thất bại.

“Tôi không biết thực tế chuyện gì đã xảy ra, nhưng tôi không ngạc nhiên”, Tổng thống Mỹ khẳng định.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lầu Năm Góc bác giả thuyết tên lửa bắn hạ máy bay chở trùm lính đánh thuê Nga Prigozhin