Người Triều Tiên đào thoát kể về thảm cảnh ở trại giam Trung Quốc và bị cưỡng ép hồi hương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại một cuộc họp báo cuối tháng trước ở Seoul, các nhà bảo vệ nhân quyền Hàn Quốc đã vạch trần việc Trung Quốc đối xử vô nhân đạo với những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên; họ cũng bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về nguy cơ những người đào thoát bị buộc quay trở về Bắc Triều Tiên — nơi họ sẽ bị trừng phạt hà khắc, bị lạm dụng tình dục, thậm chí bị giết chết.

Trong cuộc họp báo tại Seoul ngày 23/10, các nạn nhân của chính quyền Triều Tiên đã kêu gọi cộng đồng quốc tế và Tổng thống Hàn Quốc gây áp lực lên Trung Quốc, ngăn chặn việc Bắc Kinh tiếp tục cưỡng ép hồi hương những người Bắc Triều Tiên đào thoát.

Ông Kim Tae-hoon - luật sư và phát ngôn viên về vấn đề nhân quyền liên quan đến Triều Tiên - nói trong cuộc họp báo rằng, một lá thư thỉnh nguyện đã được gửi tới Ủy ban thứ 3 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để đáp lại yêu cầu khẩn cấp từ người nhà của những người Bắc Triều Tiên đào thoát.

Trước đó, ngày 9/10, Trung Quốc đã trục xuất mà không báo trước khoảng 600 người Bắc Triều Tiên đào thoát. Nước này được cho là đang tiếp tục hồi hương những người khác.

Trả lời câu hỏi về việc trục xuất 600 người đào thoát khỏi Triều Tiên, Bắc Kinh tuyên bố vào ngày 12/10 rằng không có “cái gọi là người đào thoát” ở Trung Quốc.

Động thái của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh Seoul liên tục phản đối việc cưỡng ép hồi hương người Bắc Triều Tiên.

Theo báo cáo của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), Trung Quốc thường dán nhãn những người Triều Tiên không có giấy tờ là “người di cư [vì lý do] kinh tế” bất hợp pháp và không cho phép họ xin tị nạn hoặc tái định cư, mà thay vào đó trục xuất họ về Triều Tiên theo thỏa thuận song phương về biên giới năm 1986.

Nói về những người “người di cư kinh tế” từ Triều Tiên đến Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 12/10 rằng “Trung Quốc luôn duy trì thái độ có trách nhiệm và đối xử đúng mực với họ”.

Lời khẩn cầu từ vùng Đông Bắc Trung Quốc

Bà Kim Sun-hyang - một trong 350 người Bắc Triều Tiên đào thoát đang bị giam giữ tại Trại giam Baishan ở tỉnh Cát Lâm, phía đông bắc Trung Quốc - đã tìm kiếm sự giúp đỡ thông qua người thân của bà ở Trung Quốc và Hàn Quốc.

Vào ngày 9/10, hơn 180 bạn tù của bà đã bị buộc hồi hương về Bắc Triều Tiên. Lo sợ bà có thể phải chịu số phận tương tự, người thân của bà ở Hàn Quốc đã gửi đơn thỉnh nguyện lên Liên Hợp Quốc cũng như các cơ quan nhân quyền quốc tế ở Hàn Quốc.

Đơn thỉnh nguyện nêu rõ rằng trại giam Trung Quốc đã từ chối nhận bất kỳ thực phẩm hoặc thuốc men nào từ người thân của những người bị giam giữ. Những thực phẩm và thuốc men này được gửi đến để giúp những người bị giam giữ chuẩn bị phần nào cho việc họ có thể bị hồi hương trong thời gian tới.

Luật sư Kim nhấn mạnh rằng bà Kim Sun-hyang không phải trường hợp cá biệt.

“Chúng tôi không chỉ lo ngại về riêng bà Kim Sun-hyang. Mặc dù chúng tôi không thể cung cấp con số chính xác, vẫn còn hơn 170 người Triều Tiên đào thoát đang bị giam giữ tại Trại giam Baishan, nơi bà Kim Sun-hyang hiện bị giam giữ”, luật sư Kim nói.

Theo luật sư Kim, có 5 trại giam khác đang giam giữ những người đào thoát. “Đây là một con số lớn và tất cả họ đều có nguy cơ bị buộc phải hồi hương”.

Luật sư Kim nói thêm rằng sự chú ý của thế giới đang đặt vào cuộc xung đột Israel - Hamas, “nhưng ở đây chúng ta đang nói về hơn 2.000 cá nhân, trong đó hơn 600 người đã bị buộc phải hồi hương. Đây là một tội ác nghiêm trọng ngang bằng với tội ác của Hamas! Do đó, chúng ta buộc phải kịch liệt lên án và tố cáo hành vi của Trung Quốc”.

Theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền, những người bị buộc hồi hương, chủ yếu là phụ nữ, có nguy cơ bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bức, nơi họ có thể phải đối mặt với tra tấn, bạo lực tình dục, giam giữ và thậm chí bị hành quyết dưới bàn tay của chế độ Bắc Triều Tiên.

