Ông McCarthy: Nếu được bầu làm Chủ tịch Hạ viện sẽ đóng cửa các đồn cảnh sát của Trung Quốc ở Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm Chủ nhật (20/11), Lãnh đạo Đảng Cộng hòa của Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho biết, nếu được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, ông sẽ thành lập Ủy ban đặc biệt về các vấn đề Trung Quốc, và sẽ đóng cửa các đồn cảnh sát của Trung Quốc trên đất Mỹ.

“Trung Quốc là quốc gia số một về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ. Chúng ta sẽ chấm dứt việc này, và không cho phép chính phủ ngồi yên và để Trung Quốc làm những điều này với Hoa Kỳ", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với đài Fox News.

Ông McCarthy cũng cho biết, ông sẽ giữ lời hứa về việc đẩy một số thành viên Đảng Dân chủ ra khỏi các ủy ban quan trọng của Hạ viện, gồm Chủ tịch Ủy ban Tình báo, Dân biểu Adam Schiff.

Bên cạnh đó, ông cũng sẽ cách chức Chủ tịch Ủy ban Tình báo, Dân biểu Đảng Dân chủ Eric Swalwell và thành viên Ủy ban Đối ngoại, Dân biểu Đảng Dân chủ Ilhan Omar.

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng này, ông McCarthy đang cạnh tranh cho chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện, sau khi Đảng Cộng hòa giành được đa số sít sao tại Hạ viện. Ông hiện đang nhận được sự ủng hộ của hầu hết các đại diện Đảng Cộng hòa, và hy vọng sẽ chính thức đắc cử khi Quốc hội mới bắt đầu vào tháng 1/2023.

Một nguồn tin giấu tên nói với tờ Reuters rằng, ông McCarthy đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo Hạ viện của Đảng Cộng hòa vào thứ Ba (15/11), đánh bại Dân biểu Andy Biggs thuộc phe bảo thủ cứng rắn, với tỷ lệ bỏ phiếu kín 188-31.

Hôm thứ Năm (17/11), ông McCarthy cũng tiết lộ với đài Fox News rằng, sau khi Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray nói với các nghị sĩ, rằng Hoa Kỳ lo ngại về việc Chính phủ Trung Quốc thiết lập các đồn cảnh sát hải ngoại trái phép tại một số thành phố của Hoa Kỳ, đảng của ông sẽ “dừng các trạm cảnh sát này ở Mỹ".

“Tôi rất lo ngại về điều này. Chúng tôi biết về sự tồn tại của những trạm cảnh sát này”, ông Wray nói nói trong phiên điều trần ngày 17/11 của Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề Chính phủ Thượng viện Mỹ (U.S Senate Committee on Homeland Security and Governmental Affairs).

“Chúng tôi phải rất cẩn trọng khi thảo luận về các cuộc điều tra cụ thể. Nhưng tôi cho rằng, việc cảnh sát Trung Quốc cố gắng thiết lập các [đồn cảnh sát bí mật] mà không có sự phối hợp là rất thái quá, đặc biệt là ở New York. Điều đó đã vi phạm chủ quyền và phá vỡ các quy trình hợp tác thực thi pháp luật và tư pháp tiêu chuẩn của Mỹ”.

“Lý do khiến điều này trở nên tối quan trọng là bởi vì, đó là một khuôn mẫu rõ ràng của ĐCSTQ trong việc xuất khẩu sự đàn áp của họ sang đất Mỹ”, ông Wray cho hay.

“Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều tình huống… trong đó chính phủ Trung Quốc, với lý do truy quét tham nhũng, về cơ bản đã lợi dụng điều đó như một phương tiện để giám sát. Chúng tôi đã bắt gặp những tình huống mà họ đã cài thiết bị nghe lén vào trong ô tô của người Mỹ”.

Ông Wray giải thích rằng, các đặc vụ của ĐCSTQ đã tham gia một cách có hệ thống vào việc “quấy rối, theo dõi, giám sát, tống tiền những người mà họ không ưa hoặc những người bất đồng chính kiến với ĐCSTQ”. Những đặc vụ này vừa hành động trực tiếp và vừa thuê những người trên đất Mỹ để thực hiện những việc làm tương tự.

Tổ chức nhân quyền phi chính phủ có trụ sở tại châu Âu, Safeguard Defenders, đã công bố một báo cáo vào tháng 9, tiết lộ rằng có hàng chục “trạm dịch vụ cảnh sát và Hoa kiều” của Trung Quốc tại các thành phố lớn trên thế giới, gồm cả New York.

Báo cáo có tiêu đề “Hệ thống 110 hải ngoại: Chính sách đàn áp xuyên quốc gia của Trung Quốc” (110 Overseas: Chinese Transnational Policing Gone Wild), đã xem xét sáng kiến ​​do mười “tỉnh thí điểm” đưa ra lần đầu tiên vào năm 2018. Các hệ thống này còn được gọi là "hệ thống 110 hải ngoại", được đặt theo số điện thoại dịch vụ khẩn cấp của cảnh sát nước này.

Theo báo cáo, các trạm cảnh sát này là một phần trong chiến dịch bành trướng ra nước ngoài của ĐCSTQ, nhằm buộc công dân Trung Quốc phải hồi hương để đối mặt với cáo buộc hình sự. Đây cũng là nỗ lực của ĐCSTQ nhằm truyền bá sức ảnh hưởng cũng như tuyên truyền của chế độ này ra nước ngoài.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington thừa nhận sự tồn tại của các trang web do tình nguyện viên điều hành ở Mỹ, nhưng lập luận rằng chúng không phải là “sở cảnh sát”.

Theo một báo cáo từ Chinanews.com vào ngày 22/1 năm nay, ông Liu Rongyan, Giám đốc Văn phòng các vấn đề về Hoa kiều của Cục Công an Phúc Châu, tiết lộ rằng, trong đợt đầu tiên, Cục Công an Phúc Châu đã thành lập 30 “Trạm cảnh sát Phúc Châu và Văn phòng các vấn đề Trung Quốc ở nước ngoài” tại 25 thành phố ở 21 quốc gia.

Trong đợt danh sách đầu tiên, Cục Công an Phúc Châu đã đặt một đồn cảnh sát ở thành phố New York, Mỹ.

Theo tài khoản công khai WeChat “New York News Agency”, trạm cảnh sát ở New York nằm trong Hiệp hội Trường Lạc Hoa Kỳ (America Changle Association), nhóm người Hoa thân cộng ở hải ngoại có trụ sở tại Khu Phố Tàu, Manhattan, thành phố New York. Trạm cảnh sát này chính thức ra mắt vào ngày 15/2. Địa điểm của hiệp hội này là: #3A, 107 East Broadway, Chinatown.

Thanh Hải

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ông McCarthy: Nếu được bầu làm Chủ tịch Hạ viện sẽ đóng cửa các đồn cảnh sát của Trung Quốc ở Mỹ