Mỹ sẽ ‘cảnh báo’ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông trong thượng đỉnh ba bên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ đề cập đến các hoạt động khiêu khích gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông trong cuộc gặp thượng đỉnh ba bên với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Washington vào cuối tuần này, theo nguồn tin của Financial Times.

Dẫn lời hai quan chức cấp cao của Mỹ nắm rõ việc hoạch định hội nghị thượng đỉnh, báo cáo cho biết Tổng thống Biden sẽ "bày tỏ quan ngại sâu sắc" về tình hình xung quanh Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), nơi các tàu Trung Quốc liên tục sách nhiễu tàu Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho lực lượng đồn trú tại đây.

Diễn ra tại Washington vào ngày 11/4, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Philippines là hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa ba quốc gia. Đây là phản ứng rõ ràng trước những lo ngại chung của ba nước về sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, đặc biệt là trên Biển Đông.

Theo Nhà Trắng, ba nhà lãnh đạo "sẽ thảo luận về vấn đề hợp tác ba bên nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và các công nghệ mới nổi, phát triển chuỗi cung ứng năng lượng sạch và hợp tác khí hậu, đồng thời củng cố hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới".

Điều này đã dẫn đến một loạt các cuộc chạm trán nguy hiểm trên biển, gần đây nhất là vụ va chạm giữa tàu Hải cảnh Trung Quốc và tàu của Cảnh sát biển Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho lực lượng đồn trú tại Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa. Trong sự cố này, Hải cảnh Trung Quốc cũng đã sử dụng vòi rồng tấn công một trong các tàu tiếp tế, làm vỡ kính chắn gió và làm bị thương bốn nhân viên hải quân Philippines.

Báo Financial Times đưa tin Tổng thống Biden sẽ khẳng định rõ ràng rằng BRP Sierra Madre được bảo vệ theo Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines (MDT) ký kết năm 1951. Bài báo dẫn lời một quan chức Mỹ nhận định rằng các hoạt động của Trung Quốc đang thiếu sự đánh giá toàn diện về khả năng leo thang căng thẳng trong khu vực.

“Thông qua một loạt các cuộc trao đổi, chúng tôi đã nỗ lực làm rõ Hiệp ước Phòng thủ chung giữa hai nước bảo vệ cho các thủy thủ và tàu thuyền Philippines, bao gồm cả tàu Sierra Madre", vị quan chức này khẳng định. “Trung Quốc cần phải xem xét lại chiến lược của mình, nếu không sẽ phải đối mặt với những phản ứng cứng rắn".

Kể từ năm 2019, các quan chức Mỹ đã nhiều lần cam kết với Manila rằng bất kỳ hành vi tấn công vũ trang nào nhằm vào lực lượng vũ trang, tàu thuyền công vụ hoặc máy bay Philippines trên Biển Đông đều sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung theo Điều IV của Hiệp ước.

Trước đây, vấn đề này từng có một số mơ hồ do các vùng biển thuộc tuyên bố chủ quyền của Philippines trên Biển Đông chỉ được chính thức đưa vào bản đồ hành chính quốc gia vào năm 1978, gần ba thập kỷ sau khi Hiệp ước MDT được ký kết

Hiện nay, xuất hiện lo ngại rằng Trung Quốc đang duy trì hoạt động phong tỏa lỏng lẻo Bãi Cỏ Mây với mục đích chiếm quyền kiểm soát cấu trúc này khi và nếu tàu Sierra Madre bị bào mòn nghiêm trọng và chìm xuống biển.

Trung Quốc cáo buộc các tàu tiếp tế của Philippines vận chuyển vật liệu xây dựng để gia cố tàu Sierra Madre, vi phạm lời hứa mà họ cho rằng Manila đã đưa ra về việc di dời tàu khỏi bãi đá.

Philippines bác bỏ cáo buộc này, Bộ Quốc phòng Philippines khẳng định tàu Sierra Madre sẽ duy trì là "trạm trú thường trực" và sự hiện diện của tàu tại "khu vực thuộc thẩm quyền" của Philippines là "quyền lợi cố hữu của Philippines và không vi phạm bất kỳ luật lệ nào".

Bài báo về lời cảnh báo của Tổng thống Biden được đưa ra cùng ngày Philippines tham gia tuần tra chung trên Biển Đông với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc

Hoạt động tuần tra chung bao gồm 6 tàu chiến và 4 máy bay từ 4 quốc gia: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Philippines. Đây là hoạt động mở rộng các cuộc tuần tra thường xuyên giữa Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Philippines diễn ra từ tháng 11/2023.

Mục đích của hoạt động này là nhằm trực tiếp đối phó với việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động kiên quyết trên vùng biển tranh chấp, bao gồm cả khu vực quanh Bãi Cỏ Mây.

Trong một tuyên bố chung được các quan chức quốc phòng bốn quốc gia công bố khẳng định các cuộc tuần tra song phương và đa phương là "bước tiến nhằm kiến tạo năng lực tự vệ tập thể và cá nhân cho quốc gia”. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải và an ninh khu vực.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tuyên bố cuộc tuần tra "nhấn mạnh cam kết chung trong việc bảo đảm mọi quốc gia được tự do bay, di chuyển trên biển và hoạt động tại bất kỳ khu vực nào luật pháp quốc tế cho phép”.

Trong một động thái đáp trả, cùng ngày, Trung Quốc tổ chức "cuộc tuần tra chiến lược trên biển và trên không quân sự phối hợp" trên Biển Đông. Tờ Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cáo buộc bốn quốc gia đã "khuấy động Biển Đông và tạo ra các điểm nóng căng thẳng".

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ sẽ ‘cảnh báo’ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông trong thượng đỉnh ba bên