Ác mộng tại trại giam Trung Quốc

Bà Ji Myung Hee đã 3 lần trốn thoát khỏi Bắc Triều Tiên, 2 lần bị trục xuất về Bắc Triều Tiên và cuối cùng được tự do ở Hàn Quốc vào năm 2016. Tại cuộc họp báo ở Seoul ngày 23/10, bà đã kể lại câu chuyện của mình khi bị giam giữ ở trại giam Trung Quốc.

Chồng của bà Ji qua đời vì bạo bệnh năm 1996. Cuộc cải cách tiền tệ của chế độ Bắc Triều Tiên vào ngày 30/11/2009 đã khiến bà và hai con trai rơi vào cảnh khốn cùng. Lượng gạo mà bà có đủ khả năng mua hàng năm đã giảm từ 1.470 kg xuống chỉ còn 19 kg vào năm sau. Bà Ji nói: “Tôi để lại các con của mình vào tháng 7/2010, hứa sẽ quay lại đón chúng sau khi tôi ổn định cuộc sống ở bên ngoài và tôi đã trốn khỏi Bắc Triều Tiên lần đầu tiên”.

Bà bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ vào ngày 13/10/2010, bị cấm ngủ 3 ngày trong quá trình thẩm vấn.

Tại trại tạm giam, bà bị nhốt trong một phòng biệt lập. Bữa sáng và bữa tối chỉ có một miếng bánh mì, bữa trưa chỉ có một bát cháo ngô. Bà cho hay, cảnh sát bắt người bị giam giữ phải giặt đồ cho vợ của cảnh sát.

Sau khoảng một tháng bị giam giữ tại Trại giam Baishan, bà Ji bị chuyển đến một đồn biên phòng Trung Quốc.

Bà đã ở đó 70 ngày và chỉ được rửa mặt một lần trong thời gian đó. Bên trong nơi giam giữ có một chiếc xô cũ dùng làm chỗ đi vệ sinh cho tù nhân. Nó chỉ được dọn khi nó đã đầy.

Bà nói: “Chúng tôi chỉ được ăn một hoặc hai bữa mỗi ngày và đó là thức ăn thừa của binh lính”.

Điều kiện khốn khổ đến mức bà đã tự làm cho mình bị ốm bằng cách nuốt bụi rác và tóc mà bà thu thập được trong hơn một tháng, với hy vọng được đưa đến bệnh viện để từ đó tìm cách trốn thoát.

Nhưng những người lính đã phớt lờ cơn đau bụng của bà.

Bà nói: “Binh lính sẽ tiến vào phòng giam với chiếc dùi cui điện và đánh những cô gái khóc quá nhiều", đây là điều thường xuyên xảy ra.

Bị đánh đập tại trung tâm tập trung ở Bắc Triều Tiên

Sau gần 3 tháng bị giam giữ ở Trung Quốc, bà Ji bị trục xuất về Triều Tiên. Kể về nỗi kinh hoàng tại trung tâm tập trung ở Bắc Triều Tiên, bà nói rằng trung tâm này không có nhân viên nữ. Không đeo găng tay, nhân viên nam tiến hành khám xét cơ thể mọi người để kiểm tra xem tù nhân có mang hàng lậu hay không, chẳng hạn như tiền được cất giấu kĩ.

Ngày hôm sau, bất kỳ ai có liên hệ với Hàn Quốc đều bị tra tấn thể xác nghiêm trọng.

“Họ nói tay họ sẽ đau nếu dùng tay đánh chúng tôi, nên họ xỏ giày vào tay và đánh vào mặt chúng tôi, họ dùng gậy đánh vào tay chân chúng tôi… Họ ướt đẫm mồ hôi; mặt và mắt đỏ ngầu. Cho đến hôm nay, tôi vẫn còn những vết sẹo trên đầu và chân do bị đánh đập", bà Ji nói.

Bà nói thêm: “Nếu chúng tôi bị bắt gặp đang nói chuyện trong phòng giam, họ sẽ kéo chúng tôi đến song sắt và buộc chúng tôi phải há miệng để nhận nước bọt của họ”.

“Bên ngoài cửa sổ phòng giam có một cái cây lớn, thỉnh thoảng chúng tôi còn nghe thấy tiếng chim sẻ hót líu lo”, bà Ji nói và cố kìm nước mắt. “Chúng tôi cảm thấy vô cùng ghen tị với những chú chim sẻ đó, vì chúng có thể tự do đi đến bất cứ đâu chúng muốn. Bên trong phòng giam có rất nhiều cô gái trẻ — Yeongsoon, Eun-kyung, Yeong-ran, Jeong-ae... Tất cả họ đều bị bắt khi đang tuyệt vọng tìm kiếm phương thức sinh tồn".

