Nhật Bản xác nhận sẽ xả nước thải hạt nhân ra biển vào thứ 5

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thứ 3 (22/08), Nhật Bản xác nhận rằng họ sẽ sớm xả nước thải hạt nhân ra Thái Bình Dương. Trước đó, các nước láng giềng đã bày tỏ lo ngại về quyết định này của Tokyo.

“Chúng tôi dự kiến việc xả thải sẽ bắt đầu vào ngày 24/8 nếu điều kiện thời tiết và biển cho phép”, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với các phóng viên sau cuộc họp nội các ở Tokyo. Ông đã yêu cầu đơn vị điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi là Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) thực hiện công tác chuẩn bị.

Tuyên bố của Nhật Bản được đưa ra sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế của Liên hợp quốc (IAEA) kết luận vào tháng 7 (pdf) rằng việc xả nước phóng xạ từ nhà máy điện Fukushima Daiichi (nơi từng bị phá hủy) là phù hợp với các giao thức an toàn quốc tế. Khoảng 1,2 triệu tấn nước đã được sử dụng để làm nguội các thanh nhiên liệu tại nhà máy này sau trận động đất và sóng thần tàn khốc xảy ra vào tháng 3/2011.

Sau 2 năm xem xét kế hoạch của Nhật Bản, IAEA "kết luận rằng cách tiếp cận và các hoạt động phục vụ việc xả nước đã qua xử lý ALPS của Nhật Bản là phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế có liên quan". IAEA đề cập đến một hệ thống bơm và lọc được gọi là hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến; hệ thống này sử dụng một loạt phản ứng hóa học để loại bỏ hàng chục loại hạt nhân phóng xạ khỏi nước phóng xạ.

"Ngoài ra, IAEA nhận thấy rằng việc xả dần dần và có kiểm soát nước đã qua xử lý ra biển, theo kế hoạch và đánh giá hiện tại của TEPCO, sẽ có tác động phóng xạ rất nhỏ đối với con người và môi trường", IAEA cho biết trong một tuyên bố.

TEPCO cho biết, nước ban đầu sẽ được xả thành từng phần nhỏ và sẽ được kiểm tra thêm, với tổng lượng xả đầu tiên là 7.800 mét khối trong khoảng 17 ngày bắt đầu từ thứ 5 (24/08). Theo TEPCO, lượng nước đó sẽ chứa khoảng 190 becquerel triti mỗi lít (becquerel là đơn vị đo cường độ phóng xạ, triti là một đồng vị phóng xạ của hydro), thấp hơn giới hạn cho nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới là 10.000 becquerel triti mỗi lít.

Thủ tướng Kishida nói vào thứ 3 rằng: “Chính phủ cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm cho đến khi hoàn tất việc xả nước đã qua xử lý, ngay cả khi phải mất hàng thập kỷ mới hoàn thành”.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ 3, Hàn Quốc cho hay, họ không thấy có vấn đề gì với các khía cạnh khoa học hay kỹ thuật của kế hoạch của Nhật Bản, nhưng không nhất thiết phải đồng ý hay ủng hộ nó.

Trưởng đặc khu Hong Kong Lý Gia Siêu (John Lee) thì gọi việc xả thải là "vô trách nhiệm" và khẳng định Hong Kong sẽ "ngay lập tức kích hoạt" các biện pháp kiểm soát nhập khẩu đối với thủy sản Nhật Bản từ các khu vực bao gồm thủ đô Tokyo và Fukushima, bắt đầu từ thứ 5.

Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương - một tổ chức gồm Fiji, Úc và Papua New Guinea - đã chỉ trích kế hoạch xả thải của Nhật Bản. Đầu năm nay, nhóm đã kêu gọi Tokyo ngừng kế hoạch này cho đến khi tiến hành nhiều nghiên cứu hơn.

Ông Henry Puna - Tổng thư ký của diễn đàn - nói vào tháng 1 như sau: “Chúng tôi đã thực hiện các bước quan trọng để làm việc với Nhật Bản nhằm hiểu rõ lập trường của họ và cơ sở lý luận đằng sau quyết định đơn phương của họ. Với tư cách là một khu vực, chúng tôi cam kết hợp tác với họ ở cấp độ kỹ thuật và mời một nhóm độc lập gồm 5 chuyên gia khoa học trong các lĩnh vực chính như năng lượng hạt nhân và bức xạ, vật lý cao năng lượng, hóa học biển, hóa sinh, sinh học biển và hải dương học để cung cấp một đánh giá khoa học độc lập về tác động của việc xả thải đó”.

Bất chấp sự phản đối ở nước ngoài, ông Kishida cho biết ông tin rằng cộng đồng quốc tế ngày càng "có hiểu biết chính xác" về vấn đề này. Ông nói thêm rằng, những người chịu trách nhiệm khẳng định rằng họ đã loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ khỏi nước ngoại trừ triti - một đồng vị hydro phải pha loãng vì khó lọc.

Một quan chức Nhật Bản cho hay, kết quả xét nghiệm đầu tiên về nước biển sau xả thải có thể có vào đầu tháng 9. Nhật Bản cũng sẽ kiểm tra cá ở vùng biển gần nhà máy và công bố kết quả kiểm tra trên trang web của Bộ Nông nghiệp.

Chính phủ Nhật Bản và TEPCO từ lâu đã tuyên bố rằng, nước phải được xả đi để cho phép nhà máy Fukushima ngừng hoạt động và ngăn chặn những rò rỉ bất ngờ từ các bể chứa nước.

Ông Junichi Matsumoto - một giám đốc điều hành trong TEPCO, phụ trách việc xả nước - nói với The Associated Press (AP) vào tháng 7 như sau: "Việc xả nước đã qua xử lý ALPS ra biển là một cột mốc quan trọng đối với chúng tôi, cũng như đối với việc cho ngừng hoạt động nhà máy".

Ông Matsumoto nói với AP rằng ông đã phải vật lộn để quản lý lượng nước bị ô nhiễm khổng lồ trong khoảng 1.000 bể chứa, đồng thời cho biết một số công nhân nhà máy đã buộc phải xả nước trong một số trường hợp nhất định.

“Để thúc đẩy dần việc ngừng hoạt động nhà máy, thì lượng nước ngày càng tăng là vấn đề cấp bách mà chúng tôi không thể trì hoãn, và chúng tôi đã từng cảm thấy khủng hoảng. Chúng tôi vẫn còn phải giải quyết nhiều thách thức hơn và nhiều hoạt động có rủi ro cao hơn, như loại bỏ các mảnh vụn bị nóng chảy và nhiên liệu đã qua sử dụng” khỏi các lò phản ứng bị hư hỏng, ông nói.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhật Bản xác nhận sẽ xả nước thải hạt nhân ra biển vào thứ 5