Luật sư nhân quyền: Australia có thể chung tay ngăn chặn các tội ác do Bắc Kinh gây ra

Giúp NTDVN sửa lỗi

Luật sư nhân quyền nổi tiếng người Canada David Matas cho biết, Australia có thể chung tay để ngăn chặn một trong những tội ác tồi tệ nhất trên hành tinh đang diễn ra tại Trung Quốc. Ông đã tham dự một cuộc thỉnh nguyện ôn hòa do các học viên Pháp Luân Công tổ chức trước Tòa nhà Quốc hội ở Canberra tại Australia vào ngày 22/11.

Ông Matas, cùng với nhà hoạt động nhân quyền quá cố David Kilgour, đã đồng thời được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình năm 2010 cho cuộc điều tra về cuộc bức hại và cưỡng bức thu hoạch nội tạng của chính quyền Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập thiền định và các bài giảng dựa trên nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn. Môn tu luyện truyền thống này đã nhanh chóng lan rộng khắp Trung Quốc vào những năm 1990, với ước tính chính thức có khoảng 70 - 100 triệu học viên vào năm 1999.

Lo sợ về sự phổ biến của Pháp Luân Công như một hệ tư tưởng độc lập nằm ngoài sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cựu lãnh đạo của ĐCSTQ Giang Trạch Dân, đã phát động một cuộc đàn áp bạo lực vào tháng 7/1999 nhằm xóa sổ môn tập này và đàn áp các học viên Pháp Luân Công. Cuộc đàn áp này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.

Các học viên Pháp Luân Công từ khắp nước Australia đã tổ chức một loạt cuộc thỉnh nguyện ở Canberra, Australia. Ảnh chụp một số diễn giả trước Tòa nhà Quốc hội vào ngày 22/11/2022. (Ảnh: Xu Shengkun/The Epoch Times)

Thúc đẩy luật cấm du lịch ghép tạng

Ông Matas nói rằng, mặc dù đã có một số tuyên bố của các nghị sĩ ủng hộ Pháp Luân Công và phản đối cuộc bức hại đối với nhóm này, nhưng chính phủ liên bang Australia đã có rất ít hoặc không có động thái nào để ngăn chặn người Australia đến Trung Quốc du lịch ghép tạng.

“Ngay bây giờ, nếu quý vị sát hại ai đó ở Australia để lấy nội tạng của họ, quý vị có thể bị truy tố. Nhưng nếu quý vị đến Trung Quốc để ghép tạng, và có ai đó bị sát hại để lấy nội tạng của họ ở Trung Quốc, thì kết quả lại ngược lại. Cả quý vị lẫn bác sĩ giới thiệu, hoặc người môi giới, hoặc người quảng cáo hoặc bất kỳ ai liên quan đến việc này đều không bị truy tố”, ông nói.

Ủy ban Thường vụ Hỗn hợp về Ngoại giao, Quốc phòng và Thương mại Australia đã đề xuất một đạo luật về vấn đề này vào năm 2018. Trong khi chính phủ cựu Thủ tướng Morrison trước đó đồng ý với khuyến nghị này vào năm 2021, nhưng cho đến nay vẫn chưa có luật nào được thông qua.

Cộng đồng Pháp Luân Công địa phương hiện đang làm theo khuyến nghị của chính phủ Đảng Lao động mới.

Các học viên Pháp Luân Công diễn lại cảnh chính quyền Trung Quốc cưỡng bức thu hoạch nội tạng tù nhân lương tâm tại một cuộc biểu tình ở Vienna, Áo, hôm 1/10/2018. (Ảnh: Joe Klamar/AFP/Getty Images)

Ông Matas cho rằng, mặc dù rất khó để khiến chính quyền Trung Quốc thay đổi, nhưng điều mà các quốc gia khác có thể làm là tránh đi về phía đồng lõa với họ.

“Với những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, [đối với] chính phủ Australia cũng như tất cả các chính phủ khác ngoài Trung Quốc mà nói, không có lý do gì mà chúng ta không hành động trước những ca ghép tạng này", ông Matas nói.

Theo Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Ghép tạng ở Trung Quốc, gần 10 quốc gia đã ban hành luật cấm công dân của họ du lịch ghép tạng, bao gồm Anh, Tây Ban Nha, Italia và Israel.