Người Triều Tiên đào thoát kể về trại tạm giam ở Trung Quốc và thảm cảnh sau khi bị cưỡng ép hồi hương
Một người Bắc Triều Tiên đào thoát xé bức chân dung nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un, trong một cuộc biểu tình ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 19/5/2018. (Ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images)

Sau khi bị trục xuất về Bắc Triều Tiên, trong quá trình thẩm vấn, bà tình cờ nghe được rằng có những giao dịch giữa Trung Quốc và Triều Tiên.

Bà nói: “Người ta nói rằng cứ mỗi người Triều Tiên đào thoát được Trung Quốc trả về, Triều Tiên sẽ cung cấp cho Trung Quốc một lượng gỗ vì Triều Tiên không có tiền”.

Trong 50 ngày bị tra tấn đến kiệt sức, bà Ji luôn khẳng định rằng động cơ duy nhất của bà là kiếm tiền ở Trung Quốc chứ không có ý định đến Hàn Quốc. Bà bị đưa đến trại tập trung Kaechon để tham gia chương trình cải tạo kéo dài 2 năm, thay vì bị giam trong nhà tù chính trị - nơi hình phạt thậm chí còn khắc nghiệt hơn.

Sau những khó khăn này, bà quyết tâm sẽ không để các con mình phải tiếp tục chịu đựng cuộc sống ở Bắc Triều Tiên. Bà một lần nữa vượt sông Áp Lục. Năm 2016, bà đến được Hàn Quốc. Năm 2019, bà liều mạng hỗ trợ hai con trai trốn khỏi Triều Tiên sang Trung Quốc. Hôm nay, họ đã đoàn tụ và đang sống ở Seoul.

Bà Ji nói rằng có khoảng 35.000 người đào thoát đã tìm được nơi ẩn náu ở Hàn Quốc, nhưng số người bị giam trong các nhà tù chính trị tại Bắc Triều Tiên có thể vượt con số này nhiều lần.

Bà kịch liệt lên án Bắc Kinh vì đã thực hiện những hành vi vô nhân đạo, đó là bắt giữ và buộc hồi hương những người đào thoát khỏi Triều Tiên trong khi biết rõ thực tế thảm khốc mà những người này sẽ phải đối mặt khi trở lại Triều Tiên.

“Tôi cầu xin cộng đồng toàn cầu và tất cả những cá nhân có tấm lòng nhân ái hãy quan tâm và ủng hộ chúng tôi, ngăn chặn sự tái diễn tội ác vô nhân đạo như vậy”, bà Ji nói.

Quyết tâm của những người đào thoát

Ông Kim Sung Min - đại diện của Đài phát thanh Bắc Triều Tiên Tự do (Free North Korea Radio) tại Seoul - từng là một người đào thoát bị Trung Quốc buộc hồi hương và sau đó đã đào thoát một lần nữa. Ông tham gia cuộc họp báo hôm 23/10 với tư cách là đồng nguyên đơn và là đại diện được chỉ định bởi một liên minh gồm 23 tổ chức vì quyền của người tị nạn Triều Tiên.

Ông Kim nhấn mạnh rằng: “Những người Triều Tiên đào thoát sống ở nước ngoài đang nhiệt thành kêu gọi Trung Quốc ngừng cưỡng bức hồi hương họ về Triều Tiên. Để theo đuổi mục tiêu này, chúng tôi đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp quyết liệt để làm sáng tỏ sai lầm nghiêm trọng trong chính sách hiện tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)".

Ông liệt kê những nỗ lực mà các tổ chức đã cố gắng thực thi để ngăn chặn ĐCSTQ gửi người tị nạn trở lại Triều Tiên - những nỗ lực mà chưa có kết quả, bao gồm các kiến nghị có hàng triệu hoặc hàng chục triệu chữ ký, trong đó phản đối các đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài và kêu gọi sự giúp đỡ từ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và những người khác.

“Chúng tôi tin rằng cách tiếp cận có triển vọng nhất hiện nay là Tổng thống [Hàn Quốc] Yoon Suk-yeol phải mạnh mẽ thúc giục nhà lãnh đạo Trung Quốc chấm dứt hồi hương những người Bắc Triều Tiên đào thoát, vì họ cũng là công dân Hàn Quốc. Ngoài ra, một nhóm gồm hàng chục người đào thoát đang lên kế hoạch tiếp cận Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn”, ông nói.

Ông Kim kêu gọi Tổng thống Yoon nắm bắt tính cấp bách của tình hình hiện tại và chuyển lời đề nghị tới Bắc Kinh.

Ông nói: “Những người đào tẩu sẽ chết nếu bị bắt, thậm chí họ có thể phải đối mặt với một tình huống còn đáng sợ hơn cả cái chết. Nhiều người đào tẩu nói với tôi rằng để giúp anh chị em của họ không phải chịu đau khổ, họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để ngăn chặn ĐCSTQ tiếp tục cuộc trao đổi vô nhân đạo và phản nhân loại này với Triều Tiên".

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Người Triều Tiên đào thoát kể về thảm cảnh ở trại giam Trung Quốc và bị cưỡng ép hồi hương