Nga phạt Wikipedia và Apple vì lan truyền 'thông tin sai lệch' về xung đột Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Năm (3/8), một tòa án Nga đã phạt Apple và Wikipedia vì đã không xóa nội dung được coi là ‘thông tin sai lệch’ liên quan đến các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.

Theo hãng thông tấn Interfax, một Tòa án quận Taganskiy ở thủ đô Moscow, nơi xử lý các vi phạm hành chính và các vụ án hình sự cấp thấp, đã phạt Công ty Wikimedia (công ty sở hữu Wikipedia) 3 triệu rúp (33.000 USD) vì không xóa các thông tin sai lệch về chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Vấn đề nằm ở chỗ các thông tin này đã vi phạm một luật của Nga là nghiêm cấm làm mất uy tín của quân đội Nga và lan truyền thông tin sai lệch về cuộc xung đột ở Ukraine.

Tuy nhiên, Wikimedia phản bác rằng các thông tin mà chính quyền Nga phản đối là có nguồn gốc rõ ràng và phù hợp với các tiêu chuẩn của Wikipedia.

Theo Hãng thông tấn TASS của Nga, trong phiên tòa được xử kín ngày 3/8, tòa án phán quyết Công ty Apple Distribution International vi phạm luật hành chính Liên bang Nga và bị phạt 400.000 rúp (hơn 4.200 USD).

Trước đó, Cơ quan giám sát thông tin Nga gửi đến Công ty Apple Distribution International thông báo yêu cầu gỡ bỏ thông tin đăng tải trên Apple Podcasts (nền tảng phát thanh trên ứng dụng) liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cơ quan này cho rằng những nội dung đó có thể gây bất ổn chính trị tại Liên bang Nga.

Tuy nhiên, Apple đã không thực hiện yêu cầu này.

Hãng tin Interfax dẫn lời tòa án cho biết nội dung vi phạm của Apple là "lôi kéo trẻ vị thành niên vào các hoạt động bất hợp pháp nhằm gây ra tình hình bất ổn chính trị ở Liên bang Nga".

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, Apple đã đình chỉ mọi hoạt động tại Nga và hạn chế dịch vụ Apple Pay tại quốc gia này. Kể từ đó, Nga đã áp dụng một loạt biện pháp để trừng phạt bất kỳ lời chỉ trích hoặc nghi ngờ nào về hoạt động quân sự đặc biệt của nước này.

Đây không phải là lần đầu tiên Apple nộp tiền phạt cho Moscow.

Hồi tháng 2, Cơ quan chống độc quyền Liên bang Nga (FAS) cho biết Apple đã nộp khoản tiền phạt 906 triệu rúp (9.585.480 USD) trong một vụ kiện chống độc quyền của Nga với cáo buộc hãng lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường ứng dụng di động.

Vào thời điểm trả khoản phạt, Apple cũng không đưa ra bình luận nào. Tuy nhiên, trước đó gã khổng lồ công nghệ đã kháng cáo với phán quyết của FAS. Apple cho rằng việc phân phối ứng dụng Apple thông qua hệ điều hành iOS đã mang lại lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của họ trên thị trường.

Chưa dừng lại ở đó, một số nhà phê bình cũng đã phải đối mặt với đòn trừng phạt khắc nghiệt từ Moscow.

Chính trị gia đối lập Vladimir Kara-Murza (mang hai quốc tịch Nga và Anh) ngày 17/4 đã bị kết án 25 năm tù vì tội phản quốc và phát tán “thông tin sai lệch” về cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Ngày 31/7 vừa qua, ông Kara-Murza tiếp tục thua khi kháng cáo về bản án 25 năm tù.

Chính phủ Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người liên quan đến bản án bị cáo buộc là "tồi tệ" của nhà bất đồng chính kiến, sau khi một tòa án ở Nga bác bỏ kháng cáo của ông đối với bản án 25 năm tù.

Sáu nhân vật và ba thẩm phán, hai công tố viên cùng một nhân chứng chuyên gia - sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt vì vai trò của họ trong một “bản án có động cơ chính trị”.

Theo hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti, ông Kara-Murza, đã thua sau khi kháng cáo bản án 25 năm tù hôm 31/7. Người đàn ông 41 tuổi này đã bị bỏ tù vào tháng 4 vì tội phản quốc và các tội danh khác.

Ông Kara-Murza là một trong số ít những nhân vật đối lập nổi bật ở lại Nga và tiếp tục lên tiếng chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau khi Nga đưa hàng chục nghìn quân vào Ukraine.

Ông Kara-Murza bị bắt 2 tháng sau khi Nga đưa quân vào Ukraine. Ông bị buộc tội truyền bá thông tin sai lệch về lực lượng vũ trang và tuyên bố là “đặc vụ nước ngoài”. Moscow tiến hành bắt giữ ông chỉ vài giờ sau khi đài CNN phát sóng một cuộc phỏng vấn với ông, trong đó ông nói rằng nước Nga được điều hành bởi “một chế độ của những kẻ sát nhân”.

Sau đó ông Kara-Murza bị buộc tội phản quốc vì những phát biểu về cuộc chiến, và có một bài phát biểu trước Hạ viện Arizona hồi tháng 3/2022, trong đó ông nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ném bom các ngôi nhà, bệnh viện và trường học của Ukraine.

Phản ứng trước sự việc này, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết trên Twitter rằng, điều này thật tuyệt vọng và vô căn cứ. Ông nói: “Việc từ chối kháng cáo của ông Kara-Murza là không chính đáng. Ông ấy nên được thả ra ngay lập tức”.

Bộ Ngoại giao Anh cho biết trong một tuyên bố: “Ông Kara-Murza, một người mang hai quốc tịch Anh, đang bị chính quyền Nga đàn áp vì lập trường phản chiến”.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nga phạt Wikipedia và Apple vì lan truyền 'thông tin sai lệch' về xung đột Ukraine