Mối quan hệ Australia - Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng

Chuyến thăm của ông Matas đến Australia diễn ra vào thời điểm Thủ tướng Australia Albanese gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia) hôm 15/11.

Tại đây, ông Albanese đã nêu bật nhiều vấn đề với ông Tập Cận Bình, trong đó có vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và việc giam giữ công dân Australia gốc Hoa. Đặc biệt, Thủ tướng Australia cũng kêu gọi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt thương mại đã đóng băng lưu lượng hàng hóa trị giá 13,5 tỷ USD đối với nước này. Đây vốn là đòn trừng phạt được Trung Quốc áp đặt để đáp trả lời kêu gọi điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 của Australia.

Các chuyên gia chính sách đối ngoại đã kêu gọi chính phủ Đảng Lao động Australia tập trung vào việc buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bảo vệ nhân quyền và các quy tắc quốc tế về thương mại.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp song phương trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2022 ở Nusa Dua, Bali, Indonesia, Australia, vào ngày 15/11/2022. (Ảnh: AAP Image/Mick Tsikas)

“Tôi tin tưởng Thủ tướng và chính phủ Australia sẽ tiếp tục giữ vững quan điểm về các quyền cơ bản của con người, đồng thời không hạ thấp, cũng như không cố gắng biện minh, hoặc nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm trắng trợn do chính quyền Bắc Kinh gây ra”, cựu Thượng nghị sĩ Đảng Tự do Eric Abetz, người từng là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện, nói với The Epoch Times.

Khi được hỏi liệu chính phủ Australia có thể thông qua luật này trong khi duy trì thương mại với Bắc Kinh hay không, ông Matas khẳng định là có.

“Bởi vì bản thân luật pháp sẽ không nói đến Trung Quốc”, ông Matas trả lời. “Chúng tôi chỉ nói rằng, đó là một tội ác thực sự… Miễn là luật pháp không đề cập đến Trung Quốc, tôi không cho rằng người Trung Quốc thậm chí sẽ quan tâm đến vấn đề này”.

Mọi thứ không trở nên tốt hơn

Theo ông Matas, tình trạng cưỡng bức thu hoạch nội tạng không khá hơn trong những năm gần đây ở Trung Quốc.

“Có cả một khu liên hợp công nghiệp. Nó giống như một cơn nghiện… Đó là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD và hệ thống y tế không thể để vuột mất khoản lợi nhuận này", ông nói

Ngoài ra, người Duy Ngô Nhĩ, bị giam giữ hàng loạt kể từ năm 2017, hiện cũng đang là mục tiêu của tội ác này.

“Có rất nhiều chuyến vận chuyển nội tạng từ Tân Cương đến phần còn lại của Trung Quốc", ông nói

Người Australia: Nhân cách của chúng ta đáng giá bao nhiêu?

Ông Andrew Richard, một nhà vận động nhân quyền của người khuyết tật, người đã tham gia cuộc thỉnh nguyện vào ngày 21/11, cho biết, tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ là "một cuộc tàn sát thời hiện đại" không thể chấp nhận được.

Ông Andrew Richards, một nhà vận động nhân quyền cho người khuyết tật, nói rằng nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ là “một cuộc tàn sát thời hiện đại”. (Ảnh: Wen Qingyang/The Epoch Times)

“Những nỗ lực của chúng tôi vẫn là chưa đủ. Thực tế là tình trạng vi phạm nhân quyền vẫn đang tiếp diễn. Đó là chính là lằn ranh của chúng tôi”, ông nói.

Nhà vận động kêu gọi chính phủ Australia đa dạng hóa xuất khẩu và không hy sinh sự liêm chính chỉ vì lợi ích.

“Nếu chúng ta chấp nhận thu hoạch nội tạng người sống như một cái giá để xuất khẩu, thì lằn ranh của chúng ta nằm ở đâu?”, ông Richard hỏi.

“Nhân cách của chúng ta đáng giá bao nhiêu? Cái giá để mua chuộc nhân cách chúng ta là bao nhiêu?”, ông nói.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Luật sư nhân quyền: Australia có thể chung tay ngăn chặn các tội ác do Bắc Kinh gây ra